Họp báo giới thiệu Ngày hội “Hương sắc vùng cao tại Hà Nội năm 2016”
17/11/2016 | 16:11(Cinet)- Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Họp báo giới thiệu các hoạt động của Ngày hội “Hương sắc vùng cao tại Hà Nội năm 2016” diễn ra từ 21/11- 23/11/2016, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Thứ trưởng Vương Duy Biên đã dự và chủ trì Họp báo.
Thứ trưởng Vương Duy Biên trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về Ngày hội.
Phát biểu tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết: Ngày hội “Hương sắc vùng cao tại Hà Nội 2016” là hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11; đồng thời, thông qua các hoạt động triển lãm, giao lưu văn hóa nghệ thuật giúp nâng cao nhận thức về di sản văn hóa cho các thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên; ý thức trách nhiệm và vai trò của từng cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc...
Thứ trưởng cũng cho biết: Năm nay, tiêu chí của Ban Tổ chức sẽ đi sâu vào giới thiệu văn hóa đồng bào vùng Tây Bắc. Ngày hội được giới thiệu tại Hà Nội lần này hết sức phong phú ngay từ hiện vật trưng bày triển lãm, đến không gian lễ hội của đồng bào dân tộc Dao Đỏ, Sán Dìu,…
Ngay tại Hà Nội có không gian của đồng bào dân tộc hoạt động đấy là một điều kiện đáng quý dành cho công chúng Thủ đô. Thứ trưởng mong muốn qua phương tiện truyền thông sẽ truyền tải được phần nào nét đẹp truyền thống văn hóa của các tỉnh vùng Tây Bắc nước ta.
Theo Ban Tổ chức, Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 21/11 – 23/11, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Số 02 Hoa Lư, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với nhiều hoạt động như triển lãm, trưng bày, giao lưu ca nhạc dân tộc… Trong đó, triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng cao phía Bắc” sẽ tái hiện một cách khái quát về dân tộc vùng cao phía Bắc với các tổ hợp trưng bày: Khu trung tâm là văn hóa phiên chợ vùng cao với sắp đặt như phiên chợ thu nhỏ (hòa sắc của 20 trang phục dân tộc, cảnh xuống chợ, bán vải, gùi hàng, bán hàng nông sản, ẩm thực thắng cố đặc trưng...). Bên cạnh đó là tổ hợp tái hiện Lễ cấp sắc và lễ cưới của người Dao đỏ; Giới thiệu nghề dệt thủ công của dân tộc Thái với hệ thống khung dệt và các quy trình dệt vải; Xung quanh khu trưng bày tái hiện cảnh quan làng, bản, chân dung người dân tộc, bản trích địa chí, dân số dân tộc vùng cao phía Bắc...
Sở VHTTDL các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cũng tham gia khu trưng bày với chủ đề: “Ấn tượng di sản văn hóa, du lịch các dân tộc vùng cao phía bắc”. Qua đó, sẽ giới thiệu về văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh, các di sản, di tích có giá trị đặc biệt của địa phương mình.
Đặc biệt, tham gia Ngày hội “Hương sắc vùng cao” tại Hà Nội còn có các nghệ nhân, nhân dân của các tỉnh đến trực tiếp từ các bản làng tham gia biểu diễn và giới thiệu những làn điệu dân ca, dân nhạc và dân vũ gắn bó với cuộc sống hằng ngày của mình. Như Sơn La là nghệ nhân và nhân dân đến từ bản Tông, bản Cóng; Lào Cai là người dân tộc Hà Nhì từ xã Y Tý; Lai Châu mang đến sắc màu văn hóa của dân tộc Lự; Tuyên Quang và Thái Nguyên giới thiệu làn điệu hát Then cổ của người Tày. Riêng Thái Nguyên đã có một họ tộc người Tày 4 đời lưu truyền làn điệu Then cổ, họ đã lưu truyền đến được thế hệ nhỏ tuổi nhất hiện nay (chỉ 3, 4 tuổi đã có thể hát Then); Vĩnh Phúc có sự tham dự của người Dao và Cao Lan; người Mông từ bản làng của Hà Giang, Nghệ An... Ngoài ra, tại Ngày hội các nghệ nhân và nhân dân vùng cao còn giới thiệu trò chơi dân gian đặc sắc: Tó má lẹ, tung còn, xòe, sạp...
Quang cảnh buổi Họp báo
Điểm nhấn của Ngày hội là Lễ rước dâu trong đám cưới của người Dao đỏ sẽ được tái hiện sống động với sự tham gia của các nghệ nhân và nhân dân, thầy cúng người Dao đỏ đến từ Tuyên Quang, Lào Cai. Khách thăm quan sẽ được tận mắt thấy và tham gia vào các thủ tục lễ cúng tổ tiên trước khi nhà trai sang nhà gái rước dâu và thủ tục lễ tại nhà gái trước khi rước dâu về nhà trai, sau đó là lễ rước dâu của người Dao đỏ...
Phần giao lưu học sinh, sinh viên tìm hiểu về “Nét đẹp vùng cao” có sự tham dự của 9 trường Đại học: Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Quản lý Giáo dục. Tại đây, sinh viên của 9 trường Đại học sẽ trực tiếp tham gia giao lưu, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục dân tộc cùng các nghệ nhân, nhân dân các tỉnh vùng cao về tham gia Ngày hội. Trả lời các câu hỏi và sự hiểu biết về văn hóa, di sản văn hóa của các tỉnh vùng cao phía Bắc, tham gia vào “Vòng xòe Tây Bắc” sẽ góp phần thể hiện sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam...
Ngoài ra, trong thời gian diễn ra Ngày hội các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu giữa các tỉnh và giới thiệu nhiều sản vật vùng cao đặc sắc cũng được tổ chức thường xuyên.