Độc giả: Lê Quang Huy - Tân Khánh Phú Bình Thái Nguyên
22/11/2024
Xin quý bộ trả lời giúp tôi câu hỏi như sau. Trong thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL có quy định tiêu chuẩn trình độ đào tạo bồi dưỡng là có bằng đại học trở lên chuyên ngành thông tin -thư viện mà tôi lại tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học thư viện của trường đại học văn hoá Hà Nội vậy ngành học của tôi có tương đương với ngành thông tin -thư viện và đáp ứng được yêu cầu bồi dưỡng của chức danh thư viện viên hạng III như trong thông tư quy định không? Cảm ơn quý bộ.
Trả lời:
Vụ Tổ chức cán bộ trả lời như sau:
Điểm a, điểm b, khoản 2, Điều 6 của Thông tư số 02/2022/TTBVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện đã quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với Thư viện viên Hạng III phải "Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành thông tin - thư viện. Trường hợp tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện".
Căn cứ các quy định nêu trên, đối với cá nhân tốt nghiệp đại học chuyên ngành Khoa học thư viện của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cơ quan quản lý của cá nhân đó sẽ căn cứ nội dung chương trình đào tạo của ngành Khoa học thư viện, bảng điểm chi tiết của cá nhân, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tại thời điểm tuyển dụng để xem xét, xác định bằng tốt nghiệp trên có đáp ứng được các yêu cầu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện đối với Thư viện viên hạng III hay không.
Ngoài ra, cá nhân phải đảm bảo điều kiện có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện theo quy định đối với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm Thư viện viên hạng III.
22/11/2024 09:39
Độc giả: Lê Vương
18/11/2024
Kính gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch! Hiện nay, đơn vị có 01 viên chức đang xếp ngạch Kỹ thuật viên hạng IV (V.05.02.08), đang công tác tại Phòng Quản lý di sản văn hóa, thực hiện các công việc liên quan đến hồ sơ di tích. nay em muốn chuyển viên chức đó sang ngạch Di sản viên hạng IV để dễ thăng hạng lên Di sản viên hạng III. Tuy nhiên theo quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng thì di sản viên hạng III phải tốt nghiệp các ngành di sản văn hóa, trong khi viên chức này tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật công trình xây dựng. Vậy cho em hỏi là có thể chuyển qua ngạch di sản viên để thăng hạng được không ạ? Vì thực tế công việc của viên chức này cũng yêu cầu trình độ về kỹ thuật xây dựng. Em xin cảm ơn ạ!
Trả lời:
Căn cứ Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, các ngành đào tạo đại học phù hợp nhất đối với lĩnh vực di sản văn hóa bao gồm: Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam; Hán Nôm; Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; Văn hóa học; Quản lý văn hóa, Bảo tàng học…
Tuy nhiên, lĩnh vực di sản văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, có tính chất đặc thù, mang tính liên ngành, đa lĩnh vực, từ di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và bảo tàng. Do đặc thù liên ngành, đa lĩnh vực trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tính chất chuyên môn sâu rộng, đòi hỏi tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức đến từ nhiều ngành, chuyên ngành khác nhau như văn hóa, kiến trúc, xây dựng, khảo cổ học, bảo tàng, văn hóa dân tộc, xã hội và nhân văn, luật, hành chính, tin học, nhân học… cho các lĩnh vực bảo tàng, di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu. Do vậy, Thông tư số 16/2021/TT-BVHTTDL ngày 21/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hoá theo hướng mở đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo để cơ quan/đơn vị sử dụng lao động căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thực tiễn hoạt động của đơn vị có thể tuyển dụng được nhân sự phù hợp với yêu cầu, xác định vị trí việc làm tại các đơn vị (cụ thể: tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 16/2021/TT-BVHTTDL ngày 21/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hoá quy định Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng Di sản viên hạng III: "Có bằng đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực di sản văn hóa").
