Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng

12/05/2011 | 10:36

(VP)- Vừa qua, tại Trung tâm hội nghị thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã có buổi làm việc với đồng chí Dương Anh Điền-Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng về tình hình hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch năm 2011.

Sau khi nghe Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng báo cáo công tác phát triển văn hoá, thể thao và du lịch năm 2010, nhiệm vụ trọng tâm năm 2011, ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Bộ trưởng kết luận:

Hải Phòng là thành phố cảng, có vị trí quan trọng về chính trị, văn hoá, kinh tế, có dân số và điều kiện xã hội thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, với sự phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Phòng, các lĩnh vực kinh tế-xã hội của Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hải Phòng cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư xây dựng các thiết chế, công trình văn hoá, thể thao trọng điểm một cách chất lượng; tuyên truyền nhân rộng giá trị văn hoá truyền thống; kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các luồng tư tưởng, văn hoá độc hại.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch của thành phố Hải Phòng năm 2011 và những năm tiếp theo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng quan tâm, chỉ đạo:

Xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành uỷ về phát triển văn hoá, giá đình, thể dục thể thao và du lịch Hải Phòng, để có giải pháp tiếp tục thực hiện giai đoạn 2011-2015.

Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao xứng tầm là trung tâm kinh kế lớn của cả nước; rà soát, quy hoạch các khu, điểm di tích; tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, lễ hội, củng cố tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về văn hoá các cấp (cấp thành phố, cấp quận, huyện), xử lý nghiêm các hoạt động mê tín dị đoan.

Triển khai việc kiểm kê và công bố danh mục di tích; kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể của Thành phố, lựa chọn di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Khoanh vùng, cắm mốc các địa điểm, vị trí có ý nghĩa lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Đường Hồ Chí Minh trên biển, di tích về cuộc phong toả Hải Phòng năm 1972 và những di tích có liên quan đến chiến thắng trên sông Bạch Đằng… để có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị trong thời gian tới.

Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch trên địa bàn Thành phố. Quan tâm công tác phòng, chống bạo lực gia đình; sử dụng đúng mục đích các nguồn vốn Bộ đã phân bổ và giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm đầu mối triển khai thực hiện.

Đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt là công tác đào tạo vận động viên các môn thể thao Olympic và vận động viên trẻ; chủ trì và phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng Đề án, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Năm du lịch quốc gia khu vực đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng năm 2013.

Sớm có kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch, theo hướng văn minh, hiện đại. Trước mắt, khẩn trương hoàn thiện và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong đó phải thể hiện được Hải Phòng là một trong 3 trọng điểm về du lịch, gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Củng cố bộ phận quản lý nhà nước về du lịch trong Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Về các đề nghị cụ thể của thành phố Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ chủ trương xây dựng Khu huấn luyện, Khu thể thao biển… Đồng thời, đề nghị Thành phố lập dự án, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, trình Bộ xem xét, hiệp y trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về việc đề nghị UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới: Do có sự thống nhất về không gian, cảnh quan và tính tương đồng về giá trị văn hoá và địa chất, đề nghị thành phố Hải Phòng thống nhất với tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia UNESCO về khả năng đề nghị UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới trong quần thể Hạ Long-Cát Bà.

Về việc tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, du lịch Hải Phòng ở trong và ngoài nước: Giao Tổng cục Du lịch, các cơ quan báo chí của Bộ phối hợp với thành phố Hải Phòng tổ chức triển khai thực hiện.

Về đề nghị công nhận Khu tưởng niệm Vương triều Nhà Mạc là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia: Đề nghị Hải Phòng phối hợp với các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, khai quật khảo cổ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của di tích Dương Kinh phục vụ phát triển du lịch. Khi hội tụ đủ các điều kiện cần thiết, Bộ sẽ xem xét, xếp hạng Khu tưởng niệm Vương triều Nhà Mạc là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Đề nghị thành phố nghiên cứu và triển khai để khai thác có hiệu quả Khu lưu niệm Vương triều Nhà Mạc.

Về việc nâng cấp Lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn thành lễ hội cấp quốc gia: Trước mắt, đề nghị Hải Phòng tiếp tục tổ chức Lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn. Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Quy hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên toàn quốc, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để triển khai thực hiện.

Về việc ban hành cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sĩ đã hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp thu kiến nghị của Thành phố và sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Về việc đăng cai tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2019: Hiên nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các địa phương thống nhất, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 3 năm/lần. Bộ ghi nhận đề nghị của Thành phố và sẽ có ý kiến chính thức sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo.

Về kiến nghị giảm số môn và thời gian thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc: Bộ ghi nhận kiến nghị của Thành phố và giao Tổng cục Thể dục thể thao nghiên cứu, triển khai thực hiện tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 7 năm 2014 tại Nam Định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ủng hộ Hải Phòng đăng cai tổ chức thi đấu môn Đua thuyền, Bắn cung trong chương trình thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 7 năm 2014. Đồng thời, ủng hộ Hải Phòng xây dựng Trung tâm Bóng đã trẻ quốc gia với sự đầu tư của Hàn Quốc.

HCTC
(Nguồn Thông báo số 1405/TB-BVHTTDL)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×