Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Họp báo Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ Nhất năm 2014

17/12/2014 | 11:25

Chiều 16/12 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND  tỉnh Lai Châu tổ chức Họp báo giới thiệu các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ Nhất năm 2014 (Ngày hội) tại tỉnh Lai Châu diễn ra từ ngày 27/12-29/12/2014 .

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong thời kỳ mới - Hội nhập và Phát triển của Đất nước”, Ngày hội có sự tham gia của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An và Thanh Hóa.

 
Toàn cảnh buổi họp báo

Ngày hội là sự kiện văn hóa có quy mô lớn, nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; Chỉ thị số 1971/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Đồng thời, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc Thái trong cả nước, củng cố khối đoàn kết các dân tộc, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái, là dịp để các tỉnh tham gia Ngày hội học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói riêng, 54 dân tộc Việt Nam nói chung, hóp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu và phát triển bền vững đất nước.

Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội, gồm: Lễ dâng hoa Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu”; Lễ Khai mạc, bế mạc Ngày hội; Liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Thái; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; trình diễn múa xòe, múa sạp; tổ chức các hoạt động thể thao (môn Đẩy gậy, Bắn nỏ, Tung còn, Tó má lẹ, Đánh cù); tổ chức tham quan một số tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu (Bản Văn hóa Du lịch: Vàng Pheo, Bản Hon, Nà Luồng, San Thàng 1, Danh thắng Pusamcap…); tổ chức tập huấn cho Hướng dẫn viên và các công tác viên du lịch phục vụ Ngày hội và tại các điểm có đoàn đến tham quan; Trưng bày, Triển lãm, giới thiệu “Câu chuyện gia đình dân tộc Thái”“Di sản văn hóa dân tộc Thái”; triển lãm giới thiệu cấu trúc nhà ở truyền thống, cấu trúc bản, mường truyền thống, hệ thống mương-phai-lái-lin, tài liệu, ấn phẩm, ảnh về dân tộc thái, đồ dùng sinh hoạt, làng nghề truyền thống…

Theo Ban Tổ chức, Ngày hội sẽ được tổ chức trang trọng, quy mô gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của khu vực và của địa phương; đồng thời gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh. Bên cạnh đó, chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái, tổ chức hoạt động mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, giao lưu văn hóa, bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại; góp phần tạo dựng sân chơi văn hóa, thể thao và du lịch bổ ích của cộng đồng dân tộc Thái. Các nội dung hoạt động của Ngày hội phải do các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công là người dân tộc Thái thực hiện.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×