Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hỏi đáp về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

10/12/2020 | 20:57

Để hiểu thêm về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Cổng TTĐT Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng tải một số câu hỏi và giải đáp về Dự thảo trên:

1. Vài điểm nổi bật của dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (Dự thảo)

Dự thảo Nghị định ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 chương với 77 điều bao gồm:

- Về lĩnh vực điện ảnh: Dự thảo bổ sung một số hành vi về kê khai không trung thực hoặc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hợp tác, liên doanh, cung cấp dịch vụ sản xuất phim, hành vi phổ biến phim mà không có cảnh báo khi phim đã được phân loại phổ biến, hành vi phổ biến phim Việt Nam, phim cho trẻ em tại rạp không đúng tỉ lệ và thời gian, hành vi hoạt động văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam và văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài không có giấy phép hoặc hoạt động không đúng giấy phép. Dự thảo điều chỉnh tăng mức phạt tiền ở một số hành vi về phổ biến phim và cũng bổ sung hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động chiếu phim hay một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ phim vi phạm trên môi trường mạng, dưới hình thức điện tử và kỹ thuật số. Dự thảo lược bỏ hành vi sản xuất phim phải có giấy phép vì không còn phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

- Về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Dự thảo bổ sung một số hành vi kê khai không trung thực hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, hành vi cho tổ chức cá nhân khác sử dụng giấy phép hoặc sử dụng giấy phép của tổ chức, cá nhân khác. Bổ sung nội dung bị cấm trong một số hành vi, đồng thời tăng mức phạt tiền đối với hành vi về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu cũng như bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả như gỡ bỏ nội dung vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số đối với những hành vi tàng trữ và phổ biến trái phép với bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu bị cấm phổ biến, truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam,... trên cơ sở pháp luật hiện hành.

- Về lĩnh vực tổ chức lễ hội, kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng: quy định các hành vi vi phạm về tổ chức lễ hội, nếp sống văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (xử phạt các hành vi lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng để trục lợi, hành vi về nếp sống văn hóa gây ảnh hưởng đến phong tục tập quán, sức khỏe con người), điều kiện doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Tăng mức tiền xử phạt đến mức tối đa đối với hành vi kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng vi phạm các quy định cấm.

- Về lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Dự thảo bổ sung hành vi mới phù hợp với quy định của Nghị định số 23/2019/NĐ-CP quy định về triển lãm. Dự thảo Nghị định đã xây dựng lại kết cấu riêng cho từng hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm bảo đảm không bị bỏ sót hành vi và quy định mức phạt phù hợp.

- Về lĩnh vực di sản văn hoá, công trình văn hoá, nghệ thuật: Dự thảo điều chỉnh và sắp xếp các hành vi cho phù hợp hơn với kỹ thuật soạn thảo nâng mức phạt cho một số hành vi vi phạm quy định cấm trong lĩnh vực di sản văn hóa (các hành vi vi phạm đối với văn hóa phi vật thể), điều chỉnh biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp hơn với quy định của pháp luật và thực tế. Đồng thời, lược bỏ hành vi không phù hợp với thực tế như hành vi cấp phép cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể, lược bỏ các hành vi quy định về bảo vệ công trình văn hóa, nghệ thuật vì không phải đối tượng của việc bảo vệ di sản văn hóa. Quy định lại biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với hậu quả do hành vi vi phạm gây ra và quy định của pháp luật.

- Về lĩnh vực thư viện: Dự thảo bổ sung những hành vi vi phạm mới trên cơ sở Luật Thư viện, cụ thể hành vi vi phạm những quy định cấm trong lĩnh vực thư viện, thành lập và hoạt động của thư viện, trách nhiệm của thư viện, nghĩa vụ của người làm công tác thư viện.

- Về lĩnh vực văn hóa khác bao gồm thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam; kinh doanh trò chơi điện tử và hoạt động văn hóa đối với người khuyết tật, người cao tuổi. Dự thảo bổ sung hành vi kinh doanh máy trò chơi điện tử không dán tem, nhãn theo quy định, tăng mức phạt đến mức tối đa đối với hành vi sản xuất băng, đĩa trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy, làm phương hại đến chủ quyền quốc gia (những trò chơi này cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự băng hoại đạo đức trong giới trẻ và sự xuống cấp của đạo đức xã hội). Dự thảo lược bỏ quy định về công bố phổ biến tác phẩm ra nước ngoài do không phù hợp với quy định hiện hành việc công bố thực hiện theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, việc phổ biến thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành về điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm và đã được quy định tại những mục khác của Chương này.

