Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Hội nghị Sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015

20/07/2015 | 08:26

Ngày 15/7 Bộ VHTTDL đã có Thông báo số 2820/TB-BVHTTDL thông báo kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Hội nghị Sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015.

Sau khi nghe Báo cáo kết quả tình hình thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 và ý kiến phát biểu của các đại biểu, Bộ trưởng kết luận:

Về kết quả đạt được:

Với tinh thần quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương; công tác quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 trên cả nước đã có nhiều tiến bộ so với những năm trước; cơ bản đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách.

Các phương án đảm bảo an toàn lễ hội được các địa phương quan tâm, không có các biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng xảy ra. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội từng bước được cải thiện và nâng cao; chất lượng dịch vụ phục vụ du khách được chú trọng, mục tiêu gắn kết lễ hội với phát triển du lịch được nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả.

Thông qua lễ hội, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, các giá trị văn hóa đặc sắc của từng vùng, miền, địa phương trong cả nước đã và đang được quảng bá rộng rãi tới bạn bè quốc tế. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, phát huy có hiệu quả.

Một số hạn chế cần khắc phục:

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong sinh hoạt lễ hội đã và đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết, đó là:

Ở một số lễ hội, Ban Tổ chức chưa thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp giữa các tiểu ban chưa chặt chẽ, chưa kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những tiêu cực diễn ra trong lễ hội trên địa bàn.

Việc quy hoạch, bố trí các công trình phụ trợ phục vụ du khách ở một số di tích, lễ hội còn bất cập; chưa có biện pháp dự báo lượng du khách tham gia lễ hội để có kế hoạch, bố trí sắp xếp và chuẩn bị nhân lực phục vụ du khách.
Mô hình quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội chưa có sự thống nhất, nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý, dẫn đến thiếu thống nhất, một số nơi phát sinh mâu thuẫn về lợi ích trong nội bộ Ban Quản lý, Ban Tổ chức lễ hội.

Việc cấp phép tổ chức lễ hội chưa được các địa phương giám sát chặt chẽ; vẫn còn biểu hiện thương mại hoá, lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé vào lễ hội, vi phạm nghiêm trọng Quy chế tổ chức lễ hội.

Ý thức của một bộ phận người dân tham gia lễ hội chưa cao, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội một số nơi chưa tốt; vẫn còn hiện tượng đốt nhiều vàng, mã; đặt tiền lễ không đúng quy định, xả rác bừa bãi trong khuôn viên di tích, lễ hội.

Một số địa phương có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý, không kịp thời báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin để xử lý những vấn đề phát sinh trong tổ chức lễ hội, gây bức xúc trong dư luận.

Một số nhiệm vụ trong tâm thời gian tới:


Về nhiệm vụ chung:

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, nhà trường, xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội.

Tiếp tục rà soát, thống kê nghiên cứu về lễ hội để có biện pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội; chú trọng nội dung, hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn trên tinh thần gạn đục, khơi trong; bảo tồn có chọn lọc, dần loại bỏ những yếu tố không phù hợp (như hiện vật lạ trong các di tích, tục hiến sinh trong một số hội làng truyền thống…) đề xuất các hình thức thay thế phù hợp với truyền thống văn hóa, đảm bảo giá trị nhân văn của lễ hội.

Hiện nay, việc quản lý, tổ chức lễ hội đã được phân cấp cho các địa phương. Lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thể thao cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội, chủ động trong công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại, buông lỏng quản lý.

Các địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động để nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý của các Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích; chú trọng bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lý, tổ chức lễ hội cho các lực lượng chức năng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trên cơ sở xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn.

Thực hiện đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội theo tiêu chí tại Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ngày 12/ 02/2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cơ sở.

Để từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về lễ hội, giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, phối hợp Thanh tra Bộ, Cục Di sản Văn hóa và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan xây dựng Thông tư quy định về tổ chức lễ hội, kịp thời đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý và tổ chức thời gian tới.

Các nhiệm vụ cụ thể:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, lễ hội; tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ, đảm bảo anh ninh, trật tự, vệ sinh, môi trường, ứng xử văn minh trong lễ hội (nhân dân và người làm công tác quản lý, tổ chức lễ hội đều phải thực hiện).

Nêu cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành; trách nhiệm của Ban Tổ chức các lễ hội tại các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra tổ chức lễ hội; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong quản lý, tổ chức lễ hội.
Quy hoạch, tổ chức hàng quán, dịch vụ trong di tích, lễ hội đảm bảo mỹ quan, hợp lý, thuận tiện; cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện niêm yết giá, bán đúng mặt hàng, không chèo kéo, ép giá đối với du khách.

Tăng cường công tác vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, đảm bảo sạch, đẹp, rác thải được thu gom, xử lý kịp thời.

Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội chủ động các phương án đảm bảo an ninh, an toàn trong lễ hội, có các phương án dự phòng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong lễ hội, nhất là những lễ hội lớn, thu hút đông người tham gia.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch là cơ quan thường trực, chủ động phối hợp chặt chẽ, tích cực với các ngành chức năng như: công an, giao thông, ngân hàng, y tế, công thương, giáo dục, thông tin và truyền thông... trong quản lý và tổ chức lễ hội.

Tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông trong việc cung cấp thông tin nhanh, chính xác. Đối với các cơ quan truyền thông, đề nghị phản ảnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội kịp thời, cả mặt tích cực và tiêu cực, không đặt tên bài viết có tính “giật gân”, đảm bảo tính chính xác, trung thực, đúng quy định.

Ban Quản lý di tích có phương án đặt và quản lý hòm công đức hợp lý, thuận tiện cho người dân; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích.

Đề nghị các địa phương khi tổ chức lễ hội cần phải nghiên cứu toàn diện, có giải pháp thay thế phù hợp, chấm dứt những tập tục không còn phù hợp, phản cảm như: “cướp lộc”, “cướp phết”, “đập đầu trâu”, “đâm trâu”, “chém lợn” và các biểu hiện phản cảm khác trong lễ hội.

Nghiêm cấm và xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng lễ hội để thực hiện mê tín, dị đoan, lợi dụng lễ hội để trục lợi, tổ chức các hoạt động dịch vụ có tính cờ bạc, tổ chức cờ bạc.

Tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong tổ chức lễ hội; đảm bảo đúng quy chế, không thương mại hóa lễ hội; cấp phép tổ chức lễ hội đúng quy định.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×