Về trường hợp bạn đọc Lê Vương đặt câu hỏi, đề nghị cơ quan/đơn vị rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của cơ quan/đơn vị và yêu cầu về trình độ đào tạo đối với vị trí việc làm của viên chức (theo Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt) để có cơ sở xác định trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức có/không phù hợp với nhiệm vụ, công việc cụ thể của chức danh nghề nghiệp viên chức muốn chuyển ngạch sang (Di sản viên hạng IV) và chức danh nghề nghiệp hạng trên (Di sản viên hạng III).
18/11/2024 16:34
Độc giả: Nguyễn Ngọc Thanh
31/10/2024
Kính chào Quý Bộ, tôi xin phép được đặt câu hỏi: Nếu tôi bị lừa đảo liên quan đến ngành du lịch. Tôi có thu thập được rất nhiều bằng chứng liên quan, cũng như thông tin về các kẻ phạm tội. Thì tôi nên báo cho ai, ở đâu và như thế nào?
Trả lời:
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trả lời như sau:
Tuỳ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; do đó, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị giải quyết vụ việc cũng khác nhau.
- Đối với vụ việc phải xử phạt vi phạm hành chính: Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, trong đó quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
- Đối với vụ việc phải truy cứu trách nhiệm hình sự: Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội phạm và hình phạt; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Điều 144, 145, 146 quy định về trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết, thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố).
Do vậy, đề nghị bạn đọc xem xét tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, căn cứ các quy định tại Nghị định số 45/2019/NĐ-CP; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định khác có liên quan để trình báo đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong quá trình xử lý vụ việc, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong phạm vi, quyền hạn của mình.
31/10/2024 16:35
Độc giả: Nguyễn Thị Kim Ngân
25/10/2024
Em chào quý anh chị! Hiện tại em đang chuẩn bị giấy tờ làm thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với logo công ty. Tuy nhiên, trong quy định không quy định rõ kích thước bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền in trên giấy A4 là kích cỡ bao nhiêu ạ? Em mong quý anh chị có thể hướng dẫn em hoàn thành thủ tục này ạ. Em cảm ơn quý anh chị.
Trả lời:
Cục Bản quyền tác giả trả lời như sau:
Tại điểm a, khoản 6 Điều 43 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan quy định: "Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phải đáp ứng các yêu cầu sau: Bản sao tác phẩm phải được thể hiện rõ ràng trên khổ giấy A4 thể hiện đúng bố cục, đường nét, màu sắc, hình khối của toàn bộ tác phẩm".
25/10/2024 16:59
Độc giả: Nguyễn hoàng thảo duy
21/10/2024
Kính thưa bộ văn hoá! Nhu cầu giải trí cá nhân là cần thiết,nhưng để nhu cầu giải trí cá nhân ảnh hưởng đến tập thể thì thực sự không tốt! Ai cũng làm việc về rất mệt mỏi,cần nghỉ ngơi vào buổi tối và cuối tuần,nhưng vấn nạn karaoke ngoài trời bất chấp giờ giấc tạo tiếng ồn rất chói tai và đau đầu.cuối tuần trước kia đối với tôi là ngững ngày thư thả nghỉ ngơi và relax,nhưng bây giờ nó là nổi ám ảnh không thể tả,karaoke từ sáng đến tối đêm,không chỉ 1 nhà mà rất nhiều nhà! Hy vọng bộ văn hoá sẽ có quy định về vấn đề này( karaoke cần phải có phòng cách âm,không thì vào dịch vụ,vừa kích cầu kinh tế vừa giảm thiểu tiếng ồn)! Tiệc đám cưới hay đám tang có thể thông cảm,chứ tiệc rượu thì mỗi ngày! Khẩn thiết xin Bộ Văn Hoá có thể giải quyết thoả đáng vấn đề này!! Chân thành cảm ơn!!!
