Hợp tác Văn hóa - Thể thao - Du lịch giữa Việt Nam - Hàn Quốc: Cùng nhau nhanh hơn, cao hơn, xa hơn
20/10/2022 | 08:40Trong khuôn khổ Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc diễn ra từ ngày 13 - 19/10/2022, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có chuyến thăm và làm việc Hàn Quốc với nhiều cuộc gặp quan trọng nhằm trao đổi các vấn đề về phát triển lĩnh vực VHTTDL.
Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh hết sức ý nghĩa khi mà Chính phủ và Nhân dân hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đang tích cực tổ chức nhiều sự kiện quan trọng nhằm thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992), quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, toàn diện, tin cậy chính trị không ngừng được củng cố. Hai nước đã thiết lập quan hệ "Đối tác hợp tác chiến lược", trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực và đang hướng tới thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện".
Hàn Quốc hiện đứng số một về đầu tư trực tiếp; thứ hai về hợp tác phát triển ODA, lao động và du lịch; thứ ba về thương mại. 9,3 nghìn dự án FDI của Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 80 tỷ USD đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Hàn Quốc.
Đối với riêng lĩnh vực Văn hóa - Thể thao - Du lịch, nhờ sự vào cuộc tích cực của hai Chính phủ, hai Bộ, trong thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được những kết quả, dấu ấn nổi bật. Qua đó, đóng góp chung vào việc xây dựng, nâng tầm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia, đây cũng là cơ sở quan trọng để Chính phủ hai nước đi đến những thỏa thuận mới trong dịp kỷ niệm này.
Trở lại chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Thủ đô Seoul từ ngày 15-19/10, dù thời gian không quá dài nhưng thông qua những buổi làm việc thân tình, cởi mở, trên tinh thần chung là hợp tác và phát triển, đã đi đến những thỏa thuận chung về chủ trương lẫn các nội dung phối hợp cụ thể trên cả ba lĩnh vực.
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ ba của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sau một năm rưỡi ông đảm nhận cương vị "Tư lệnh" ngành VHTTDL. Điều rất đặc biệt đó là trong 3 chuyến công tác nước ngoài thì có đến 2 chuyến, điểm đến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là Hàn Quốc.
Trước đó, vào năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Trong khuôn khổ chuyến công tác này, Bộ trưởng VHTTDL Việt Nam - Hàn Quốc đã ký kết Chương trình Trao đổi Văn hóa để đẩy mạnh tổ chức các hoạt động nhân sự kiện quan trọng của hai quốc gia.
Trọng tâm chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Thủ đô Seoul vào tháng 10/2022 đó là cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp tại Hàn Quốc. Có một điều rất trùng hợp, Bộ VHTTDL của Việt Nam và Hàn Quốc là hai đơn vị có cũng lĩnh vực quản lý nhà nước, đây là điều hiếm gặp khi Việt Nam mở rộng mối quan hệ ngoại với các quốc gia trên thế giới ở lĩnh vực Văn hóa - Thể thao - Du lịch.
Không giống khung cảnh vẫn thường thấy trong những cuộc gặp song phương giữa các lãnh đạo cấp cao, cuộc hội đàm của Bộ trưởng VHTTDL Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng VHTTDL Hàn Quốc Park Bo Gyoon được bố trí ở một không gian rất giản dị với diện tích khiêm tốn nằm trong khuôn viên của Công viên viên sông Hàn Yeoido, nơi đang diễn ra đồng thời Lễ hội Kết nối Văn hóa của Hàn Quốc và Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc do Bộ VHTTDL Việt Nam tổ chức.
Trong không khí chân thành, cởi mở như những người bạn quý lâu ngày gặp lại, cuộc hội đàm không dành nhiều thời gian cho những trao đổi xã giao mà đề cập thẳng vào những vấn đề cả hai Bộ trưởng đang rất quan tâm. Theo đó, Công nghiệp văn hóa chính là lĩnh vực mà hai người đồng cấp đã dành phần lớn thời gian buổi hội đàm này để bàn luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tìm hướng hợp tác trong thời gian tới.
