Độc giả: Hoàng Dương Long
16/02/2017
Hiện tại, cháu là sinh viên trường Đại học, ngành Du lịch nhưng chẳng may cháu đã bị nhiễm HIV, vậy cháu có còn được cấp thẻ làm hướng dẫn viên du lịch không?
Trả lời:
Về vấn đề bạn hỏi, Tổng cục Du lịch trả lời như sau:
Theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 73 Luật Du lịch số 44/2005/QH11 của Quốc hội, người đủ điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa là “không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện”; theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12, bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) là bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, bạn Hoàng Dương Long có trình bày là bạn đã bị nhiễm HIV, theo quy định của pháp luật hiện hành, bạn Hoàng Dương Long không đủ điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế hoặc nội địa.
16/02/2017 00:00
Độc giả: Trần Việt Anh - Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
16/02/2017
Chúng tôi đang thi công xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 5 trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn xã Đăk Sin, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông và xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Bộ Xây dựng yêu cầu chúng tôi phải có ý kiến của cơ quan chức năng (ngành Văn hóa) về xác nhận không có di tích văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khu vực lòng hồ (ngập nước). Vậy, chúng tôi rất mong được đơn vị chức năng có thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các thủ tục để xác nhận nội dung trên.
Trả lời:
Về vấn đề bạn hỏi, Cục Di sản văn hóa trả lời như sau:
Khoản 1 và 2 Điều 36 Luật di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:
Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hoá, thể thao và du lịch.
Trong trường hợp chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình quy định tại khoản 1 Điều này có đề nghị thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hoá, thể thao và du lịch có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan và những yêu cầu cụ thể về bảo vệ di tích để chủ đầu tư lựa chọn các giải pháp thích hợp bảo đảm cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Khoản 17 và 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009 quy định:
Chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình ở nơi có ảnh hưởng tới di tích có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình đó.
Chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình ở địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ trước khi triển khai dự án và thực hiện việc giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình đó.
Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.
Khi nhận được thông báo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch phải có biện pháp xử lý kịp thời để bảo đảm tiến độ xây dựng. Trường hợp xét thấy cần đình chỉ xây dựng công trình tại địa điểm đó để bảo vệ di tích thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch phải báo cáo lên cơ quan cấp trên có thẩm quyền quyết định.
Căn cứ các quy định nêu trên, để xác nhận khu vực lòng hồ (ngập nước) của công trình thủy điện Đồng Nai 5, đơn vị chủ đầu tư dự án cần phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Nông và tỉnh Lâm Đồng tổ chức khảo sát, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét khu vực lòng hồ thủy điện nhằm bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và di sản văn hóa phi vật thể (nếu có).
16/02/2017 00:00
Độc giả: Hoàng Minh Thảo - Lạng Sơn
16/02/2017
Cho tôi hỏi: cách ghi cụm từ “khối văn hóa”, “thôn văn hóa” trên cổng chào của khối, thôn văn hóa như thế nào là đúng theo quy định?
Trả lời:
Về vấn đề bạn hỏi, Cục Văn hóa cơ sở trả lời như sau:
Thôn (làng, ấp, bản, khối, khu phố, cụm dân cư…) là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (Theo Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ Nội vụ về Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố). Do vậy, cách ghi cụm từ “khối văn hóa”, “thôn văn hóa” trên cổng chào của khối, thôn văn hóa la đúng quy định.
16/02/2017 00:00