Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo tham vấn xây dựng báo cáo đánh giá Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

18/12/2014 | 07:00

Sáng 18/12 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng báo cáo đánh giá Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau 6 năm thực hiện (2007-2014).

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bạo lực gia đình.

 
Toàn cảnh Hội thảo
Bạo lực chống lại phụ nữ (VAW) đã và đang được công nhận là vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện cam kết về thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ qua việc phê chuẩn một số điều ước quốc tế về quyền con người cơ bản, gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và Công ước về quyền trẻ em (CRC).

Mặc dù bạo lực trên cơ sở giới (GBV) gồm có bạo lực gia đình đã được đề cập trong một số văn bản luật kể từ năm 1992, bạo lực gia đình vẫn được coi là vấn đề riêng tư và nhảy cảm ở Việt Nam. Luật Bình đẳng Giới được thông qua năm 2006 quy định việc thực hiện bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực cuộc sống và quy định chi tiết trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc bảo đảm những nguyên tắc này. Tiếp theo Luật Bình đẳng Giới là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được thông qua năm 2007 đã quy định rõ ràng việc bảo vệ các thành viên gia đình không bị bạo lực và những biện pháp khác nhau về phòng, chống bạo lực gia đình. Sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được thông qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chiến lược và chương trình hành động với những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình.

Mặc dù đã có cam kết cơ bản về luật pháp và chính sách để đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, đã có những khoảng trống giữa khuôn khổ pháp lý với việc thực hiện luật pháp và chính sách ở tất cả các cấp trên thực tế. Kiến thức và thông tin về bạo lực gia đình trong các bên liên quan còn rất hạn chế. Trước năm 2010, Việt Nam chưa có số liệu quốc gia về bạo lực gia đình và bạo lực chống lại phụ nữ (VAW) để nhận dạng quy mô của vấn đề. Trong giai đoạn 2009-2010, Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của các cơ quan Liên Hợp Quốc ở Viêt Nam đã tiến hành nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Những phân tích và nghiên cứu gần đây cho thấy có những khoảng trống và điểm yếu trong việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các chính sách có liên quan gồm cả việc thiếu nhận thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong một số những người có trách nhiệm thực hiện quyền và những người được hưởng quyền, một số trường hợp xử lý vi phạm còn chưa mạnh mẽ và thường tập trung vào việc nhắc nhở, khuyên nhủ và giáo dục cũng như sự thiếu vắng những dịch vụ sẵn có và dễ tiếp cận cho nạn nhân của bạo lực gia đình.

Tháng 11/2013, Bộ VHTTDL là cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam đã tổ chức một hội thảo tham vấn tại Huế nhằm rà soát tình hình thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008-2014). Hội thảo đã tạo các cơ hội cho những bộ, ngành, các tổ chức xã hội và các tỉnh liên quan báo cáo về công việc họ đã làm trong việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình từ khi Luật có hiệu lực. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng thu thập được những bài học kinh nghiệm, các can thiệp thực tiễn tốt cũng như những khó khăn, trở ngại trong việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian qua.

Để triển khai những khuyến nghị của Hội thảo trên, trong khuôn khổ dự án “Xây dựng ứng phó quốc gia đổi với bạo lực gia đình’’ hợp tác với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với UNFPA thực hiện một nghiên cứu đánh giá việc thực hiẹn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau 6 năm thực hiện. Đánh giá này sẽ rất quan trọng và cần được tiến hành bởi nhóm chuyên gia tư vấn (một chuyên gia quốc tế và một chuyên gia trong nước) với phương pháp nghiên cứu khoa học để cung cấp cho các cơ quan Chính phủ Việt Nam những dữ liệu cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn Chương trình Hành động quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình, tới năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 2 năm 2014; đồng thời góp phần vào những khuyến nghị nhằm bổ sung, điều chỉnh Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong tương lai.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày đề xuất kỹ thuật đánh giá thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, mục đích, mục tiêu phạm vi, phương pháp và lộ trình… Đồng thời thảo luận và đóng góp ý kiến hoàn thiện đề xuất kỹ thuật cho việc xây dựng báo cáo đánh giá Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×