Dù thời gian không dài, thế nhưng cuộc hội đàm này đã đi đến thành công khi cả hai bên đều nhất trí, thời gian tới, phía Hàn Quốc sẽ có những hỗ trợ nhất định cho lĩnh vực Công nghiệp văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo trong âm nhạc và điện ảnh. Đây tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực để xây dựng Chiến lược Công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, lựa chọn Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai quốc gia không chỉ cho thấy chiều sâu trong mối quan hệ giữa hai Bộ, đó còn là sự vận dụng một cách linh hoạt những quan điểm về ngoại giao mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc: "Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại".
Có thể thấy, cùng là nước đi lên từ nông nghiệp, xuất phát điểm xây dựng nền công nghiệp văn hóa tương tự như Việt Nam, tuy nhiên trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã có những bước tiến khá xa về công nghiệp văn hóa, không chỉ mang lại một tiềm lực kinh tế lớn mạnh mà lĩnh vực này còn góp phần quảng bá rất hiệu quả về hình ảnh, đất nước con người "Xứ sở Kim Chi" đến bạn bè quốc tế.
Với những nội dung phối hợp cụ thể từ mà hai Bộ trưởng đã thống nhất tại buổi hội đàm, dựa trên nền tảng văn hóa đa dạng, đặc sắc và đậm đà bản sắc dân tộc, mối tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, trong tương lai không xa, công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ vươn lên một tầm cao mới, sánh vai với với các cường quốc lớn mạnh trên thế giới.
Về lĩnh vực Du lịch, trước khi nói đến việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá tại Hàn Quốc lần này, chúng ta cần nhìn lại "bức tranh" về hợp tác cũng như tiềm năng trong phát triển du lịch giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Cơ sở để hợp tác du lịch giữa Việt Nam - Hàn Quốc được hình thành từ năm 2002 khi hai nước ký Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác du lịch. Bản ghi nhớ Hợp tác du lịch giai đoạn 2010 - 2012 được Bộ trưởng VHTTDL hai nước ký kết và gần đây nhất là Bản ghi nhớ về việc phối hợp tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch tại Việt Nam và Hàn Quốc được ký kết năm 2017, chính vì vậy đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển du lịch của cả hai quốc gia.
Theo thống kê, vào thời điểm năm 2019, Hàn Quốc là thị trường nguồn lớn thứ hai của Việt Nam, với 4,3 triệu lượt. Ở chiều ngược lại, số lượng người Việt Nam đi du lịch Hàn Quốc tăng 2,1 lần trong giai đoạn 2016-2019, từ 251.000 lượt lên 523.000 lượt.
Kể từ năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện làm đứt gãy chuỗi sản xuất kinh tế của thế giới, lĩnh vực Du lịch toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời điểm đó, do chưa có vaccine, thuốc điều trị nên các quốc gia trên thế giới đều đóng cửa, "án binh bất động".
Việt Nam là một trong những quốc gia đang trên đà phát triển mạnh mẽ về du lịch khi Bộ Chính trị xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung phát triển (Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bộ Chính trị - PV).
Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng bởi đại dịch và những biến động về chính trị của thế giới, cũng như nhiều quốc gia khác, trong khoảng gần hai năm, du lịch quốc tế Việt Nam quay trở về "con số 0" và chỉ biết trông chờ vào du lịch nội địa. Với những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, từ cuối năm 2021, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh. Thời điểm này, Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ ban hành được xem là "chiếc chìa khóa" cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch.
Không bỏ lỡ thời cơ để mở cánh cửa du lịch đã khép lại thông qua "chiếc chìa khóa" này, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Chính phủ về phương án mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế vào tháng 5/2022. Tuy nhiên, thời điểm chúng ta mở cửa, những thị trường tiềm năng trước đây của chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga đều chưa phục hồi trở lại.
