Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại buổi họp về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Di sản Thế giới ở Việt Nam

19/08/2014 | 14:22

Ngày 15/8, Bộ VHTTDL đã có Thông báo số 2740/TB-BVHTTDL thông báo kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại buổi họp về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Di sản Thế giới ở Việt Nam.

Sau khi nghe lãnh đạo Cục Di sản văn hóa báo cáo về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Di sản Thế giới và thực trạng quản lý các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh ở Việt Nam, ý kiến của các thành viên dự họp, Bộ trưởng kết luận:

Biểu dương Cục Di sản văn hóa và các Cục, Vụ, Viện liên quan của Bộ VHTTDL thời gian qua đã tích cực, chủ động đề xuất nhiều chương trình, kế hoạch hành động thiết thực tham gia Ủy ban Di sản Thế giới, chỉ đạo các địa phương trên cả nước đẩy mạnh công tác nhận diện giá trị, bảo tồn, phát huy các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.

Giao Cục Di sản văn hóa: Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới thông qua các hoạt động cụ thể như sau:

Soạn thảo “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, Ban, Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương trong việc quản lý các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam” trình Bộ VHTTDL xem xét.

Soạn thảo “Hướng dẫn việc kiện toàn, củng cố mô hình, bộ máy quản lý các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam” để điều chỉnh những bất cập trong quản lý di sản hiện nay.

Đôn đốc các địa phương thực hiện đầy đủ các thông báo kết luận của Bộ VHTTDL về công tác quản lý, bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Thông báo số 1744/TB-BVHTTDL ngày 02/6/2014 và Công văn số 687/BVHTTDL-DSVH ngày 11/3/2014).

Phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch và tỉnh Ninh Bình triển khai, thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới tại Kỳ họp lần thứ 38 về những nội dung liên quan đến Quần thể danh thắng Tràng An.

Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Hợp tác quốc tế triển khai thành lập Ủy ban quốc gia ICOMOS Việt Nam.

Xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam, trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động của các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam. Mỗi năm kiểm tra từ 1 - 2 khu di sản.

Đề xuất với Lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nhân sự của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia nhiệm kỳ 2015 - 2019.

Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể thông qua các hoạt động cụ thể như sau:

Phối hợp với Vụ Kế hoạch, Tài chính và các Viện nghiên cứu xây dựng kế hoạch kiểm tra, theo dõi việc triển khai các dự án, đề án tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.

Đề xuất phân công đơn vị chuẩn bị xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Hát Then và Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO đưa vào các danh mục di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO trong những năm tới.

Triển khai làm hồ sơ Nghệ thuật Bài Chòi và vận động các địa phương đóng góp kinh phí cho việc chuẩn bị hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi trình UNESCO trong năm 2015.

Đề xuất đầu tư kinh phí từ nguồn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa cho các dự án, đề án thực hiện Kế hoạch hành động của Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã cam kết với UNESCO.

Giao Cục Hợp tác quốc tế tăng cường hợp tác song phương, đa phương để tranh thủ nguồn vốn quốc tế cho công tác bảo tồn Di sản Thế giới. Mời chuyên gia của các cơ quan tư vấn của UNESCO là IUCN và ICOMOS hỗ trợ Việt Nam trong công tác nhận diện giá trị, quản lý, bảo vệ các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam. Trước mắt, trong năm 2014 mời chuyên gia vào giúp xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử và xây dựng kế hoạch quản lý Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Giao Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh đưa việc hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào chương trình công tác hàng năm, cụ thể:

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm hỗ trợ việc bảo tồn: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc.

Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm hỗ trợ việc bảo tồn: Hát Xoan Phú Thọ, Hát Ca Trù.

Học viện Âm nhạc Huế chịu trách nhiệm hỗ trợ việc bảo tồn: Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm hỗ trợ việc bảo tồn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×