Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại cuộc họp về chỉnh trang khuôn viên, mặt ngoài, cảnh quan của một số đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ

02/04/2015 | 08:06

Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1137/TB-BVHTTD ngày 30/3,  thông báo kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại cuộc họp về chỉnh trang khuôn viên, mặt ngoài, cảnh quan của một số đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ.

Ngày 10/3, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp với một số đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ (Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Ban Quản lý Nhà hát Lớn, Nhà hát Kịch Việt Nam) về chỉnh trang khuôn viên, cảnh quan nơi làm việc, biểu diễn, tập luyện. Cùng dự có đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Văn phòng Bộ. Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Bộ trưởng kết luận:

Nhà hát Chèo Việt Nam: Đồng ý phương án 1, về hình khối, màu sắc, tấm trang trí và phương án cải tạo chung như phương án đề xuất.
 
Đề nghị chủ đầu tư giữ nguyên hình thức tại sảnh chính và sảnh phụ. Việc sử dụng đá trang trí tại vị trí ngã tư giao nhau giữa đường Kim Mã và Giang Văn Minh, chủ đầu tư cần nghiên cứu theo hướng cách điệu logo của Nhà hát chèo hoặc phù điêu để tạo điểm nhấn.

Đồng ý theo phương án đề xuất: đặt ba cột cờ tại vị trí đá trang trí (01 cờ tổ quốc ở giữa, 02 cờ lễ hội hai bên); dùng tên “Nhà hát Chèo Việt Nam” thay cho tên  “Nhà hát Kim Mã”, và bổ sung tên gọi bằng tiếng Anh. Thiết kế không gian sảnh cho phù hợp với kiến trúc tổng thể, nêu bật được nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật và Nhà hát Chèo Việt Nam. Bổ sung hệ thống camera kiểm soát; thiết bị chiếu sáng ngoài nhà; phần đặt quảng cáo; phần giới thiệu chương trình nghệ thuật biểu diễn bằng màn hình LED.

Lưu ý phần thiết kế hệ thống đường cho người khuyết tật. Đối với phần hàng rào, bỏ phương án dùng hàng rào cứng xung quanh nhà hát, thay thế bằng ngăn cách mềm sử dụng bồn hoa cây cảnh như phương án đề xuất. Đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu thêm phương án đỗ xe của Nhà hát.

Nhà hát Tuồng Việt Nam:  Đồng ý phương án 1, đảm bảo phương án thiết kế sử dụng logo với tông màu sáng. Đối với ba cột tiền sảnh, các màu sử dụng nên chuyển sang màu nhã nhặn. Phần phù điêu, mặt nạ cần làm cho nổi bật hơn.

Đề nghị chủ đầu tư bổ sung hệ thống chiếu sáng trang trí để tạo điểm nhấn cho công trình về ban đêm. Chú ý thiết kế để người tàn tật có thể đến nhà hát xem biểu diễn; đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy an toàn theo đúng quy định.

Thiết kế phần ghi tên Nhà hát Tuồng Việt Nam với kích thước nhỏ hơn và trình bày song ngữ (Việt-Anh). Chủ đầu tư cần thỏa thuận với các hộ gia đình trong Nhà hát để công việc cải tạo đảm bảo tính đồng bộ và ban hành quy chế sử dụng. Chú ý công tác khảo sát mái nhằm chống thấm dột, đảm bảo công tác biểu diễn tốt nhất. Nhà hát cần có kế hoạch và tổ chức phối hợp với các công ty lữ hành du lịch xây dựng các vở diễn phục vụ du khách.

Nhà hát Tuổi Trẻ: Đơn vị cần chú ý cải tạo mặt ngoài Nhà hát mang tính thẩm mỹ và có điểm nhấn để thu hút công chúng khán giả trẻ; phần thiết kế cần có sự tham gia của các diễn viên Nhà hát. Thực hiện phương án ngầm hóa dây điện nhằm đảm bảo mỹ quan cho Nhà hát.

Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội:  Đơn vị cần chú ý chỉnh trang lại Nhà hát, đặc biệt khu vực phía sau nhằm đảm bảo không gian chung. Phối hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam lát đá phần sân phía sau; làm lại hệ thống thoát nước; làm việc với địa phương để giải tỏa các hàng quán; bố trí thiết bị chiếu sáng phần khuôn viên phía sau; sơn lại Nhà hát, đảm bảo giữ nguyên màu sơn cũ. Cải tạo lại khu vệ sinh Nhà hát. Nghiên cứu phương án bố trí lại nơi giữ xe.

Yêu cầu các đơn vị hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trước ngày 30 tháng 4 năm 2015.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×