Trong thời gian các quốc gia vẫn chưa sẵn sàng mở cửa, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL đã nhiều lần họp bàn với các doanh nghiệp du lịch tận dụng thời cơ này để nghiên cứu, tìm ra những sản phẩm du lịch mới phù hợp với nhu cầu du khách quốc tế thời điểm sau đại dịch.
Từ những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, khi Hàn Quốc, thị trường trọng điểm thứ hai về du lịch của Việt Nam chính thức bỏ gần hết các quy định kiểm soát dịch, nhận thấy đây là thời điểm phù hợp, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ được tổ chức Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc với quy mô lớn hơn so với dự kiến ban đầu. Theo đó, bên cạnh với các không gian văn hóa, sự kiện âm nhạc, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo nhằm giới thiệu các sản phẩm mới mà các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã có sự chuẩn bị trong thời gian qua.
Phát biểu trong buổi Gala Diner diễn ra tối 17/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định, Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc đã thành công tốt đẹp khi thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng Hàn Quốc đến tham gia. Quan trọng hơn, Lễ hội lần này còn có ý nghĩa đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Du lịch quốc tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Đối với lĩnh vực Thể thao, không quá khó để có thể thấy được những dấu ấn quan trọng về sự hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc. HLV Park Hang-seo và thành công của bóng đá Việt Nam trong những năm qua là minh chứng hùng hồn nhất.
Thế nhưng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nhắc nhở "Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế", với một tinh thần "nhìn lại để tiến xa hơn", bên cạnh với hợp tác về văn hóa, du lịch, chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lần này còn đạt được những thỏa thuận quan trọng về lĩnh vực thể thao.
Bên cạnh việc đàm phán để Quỹ Chiến lược thể thao quốc tế hỗ trợ tập huấn cho các VĐV trượt băng Việt Nam để tham dự Thế vận hội trẻ mùa Đông lần thứ IV năm 2024 tại Hàn Quốc, trong khuôn khổ chuyến công tác này, bên lề Đại hội đồng ANOC lần thứ 26, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam đã dành thời gian để tiếp kiến Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Quyền Chủ tịch Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia (ANOC).
Không chỉ hiểu hơn về những kết quả đạt được, những khó khăn mà Olympic Việt Nam đang phải đối mặt thông qua các chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại các cuộc gặp này, Chủ tịch IOC và Quyền Chủ tịch ANOC đều bày tỏ sự quan tâm và mong muốn sẽ hỗ trợ cho thể thao Việt Nam bằng các dự án cụ thể theo như đề xuất của Bộ trưởng: Chiến lược dạy bơi chống đuối nước cho trẻ em ngay từ nhỏ; Hỗ trợ tăng thêm số lượng các khóa đào tạo ở một số bộ môn Olympic mà quốc tế quan tâm như bóng đá, bơi lội, bắn súng, cử tạ…
Có thể khẳng định, chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện, tạo dấu ấn, tiền đề vững chắc cho những bước tiến xa hơn ở cả ba lĩnh vực Văn hóa - Thể thao - Du lịch của Việt Nam trong thời gian tới. Dư âm đẹp đẽ của Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ còn đọng lại rất lâu trong lòng người dân nước bạn.
Và có một điều chắc chắn đó là hình ảnh để lại sự gần gũi, nhiều ấn tượng nhất tại Lễ hội lần này chính là khoảnh khắc mà Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hàn Quốc Park Bo Gyoon cùng thư thái tản bộ, thăm quan và trải nghiệm những không gian văn hóa của Việt Nam. Toát lên trong đó còn là những tín hiệu tốt đẹp về mối quan hệ ngoại giao mang tầm chiến lược giữa hai quốc gia, hai Bộ, trên một tinh thần chung là "cùng nhau nhanh hơn, cao hơn, xa hơn"./.