Đặt câu hỏi, góp ý

+ Đặt câu hỏi

Danh sách câu hỏi và câu trả lời

Độc giả: Đặng Hoàng Giáp - 1194/61 Láng Thượng Đống Đa Hà Nội
13/04/2018

Cho em hỏi thì cấp thẻ hướng dẫn viên nội địa tại Hà Nội vì sao lại tạm gác và gác lâu vậy ạ. Như vậy thì các hướng dẫn viên 2018 biết làm thế nào để chạy tour tuyến

Trả lời:

Về vấn đề bạn nêu, Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuyển nội dung đến các dơn vị có liên quan và nhận được phúc đáp như sau:

Sở Du lịch thành phố Hà Nội:

Thực hiện Luật Du lịch số 09/2017/QH14 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 19/6/2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018; Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn tồn tại những khó khăn vướng mắc chưa đủ cơ sở để Sở Du lịch triển khai thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó có việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định mới của Luật Du lịch 2017, cụ thể:

1. Đối với cấp, đổi, cấp lại thẻ Hướng dẫn viên du lịch nội địa, hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên tại địa điểm.

1.1. Đối với cấp, đổi, cấp lại thẻ Hướng dẫn viên du lịch nội địa, hướng dẫn viên du lịch quốc tế.

Là thủ tục hành chính đã thực hiện và áp dụng mức thu phí được quy định tại Thông tư số 177/2016/TT-BTC ngày 01/11/2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 áp dụng cho Luật Du lịch số 44/2005/QH11 của Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 14/6/2001 với mức phí là 650.000/1 thẻ hướng dẫn viên. Tuy nhiên, căn cứ vào Thông tư số 06/2017TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Theo đó quy định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch theo mẫu phôi thẻ mới có chi tiết khác với mẫu phôi thẻ đang sử dụng. Hiện nay chưa có quy định về mức thu phí đối với việc cấp, đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, hướng dẫn viên du lịch quốc tế theo Luật Du lịch số 09/2017/QH14.

1.2. Đối với thẻ hướng dẫn viên tại điểm.

Là thủ tục hành chính mới chưa có Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định về mức thu phí, lệ phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Tổng cục Du lịch:

Đến thời điểm hiện nay, các văn bản quy định chi tiết Luật, văn bản triển khai thi hành pháp luật về du lịch đã được ban hành, bao gồm:

- Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, có hiệu lực từ ngày 01/2/2018;

-Thông tư số 06/2017TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

- Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện của người khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018;

- Quyết định số 92/QĐ-TCDL ngày 12/3/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ban hành quy định về cấu trúc và dung lượng đề thi nghiệp vụ điều hành du lịch, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch.

Như vậy các thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch đã được quy định chi tiết và đầy đủ trong Luật Du lịch và các văn bản quy định chi tiết. Theo quy định của Luật Du lịch: phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Đến nay, Tổng cục Du lịch chưa nhận được văn bản của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện phí, lệ phí trong lĩnh vực du lịch.

Trân trọng!

13/04/2018 16:55

Độc giả: Trần Văn bảo - Quảng binh
29/03/2018

Gần đây trên Facebook xảy ra tình trạng nhiều người live stream mê tính dị đoan xem bói làm mất trật tự, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tôi góp ý kiến đề nghị Bộ vhtttt,ngan chan việc làm này để không mê tính dị đoan lan rộng

Trả lời:

Về vấn đề bạn nêu, Cục Văn hóa cơ sở có ý kiến như sau:

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trân trọng cảm ơn ý kiến của bạn đọc đã quan tâm về việc ngăn chặn những hành vi mê tín dị đoan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo và các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương để thực hiện. Về nội dung phát tán thông tin xem bói trên mạng internet, đề nghị quý bạn đọc kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông để được giải đáp.

CTTĐT (29/3/2018 10h:35)

 

 

29/03/2018 10:21

Độc giả: Nguyễn Hoàng Bảo Ngân
31/01/2018

Công ty tôi là công ty 100% vốn Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực lữ hành quốc tế. Hiện công ty tôi muốn mở văn phòng đại diện tại Hà Lan. Hiện công ty tôi đã có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Vậy, công ty tôi có cần thực hiện thủ tục xin giấy phép gì trước khi mở văn phòng tại Hà Lan hay không? Rất mong nhận được câu trả lời của quý bộ. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi, Tổng cục Du lịch trả lời như sau:

   - Doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và ngoài nước (Điều 46, Luật Doanh nghiệp).

   - Việc lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày chính thức mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản đến phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kèm theo thông báo phải có bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc giấy tờ tương đương để bổ sung thông tin về chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Điều 33, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp).

   - Việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài thực hiện theo pháp luật nước đó. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày chính thức chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp thông báo bằng văn bản đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài thực hiện theo mẫu II-23 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT (Điều 6, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp).

31/01/2018 16:05

Độc giả: Đặng Hữu Thắng - Tp. Long Xuyên, An Giang
16/02/2017

Tại Khoản 4, điều 16, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VHTTDL và quảng cáo có quy định xử phạt hành vi sử dụng thiết bị báo động không đúng quy định. Vậy, cho tôi hỏi: hành vi sử dụng thiết bị báo động như thế nào là không đúng quy định. Trường hợp: Kinh doanh Karaoke sử dụng thiết bị báo động như đèn, chuông đặt tại quầy lễ tân để đối phó cơ quan chức năng thì có bị xử phạt không?

Trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi, Cục Văn hóa cơ sở trả lời như sau:

Hoạt động kinh doanh karaoke không được phép sử dụng các thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp cơ sở kinh doanh karaoke sử dụng thiết bị báo động đối phó sẽ áp dụng xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 4, Điều 16 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

16/02/2017 00:00

Độc giả: Nguyễn Minh Tân - Tháp Mười, Đồng Tháp
16/02/2017

Hiện nay, tại địa phương xuất hiện loại hình kinh doanh karaoke di động (sử dụng dàn âm thanh, đĩa hát karoke để phục vụ cho người dân khi có nhu cầu). Xin hỏi: Loại hình kinh doanh này có được đăng ký kinh doanh hay không? có thể quản lý theo văn bản quy phạm pháp luật nào? Khi các cơ sở kinh doanh karaoke di động hoạt động gần cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện thì có thể xử lý theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo được không?

Trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi, Cục Văn hóa cơ sở trả lời như sau:

Đây là hính thức kinh doanh dịch vụ cho thuê. Đề nghị cơ sở kinh doanh đăng ký kinh doanh dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Đối với các cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện thì có thể xử lý theo các văn bản đã được quy định sau:

- Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng chống bạo lực gia đình;

- Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

- Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường.

 

16/02/2017 00:00

Độc giả: Nguyễn Hà Thu - Phòng Văn hóa và Thông tin UBND huyện Mê Linh)
16/02/2017

Tôi tìm rất nhiều nhưng không thấy tài liệu liên quan đến nội dung Đề cương Chiến lược phát triển Gia đình VN giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 vừa được Bộ VHTTDL ban hành theo Quyết định số 2792/QĐ-BVHTTDL ngày 11 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL; văn bản 64/TTr-BVHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) trong giai đoạn 2011-2015. Vậy tôi muốn có được các tài liệu này để bổ trợ tốt hơn cho mảng Gia đình tôi phải làm thế nào?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã quan tâm và phản ánh kịp thời, Ban biên tập Trang tin điện tử khối cơ quan Bộ VHTTDL xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
1. Để lấy được Đề cương Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn 2030 được ban hành theo Quyết định số 2792/QĐ-BVHTTDL ngày 11 tháng 8 năm 2010, đọc giả có thể vào mục Văn bản quản lý nhà nước của trang wesite này (hoặc nhấn vào các đường link)
Để có thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ trực tiếp với:
Vụ Gia đình: 043.9438231 (số máy lẻ: 267)
2. Tờ trình số 64/TTr-BVHTTDL ngày 28 tháng 4 năm 2011 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011-2015 đã được thay thế bởi Tờ trình số 126/TTr-BVHTTDL ngày 04 tháng 8 năm 2011 về việc phê duyệt Chương trình thực hiện Phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Bạn có thể vào đường link văn bản để xem toàn văn.
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ trực tiếp với:
Văn phòng BCĐ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  - Cục Văn hóa cơ sở: 043.9288241 
Trân trọng!

 

16/02/2017 00:00

Độc giả: Lê Thu Hương - Số 3, đường Đội Cấn, Thái Nguyên
16/02/2017

Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình cấp trung ương là gì?; Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực cấp tỉnh là gì?

Trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi, Vụ Gia đình trả lời như sau:

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật số 02/2007/QH12) được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật cũng ghi rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.

1. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp trung ương:

- Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Chỉ đạo, hướng dẫn thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở; việc thành lập, giải thể cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

- Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổng hợp, phân tích về tình hình phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo thực hiện chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.

- Biên tập, cung cấp thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp tỉnh:

- Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Hàng năm, căn cứ vào Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình trong phạm vi địa phương và tổ chức thực hiện kế hoạch đó.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền về phòng chống, bạo lực gia đình.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng can thiệp, hỗ trợ về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ làm hoặc tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong phạm vi quản lý; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân viên y tế của trạm y tế xã, phường, thị trấn về chuyên môn chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình.

- Chỉ đạo việc phổ biến luật pháp, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố, cụm dân cư; nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương; phát triển địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, hộp thư tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình, đường dây nóng báo tin về bạo lực gia đình.

- Tạo điều kiện và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tạo điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc y tế và tư vấn sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện có hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ tư vấn về pháp luật, tâm lý, chăm sóc sức khỏe, bố trí nơi tạm lánh và các điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ, tư vấn/bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức hòa giải ở cơ sở thực hiện có hiệu quả việc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở thực hiện có hiệu quả. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã giúp đỡ, tạo điều kiện cho người đứng đầu cộng đồng dân cư tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan công an cấp xã, khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý. Chỉ đạo và tổ chức việc thu thập thông tin về bạo lực gia đình, thực hiện báo cáo thống kê về bạo lực gia đình theo quy định.

- Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng; đánh giá và định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình ở địa phương gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


 

16/02/2017 00:00

Độc giả: Lý Trung Hậu
16/02/2017

Vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh tập trung theo quyết định của Sở VHTTDL từ ngày 02/01 đến ngày 31/12. Vậy, trong năm đó chế độ dinh dưỡng của vận động viên, huấn luyện viên được chi trả đầy đủ các ngày kể cả ngày chủ nhật, lễ Tết theo quy định có đúng tinh thần Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu và Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 07/11/2011 của Bộ Tài chính và Bộ VHTTDL hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao hay không?

Trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi, Tổng cục Thể dục thể thao trả lời như sau:

Chế độ dinh dưỡng đặc thù dành cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao được thực hiện theo Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5/2008 quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT-BTC-VHTTDL của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 07/11/2011 hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Đối với vận động viên được Sở Văn hóa, Thể thao vầ Du lịch quyết định tập trung, tập huấn vào các đội tuyển tỉnh, ngành; đội tuyển trẻ tỉnh, ngành; đội tuyển năng khiếu các cấp được hưởng chế độ dinh dưỡng trong quá trình được tập trung tập luyện và thi đấu căn cứ vào số ngày vận động viên, huấn luyện viên có mặt thực tế tập trung tập luyện và thi đấu.

 

16/02/2017 00:00

Độc giả: Lê Thị Phương Oanh
16/02/2017

Xin hỏi quy định như thế nào là gia đình thể thao?

Trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi, Tổng cục Thể dục thể thao trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 2, điều 2 Thông tư số 08/2012/TT-BVHTTDL ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định nội dung đánh giá phát triển thể dục, thể thao về tiêu chí được công nhận là gia đình thể thao, cụ thể như sau:

“Gia đình  luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên (sau đây gọi tắt là gia đình thể thao) là gia đình có ít nhất 50% số thành viên trong gia đình là người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên”.

Về tiêu chí người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên: Theo quy định tại khoản 1, điều 2 Thông tư số 08/2012/TT-BVHTTDL ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về quy định nội dung đánh giá phát triển thể dục, thể thao “Người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên là người mỗi tuần ít nhất có 3 lần tập, mỗi lần tập luyện ít nhất 30 phút, với thời gian tối thiểu 9 tháng/01 năm”.

 

16/02/2017 00:00

Độc giả: Đặng Hữu Thắng
16/02/2017

Hiện nay, nhiều khách sạn có phòng lớn với nhiều giường nhưng trong TCVN 4329:2009 Khách sạn-Xếp hạng không có quy định cụ thể mà chỉ có quy định về diện tích buồng ngủ gồm buồng một giường đơn và buồng một giường đôi. Vậy, cho tôi hỏi: các khách sạn có được xây dựng phòng lớn với nhiều giường không? và nếu được thì có quy định cụ thể nào về diện tích buồng/phòng có nhiều giường không? (như trong TCVN 7799:2009 Tiêu chuẩn về nhà nghỉ có quy định cụ thể về phòng ba giường 14m2, tăng 4m2 cho một giường thêm)?

Trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi, Tổng cục Du lịch trả lời như sau:

Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2009 Khách sạn – Xếp hạng, yêu cầu tối thiểu về diện tích buồng ngủ, phòng vệ sinh, kích cỡ giường đối với khách sạn hạng từ 1 sao đến 5 sao (không áp dụng đối với khách sạn nổi) được quy định trong Bảng 1 – Tiêu chí xếp hạng, cụ thể:
 
Hạng 1 sao: Buồng một giường đơn 9m2; buồng một giường đôi hoặc hai giường đơn 12m2; phòng vệ sinh 3m2.

Hạng 2 sao: Buồng một giường đơn 12m2; buồng một giường đôi hoặc hai giường đơn 14m2; phòng vệ sinh 3m2.

Hạng 3 sao: Buồng một giường đơn 14m2; buồng một giường đôi hoặc hai giường đơn 18m2; phòng vệ sinh 4m2.

Hạng 4 sao: Buồng một giường đơn 16m2; buồng một giường đôi hoặc hai giường đơn 20m2; phòng vệ sinh 5m2; buồng đặc biệt 36m2 (không bao gồm phòng vệ sinh và ban công).

Hạng 5 sao: Buồng một giường đơn 18m2; buồng một giường đôi hoặc hai giường đơn 26m2; phòng vệ sinh 6m2; buồng đặc biệt 50m2 (không bao gồm phòng vệ sinh và ban công).

Vì vậy chủ đầu tư các khách sạn có thể xây dựng cơ sở lưu trú du lịch với những buồng có diện tích lớn hơn yêu cầu tối thiểu hoặc có buồng gia đình/căn hộ gồm nhiều phòng ngủ. Trong quá trình phục vụ, tùy thuộc và quy mô, diện tích phòng ngủ và nhu cầu của khách, các khách sạn có thể kê thêm các giường phụ (extra beb), tuy nhiên phải đảm bảo yêu cầu về nội thất, ngoại thất thiết kế, bài trí, trang trí hợp lý, thuận tiện với tất cả các hạng và đẹp, sang trọng với hạng 4-5 sao./.

 

16/02/2017 00:00