Hướng đi nào cho kinh tế thể thao Việt Nam (Bài 2): Khán giả là yếu tố quyết định
10/06/2023 | 17:04Người hâm mộ, khán giả luôn là một trong những yếu tố quan trọng của nền kinh tế thể thao mỗi quốc gia. Do vậy, mỗi môn thể thao, mỗi giải đấu đều đưa ra những định hướng chiến lược trong việc thu hút, phát triển số lượng người hâm mộ, khán giả.
Lượng người hâm mộ khổng lồ
Đây không phải là điều ngẫu nhiên bởi bên cạnh việc chứng minh sức hút, chất lượng của môn thể thao, giải đấu mà người hâm mộ, khán giả còn mang lại nguồn thu khổng lồ.
Lấy ví dụ ở môn thể thao vua là bóng đá, nguồn doanh thu truyền thống nhất đến từ người hâm mộ của các CLB luôn là từ việc bán vé và bán áo đấu.
Đối với bán vé, nguồn thu này chiếm phần quan trọng trong "miếng bánh" doanh thu của các đội bóng hàng năm. Ở những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu như Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga hay Ligue 1, doanh thu hàng năm đến từ việc bán vé của các đội bóng luôn chiếm trung bình từ 10-30%.
Trong khi đó, việc bán áo đấu cũng được diễn ra liên tục, theo từng giai đoạn, sự kiện. Một ví dụ tiêu biểu cho doanh thu khổng lồ đến từ việc bán áo đấu là thương vụ Cristiano Ronaldo gia nhập Juventus vào năm 2018.
Theo công bố, chỉ trong vòng 24 giờ sau khi vụ chuyển nhượng được công bố, Adidas đã bán được hơn 500,000 chiếc áo đấu mang tên “Ronaldo” và mang lại doanh thu trị giá hơn 48 triệu bảng Anh. Con số này bằng một nửa số tiền Juventus bỏ ra để có được chữ kí của Ronaldo là 99,2 triệu bảng.
Nhìn lại nền thể thao của Việt Nam, chúng ta không hề kém cạnh khi nhiều môn thể thao sở hữu rất đông người hâm mộ, khán giả theo dõi, tập luyện như bóng đá với giải quốc nội hàng đầu là V-League, Bóng rổ với VBA hay Điền kinh với các giải chạy...
Thống kê số lượng khán giả tới sân ở mùa giải V-League 2022 cho thấy, các sân bóng đã đón hơn 980.000 lượt khán giả trong 156 trận. Con số khán giả của mùa giải 2023 tính đến vòng đấu thứ 11 là hơn 465.000 lượt.
Trong số 14 đội bóng tham dự giải đấu quốc nội cao nhất, có không ít đội bóng sở hữu lực lượng người hâm mộ đông đảo như Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Công An Hà Nội... với số lượng khán giả đến theo dõi, cổ vũ trên sân nhà có thể lên tới hơn 10.000 người.
Không thua kém V-League, các giải đấu Bóng rổ, Bóng chuyền hay Điền kinh cũng thu hút từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn lượt người theo dõi, tham dự như giải VnExpress Marathon Huế 2023 vừa qua có tới 10.500 VĐV chuyên, bán chuyên tham gia thi đấu.
Khán giả là yếu tố quyết định
Theo đánh giá của ông Trần Chu Sa - Giám đốc điều hành giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA), đối tượng khán giả là yếu tố không thể không nhắc tới khi nói về nói về kinh tế thể thao bởi đây là những người tiêu thụ chính về nội dung và các hoạt động thể thao.
Lấy ví dụ về vấn đề mở rộng và giữ chân khách hàng, người hâm mộ, ông Trần Chu Sa cho biết, điều quan trọng nhất xây dựng và duy trì sức hút của giải đấu đối với người hâm mộ. Theo đó, VBA vạch ra lộ trình gồm 5 bước gồm: tạo dựng cộng đồng nói chung; xây dựng các kênh tiếp cận; nâng cao kiến thức nền tảng; cạnh tranh với các loại hình giải trí khác và hòa nhập khách hàng mới với khách hàng cũ. Lộ trình 5 bước trên được thực hiện với mục đích cuối cùng là mở rộng tệp khán giả, khiến khán giả hâm mộ yêu thích và gắn bó với bóng rổ nói chung và giải đấu nói riêng.
Trong thời gian phát triển vừa qua, với lộ trình được thực hiện một cách chỉn chu, kỹ càng, VBA đã thu hút được một lượng lớn khán giả, người hâm mộ.
"Mỗi bước trong lộ trình của chúng tôi đều có những khó khăn khác nhau. Cách đây 4-5 năm, tỉ lệ chuyển đổi chúng tôi đạt được là khoảng 25% so với thị trường. Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ này đã nâng lên từ 0,5-2%. Trong vài năm tới, mục tiêu của chúng tôi là nâng số lượng chuyển đổi này lên 6-7%. Cho nên chúng tôi đánh giá, tiềm năng ở mảng này vẫn đang còn rất lớn" - ông Trần Chu Sa nói.
Thực tế, các giải đấu của VBA đã thu về không ít lợi nhuận, giúp các đội bóng có thể "tự nuôi" được bản thân. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi trận đấu ở VBA 2019 có khoảng 1.500 người đến xem.
Với số tiền vé bán dao động từ 50 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/trận (với những vị trí đẹp), các đội bóng có thể mang về từ 150-200 triệu đồng tiền vé. Con số này không hề nhỏ nếu nhân lên số trận đấu mỗi mùa của một đội.
Tương tự như vậy, bóng đá cũng có điều kiện rất thuận lợi để phát triển nguồn thu từ người hâm mộ. Lấy ví dụ CLB Nam Định, với mỗi trận đấu trên sân Thiên Trường, CLB Nam Định sẽ đón ít nhất 10.000 người hâm mộ đến cổ vũ. Với mức vé khoảng 50 ngàn đồng/vé, BTC sân có thể thu về 500 triệu đồng mỗi trận.
Qua những con số trên có thể thấy, nguồn thu từ người hâm mộ ở các giải đấu thể thao của Việt Nam là rất tiềm năng. Để có thể khai thác hiệu quả, các nhà quản lý phải không ngừng thay đổi và làm mới điều lệ thi đấu để tăng tính hấp dẫn; tăng số lượng các trận đấu đỉnh cao để quảng bá rộng hơn nữa phong trào cũng như tạo thêm các giá trị kinh tế trong việc khai thác các dịch vụ đi kèm./.