Trả lời:
Cục Văn hóa cơ sở có ý kiến như sau:
Liên quan đến tiếng ồn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân như phản ánh của bạn đọc Nguyễn Hoàng Thảo Duy nêu trên, được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vì vậy, đối với hành vi vi phạm nêu trên, bạn đọc cần phản ánh đến chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn) trên địa bàn có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng liên quan, căn cứ quy định để chấn chỉnh, xử lý theo chức năng, thẩm quyền.
21/10/2024 08:42
Độc giả: Đỗ Thị Thu Hằng - 91 Nguyễn Chí Thanh phường Láng Hạ quận Đống Đa thành phố Hà Nội
10/10/2024
Xin chào quý Bộ, tôi muốn kinh doanh Golf trong nhà 3D, nhưng tôi vẫn chưa biết được văn bản pháp lý nào của Bộ có quy định về việc muốn kinh doanh thì phải xin giấy phép của Bộ. Bộ có thể cho tôi xin văn bản pháp lý nào quy định về vấn đề này được không ạ? Tôi xin cảm ơn quý Bộ
Trả lời:
Cục Thể dục thể thao có ý kiến như sau:
Các vấn đề bạn đọc Đỗ Thị Thu Hằng hỏi về kinh doanh Golf trong nhà 3D được quy định tại Thông tư số 12/2016/TTBVHTTDL ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu môn Golf.
10/10/2024 10:18
Độc giả: Đỗ Thị Mỹ Hạnh - 17 Lạch Tray Ngô Quyền Hải Phòng
07/10/2024
Tại Điều 2 Nghị định 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh ghi rõ: “ …3. Điểm c khoản 1 Điều 14 được sửa đổi như sau: … có ít nhất 1 người được cấp chửng chỉ hành nghề lập quy hoạch… 4. Điểm c khoản 2 Điều 14 được 17 được sửa đổi như sau: … có ít nhất 1 người được cấp chứng chỉ hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích 5. Điểm c khoản 3 Điều 14 được sửa đổi như sau: . có ít nhất 01 người được cấp Chứng chỉ hành nghề thi công tu bổ di tích” 6. Điểm c khoản 4 Điều 14 được sửa đổi như sau: .. có ít nhất 01 người được cấp chửng chỉ hàng nghề giám sát thi công”. Tại Điều 2 Nghị định 31/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH 61/2016/NĐ-CP NGÀY 01/7/2016 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN KINH DOANH GIÁM ĐỊNH CỔ VẬT VÀ HÀNH NGHỀ BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH: khoản 2 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 như sau: “ 1. Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận….hồ sơ gồm: a) Đơn đề nghị… b) Danh sách người được cấp Chứng chỉ hành nghề quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 14 Nghị định này kèm theo bản sao Chứng chỉ hành nghề.” Như vậy, đối với các điểm C ở khoản 1,2,3,4 điều 14 Nghị định 61/2016 đang được điều chỉnh đồng thời bởi 2 Nghị định: Nghị định 142/2018/NĐ-CP và Nghị định 31/2024/NĐ-CP. Vậy khi doanh nghiệp đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tu bổ di tích thì cần phải cung cấp danh sách người được cấp chứng chỉ theo quy định tại Nghị định nào ạ?
Trả lời:
Cục Di sản văn hóa trả lời như sau:
1. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích được quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là Nghị định số 61/2016/NĐ-CP), được sửa đổi tại Điều 2 Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi là Nghị định số 142/2018/NĐ-CP).
2. Điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định số 61/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 2 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP) quy định như sau: "Danh sách người được cấp Chứng chỉ hành nghề quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 14 Nghị định này kèm theo bản sao Chứng chỉ hành nghề", theo đó, Danh sách người được cấp Chứng chỉ hành nghề được viện dẫn đến quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 14 Nghị định số 61/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tương ứng tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 2 Nghị định số 142/2018/NĐ-CP).
