Hương ước, quy ước cần đóng dấu giáp lai
14/05/2018 | 12:17Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Theo quy định, hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định.
Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư; không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới; không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.
Quyết định quy định nội dung của hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư và mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Ngôn ngữ trong hương ước, quy ước là tiếng Việt, được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với cộng đồng dân cư.
Hương ước, quy ước đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận phải được thông tin, phổ biến kịp thời, rộng rãi đến các hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố để biết, thực hiện bằng một trong các hình thức: 1- Hội nghị của thôn, tổ dân phố; 2- Niêm yết công khai tại nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng; 3- Thông tin trên mạng lưới thông tin cơ sở; 4- Sao gửi hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình, cá nhân; 5- Hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của cộng đồng dân cư.
Quyết định nêu rõ, hương ước, quy ước bị bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau: 1- Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định nhưng đã hết thời hạn quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà thôn, tổ dân phố không tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế; 2- Đã được công nhận nhưng không bảo đảm điều kiện thông qua theo quy định./.
Hoàng Đức