Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hướng đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng: Cần chiến lược phát triển lâu dài và bền vững

23/04/2021 | 09:09

Sẽ là sai lầm nếu chỉ nhìn thấy mặt tích cực của du lịch cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy giao lưu văn hóa, mà coi nhẹ những tác động tiêu cực, phát sinh từ hoạt động du lịch. Đặc biệt, với địa phương đang hướng đến phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Thanh Hóa, việc xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững du lịch cộng đồng cần có những giải pháp mang tính chiến lược.

Hướng đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng: Cần chiến lược phát triển lâu dài và bền vững - Ảnh 1.

Việc quy hoạch và triển khai các dự án du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Bá Thước được thực hiện trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan tự nhiên. Ảnh: Hoài Anh

Quy hoạch và quản lý quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc

Nói đến du lịch cộng đồng, không ít người sẽ nghĩ ngay đến bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Trong những năm 2014-2016, khách du lịch nội địa đến bản Lác rất đông, hiệu quả kinh tế có thể thấy rõ. Các hộ chỉ cần sửa sang lại nhà cửa, sắm thêm đồ dùng là có thể làm du lịch, thu về lợi nhuận. Nhưng đó là câu chuyện của du lịch cộng đồng bản Lác trong thời kỳ phát triển mạnh nhất. Còn hiện nay, khách quốc tế lưu trú qua đêm và chi tiêu tại bản Lác có xu hướng giảm; khách nội địa có tăng nhưng ở mức hạn chế. Nguyên nhân quan trọng là do tốc độ bê tông hóa, văn hóa bản địa dần bị mai một...

Qua ví dụ trên cho thấy, để du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng, trước hết công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc. Phát triển du lịch bền vững cần hướng tới sự cân bằng giữa cung và cầu cả trong hiện tại và tương lai; cân bằng giữa khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch; cân bằng giữa yêu cầu phát triển và khả năng quản lý; cân bằng giữa chi phí và lợi ích... Do đó, sự đi trước của một số khu, điểm du lịch cộng đồng lân cận cần được xem là những kinh nghiệm, bài học quý cho việc quản lý, tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng của xứ Thanh.

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Việc đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện được thực hiện trên cơ sở quy hoạch và quản lý quy hoạch. Quan điểm của huyện là tuyệt đối không đầu tư xây dựng theo hướng bê tông hóa, phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Đồng thời, quá trình phát triển du lịch cộng đồng phải được định hướng và quản lý theo phương châm: Kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai, nhằm bảo tồn, tái tạo và phát triển được tài nguyên tự nhiên, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Đồng thời hướng đến việc tạo ra bản sắc riêng dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Về phía huyện Bá Thước, kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp đầu tư không đúng quy hoạch và tôn chỉ mục đích phát triển du lịch cộng đồng của huyện.

Cùng với huyện Bá Thước, các địa phương trên địa bàn tỉnh như Lang Chánh, Quan Hóa, Thường Xuân, Cẩm Thủy... xác định phát triển du lịch cộng đồng là một trong những chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025. Qua đó, chú trọng việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư có tiềm lực, tránh tình trạng giao dự án cho nhà đầu tư không đủ năng lực dẫn đến phá vỡ quy hoạch.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Vương Thị Hải Yến: Bên cạnh việc phát triển sản phẩm du lịch biển, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, xác định sớm đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm thế mạnh. Trước hết, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch tại các địa phương đã được tỉnh phê duyệt: Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Như Xuân, Thường Xuân, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Thạch Thành... Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái gắn với cảnh quan núi, hồ; tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên sông, hồ, suối, hang động tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các vùng có giá trị cảnh quan độc đáo như: Vườn Quốc gia Bến En, các Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên... trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa, gắn lợi ích của cộng đồng với sự phát triển hoạt động du lịch.

Tạo ra trải nghiệm và huy động sự vào cuộc của cộng đồng

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã chủ động phát huy những thế mạnh của mình để tạo ra các hoạt động trải nghiệm một cách bài bản, mang tính lâu dài. Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL, trong những năm gần đây, sự gia tăng về lượng khách du lịch cộng đồng của tỉnh nằm trong tốp đầu so với các tỉnh miền Bắc và khu vực Bắc miền Trung. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch cộng đồng vẫn còn hạn chế, chi tiêu trung bình của du khách còn ở mức rất thấp. Thực tế, khách du lịch đến các khu, điểm du lịch cộng đồng chi tiêu phần lớn cho ăn uống và lưu trú (khoảng 80%).

Theo đó, trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng, thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng đẩy mạnh việc tổ chức các sự kiện như: hoạt động thể thao mạo hiểm; marathon băng rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông... Đồng thời định hướng cho các khu, điểm du lịch trong việc xây dựng các mô hình trồng cây nông nghiệp có hoa theo mùa, tổ chức dịch vụ trải nghiệm như: gặt lúa, dệt vải, câu cá...; tổ chức trình diễn và xây dựng các cửa hàng lưu niệm; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; thành lập các tổ, đội văn nghệ dân gian; tổ chức các trò chơi dân gian... phục vụ du khách.

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng sẽ được quan tâm. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; vận động, hướng dẫn cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của từng địa phương, điểm đến. Đồng thời, Sở VH,TT&DL cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các khu du lịch trọng điểm, điểm du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch.

T.S Đoàn Mạnh Cương, Vụ Đào tạo, Bộ VH,TT&DL cho rằng: Tăng quyền lực cho cộng đồng là thực hiện quyền kiểm soát, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, cộng đồng được giao trách nhiệm giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch từ chủ trương, đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng và đặc biệt là bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, bản sắc văn hóa.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về vốn văn hóa đặc sắc, du lịch cộng đồng đang được phát triển trở thành một trong những sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Đây là một loại hình du lịch còn khá “trẻ”, song với tiềm năng và khả năng khai thác du lịch cộng đồng đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch 4 mùa, thu hút sự quan tâm đối với du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế, nếu có sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà đầu tư và cả cộng đồng.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×