Hội nghị Tổng kết quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa và Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035
25/07/2025 | 15:39Sáng 25/7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng Cáo, Luật Di sản văn hóa và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự và chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo quá trình xây dựng 03 văn bản quan trọng của Bộ VHTTDL trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL dự và phát biểu tại Hội nghị
Cụ thể, về Luật Quảng cáo, thực hiện Nghị quyết số 129, ngày 04/7/2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ đã ký Tờ trình số 350/TTr-CP, trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Sau khi Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội để rà soát, đối chiếu, hoàn thiện các nội dung của Dự án Luật.
Ngày 24/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến chính thức về Dự án Luật. Ngay sau đó, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án.
Đến ngày 20/11/2024, Dự án Luật chính thức được Quốc hội đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, đúng tiến độ. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nội dung sát thực tiễn, Dự án đã nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội khóa XV.
Từ sau khi Dự án Luật được cho ý kiến, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cơ quan thẩm tra Dự án, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên sâu từ các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước, cũng như các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp từ Luật.
Sau quá trình chuẩn bị công phu và nghiêm túc, ngày 16/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026.


Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tặng Bằng khen và chụp ảnh lưu niệm cùng các cá nhân, đơn vị
Về Luật Di sản văn hóa, trong Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với 413/422 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 86.22%), Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa vào chiều ngày 23/11/2024 - Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Luật Di sản văn hóa gồm 09 chương, 95 điều, tăng 02 chương, 22 điều so với Luật hiện hành (07 chương, 73 điều), bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Luật Di sản văn hoá được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cấp bách đang đặt ra từ thực tế sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Toàn cảnh Hội nghị
Về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 15 tại Nghị quyết số 162 ngày 27/11/2025, đến nay việc triển khai đã hoàn thành dự thảo các văn kiện cơ bản nhất của Báo cáo nghiên cứu khả thi gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ VHTTDL đã chủ động nghiên cứu xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình và đã thực hiện tham vấn các cơ quan, viện nghiên cứu, nhà khoa học, đặc biệt là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với tư cách là cơ quan của Quốc hội.
Ngày 14/8/2023, Bộ VHTTDL đã có Tờ trình số 219/TTr-BVHTTDL về việc thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình kèm theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình số 218/BC-BVHTTDL.
Thực hiện các quy trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, ngày 17/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP thông qua Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL thay mặt Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình.
Thực hiện Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 09/7/2024 về Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ VHTTDL đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội và hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.
Ngày 13/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP về thông qua Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL thay mặt Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình.
Ngày 27/11/2024, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội đã phê chuẩn Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình.
Cho tới thời điểm hiện nay, Bộ VHTTDL đã bám sát nội dung của Nghị quyết số 162 xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng Chính phủ (vào ngày 20/5/2025) và đang hoàn thiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí thực hiện Chương trình.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã ghi nhận những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
"Liên tiếp tại 2 kỳ họp của Quốc hội, Bộ VHTTDL đã trình Báo cáo và được Quốc hội thông qua 3 nhiệm vụ quan trọng theo kế hoạch công tác của Bộ VHTTDL. Đây đều là những nhiệm vụ trọng tâm, là công cụ pháp lý quan trọng và cơ sở để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác quản lý nhà nước của ngành VHTTDL cũng như đặt nền móng cho việc đổi mới phương thức quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của ngành VHTTDL" - Thứ trưởng cho biết.
Cả 3 nhiệm vụ này đều có quá trình xây dựng hết sức công phu, nghiêm túc từ phía cơ quan chủ trì, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương, sự đóng góp đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý.
Để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đặc biệt là giữa Bộ VHTTDL và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thời điểm đó tham mưu cho các cấp có thẩm quyền tổ chức Hội thảo toàn quốc mang tính chất đặt nền tảng và có yếu tố quyết định. Đó là hội thảo về "Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa". Tại hội thảo này, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan đã xác định nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, đồng thời xem đây là nhiệm vụ mang tính chất chiến lược - Thứ trưởng cho biết.
Đối với Luật Di sản và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, việc ban hành 02 Luật này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện thể chế pháp luật về quảng cáo và di sản văn hóa. Đây là thành quả chung của sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao và sự tận tâm của tất cả các cơ quan được giao nhiệm vụ, từ cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra, đến các bộ, ngành phối hợp góp ý. Từ đó xây dựng một hành lang pháp lý hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với xu hướng phát triển, hội nhập quốc tế.
"Tới đây Bộ VHTTDL còn nhiều nhiệm vụ cần sự phối hợp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với công tác quản lý của ngành như kế hoạch xây dựng và trình Quốc hội thông qua sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Du lịch, Luật Thể dục thể thao hay hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. Vì vậy, Bộ VHTTDL mong nhận được chỉ đạo cũng như đồng hành, phối hợp tổ chức thực hiện, đặc biệt là công tác giám sát việc thi hành theo quy định của pháp luật để thúc đẩy đưa các quy định vào thực tiễn cuộc sống" - Thứ trưởng bày tỏ.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã tặng Bằng khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác phối hợp xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035./.