Như vậy, Danh sách người được cấp Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích hiện nay chỉ được điều chỉnh tại Nghị định số 61/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP và Nghị định 31/2024/NĐ-CP)
07/10/2024 09:21
Độc giả: Vũ Hoài Trang - Bắc Giang
18/09/2024
Kính thưa Quý Bộ, hiện nay, có tình trạng các câu lạc bộ aerobic tự phát, tự tổ chức tập ở công viên công cộng, mở loa kéo, mang theo cả micro hò hét, bật nhạc rất to vào khung giờ buổi sáng từ 5h đến 6h30 làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, chất lượng giấc ngủ và sức khoẻ tinh thần của người dân sống xung quanh công viên, vậy tôi muốn hỏi, việc tổ chức các câu lạc bộ này theo quy định cần tuân thủ các quy định liên quan nào của pháp luật về tổ chức thể thao nơi công cộng, về mức độ tiếng ồn cho phép, …. Nếu cần phản ánh vấn đề này thì nhân dân có thể phán ánh trực tiếp lên bộ phận nào để có thể xử lý một cách nhanh nhất?? Bộ phận hành chính của phường/ công an hay Sở Văn hoá thể thao và du lịch… Kính mong quý Bộ sớm phản hồi
Trả lời:
Cục Văn hóa cơ sở có ý kiến như sau:
Vấn đề liên quan đến tiếng ồn, an ninh trật tự ở địa bàn dân cư thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, đề nghị bạn đọc gửi nội dung phản ánh trên đến Ủy ban nhân dân phường, thị trấn tại địa phương xem xét và xử lý theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về quy xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình và các quy định pháp luật khác liên quan.
18/09/2024 15:18
Độc giả: Nguyen Thi Phuc - Hà Nội
16/08/2024
Xin chào bộ văn hoá thể thao và du lịch Hiện tại tôi đang muốn thi chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch quốc tế,theo yêu cầu cần chứng chỉ tiếng anh trong hồ sơ.Hiện tại tôi có chứng chỉ tiếng anh B2 Vstep thi tại trường đại học Hà Nội 10/2023.Vậy,tôi có thể sử dụng chứng chỉ này trong hồ sơ được không? Trân trọng cảm ơn!
Trả lời:
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có ý kiến như sau:
VSTEP là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam tương đương với các trình độ: A1, A2, B1, B2, C1, C2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy quyền cho các cơ sở giáo dục cấp.
Theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, B2 VSTEP tương đương trình độ tiếng Anh bậc 4 (trung cấp) theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc của nước ta và tương đương trình độ B2 theo Khung tham chiếu châu Âu.
Điểm d khoản 2 điều 1 Thông tư số 04/2024 ngày 26/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và Thông tư số 13/2019/TTBVHTTDL ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TTBVHTTDL quy định tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế như sau: "Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ còn thời hạn do tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cấp gồm: Chứng chỉ ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tương đương từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương từ bậc B2 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu".
Trường Đại học Hà Nội là cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ủy quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh VSTEP. Như vậy chứng chỉ tiếng Anh B2 VSTEP do Trường Đại học Hà Nội cấp năm 2023 đáp ứng 01 trong những điều kiện để có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế được quy định tại điều 59, Luật Du lịch Việt Nam năm 2017.
16/08/2024 15:18
Độc giả: Nguyễn Trà Phương - Trà Vinh
15/08/2024
Theo Thông tư 02/2023/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa, đối với chức danh Tuyên truyền viên văn hóa - Mã số: V.10.10.35 thì yêu cầu trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa. Vậy tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn có phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa hay không? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Lĩnh vực tuyên truyền viên văn hóa có đặc thù liên ngành nên đội ngũ viên chức giữ chức danh tuyên truyền viên được tuyển dụng từ nhiều ngành, chuyên ngành đào tạo khác nhau, như: quản lý văn hóa, văn hóa học, xã hội học, văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, mỹ thuật, nghệ thuật trình diễn, báo chí, xuất bản, công nghệ thông tin… tùy theo hình thức hoạt động tuyên truyền, yêu cầu nhiệm vụ công tác theo yêu cầu của vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị.
15/08/2024 14:43