- Về lĩnh vực quảng cáo: Dự thảo sửa đổi các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo phù hợp với Luật Quảng cáo. Bổ sung một số hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, quy định không tự tháo dỡ sản phẩm quảng cáo rách, nát mất mỹ quan, quy định về quảng cáo thuốc, quy định về quảng cáo trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, quảng cáo trên thiết bị đầu cuối, quảng cáo trong phim,.. Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, các biện pháp khắc phục hậu quả như loại bỏ các yếu tố sai phạm trên sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, buộc thu hồi sản phẩm in, tạp chí có sản phẩm quảng cáo sai phạm. Dự thảo lược bỏ một số hành vi không có căn cứ pháp lý (như xử phạt người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo được quảng cáo dưới hình thức treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cây xanh nơi công cộng, quảng cáo thực phẩm chức năng dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm, hành vi quảng cáo trên bảng, băng rôn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận khi thông báo nội dung,...) và để bảo đảm tính thống nhất giữa các nghị định xử phạt như hành vi quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, do những hành vi này đã được quy định trong nghị định xử phạt của ngành viễn thông; hành vi không có giấy phép xây dựng khi dựng các biển quảng cáo theo quy định phải xin giấy phép xây dựng do đã quy định tại nghị định xử phạt của ngành xây dựng.

- Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định việc phân định thẩm quyền đến tận từng chức danh trong từng lực lượng có thẩm quyền xử phạt nhằm bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính chính xác và hiệu quả.

2. Vì sao Ban soạn thảo lại có những đề xuất này?

Thứ nhất, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đặt ra yêu cầu cần có sự bổ sung, điều chỉnh các hành vi trong 2 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP và 28/2017/NĐ-CP để có chế tài xử phạt vi phạm hành chính khi các quy định của pháp luật bị vi phạm, như Luật Thư viện, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Dược, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Thú y, Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định quản lý và tổ chức lễ hội, Nghị định số 126/2018/NĐ-CP ngày 20/9/2018 của Chính phủ quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Thứ hai, một số hành vi trong 2 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP và 28/2017/NĐ-CP đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật về nội dung. Cụ thể như: sản xuất phim không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư; số người được phép phục vụ trong phòng karaoke, khoảng cách từ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tới trường học, bệnh viện không còn là điều kiện của cơ sở kinh doanh karaoke theo quy định của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP; hành vi quảng cáo bằng loa phóng thanh vượt quá độ ồn cho phép không phù hợp với thẩm quyền của Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su, ...trên đài phát thanh, đài truyền hình trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày không phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo; việc xử phạt vi phạm về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài đã được quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; điều kiện đối với hoạt động dạy âm nhạc, dạy khiêu vũ đã bị bãi bỏ... Mặt khác, một số quy định của pháp luật về nội dung đã có, nhưng chưa xây dựng hành vi để xử lý vi phạm, cụ thể như: thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh; quy định về tỉ lệ chiếu phim Việt Nam, thời gian chiếu phim cho trẻ em tại rạp, chiếu phim đã được phân loại phim mà không có cảnh báo (có sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá tại rạp, phim dành cho người trên 18 tuổi hoặc phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi,...); vi phạm một số quy định cấm trong sản xuất phim, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn, sử dụng máy trò chơi điện tử mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền dán tem, không tự tháo dỡ bảng quảng cáo, băng rôn rách, nát làm mất mỹ quan đô thị, ...

Thứ ba, qua rà soát và thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cho thấy một số quy định về hành vi vi phạm với mức phạt tiền trong 2 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP và 28/2017/NĐ-CPchưa tương xứng với số lợi nhuận bất hợp pháp mà đối tượng thu được từ việc vi phạm dẫn đến tình trạng đối tượng sẵn sàng vi phạm pháp luật. Cụ thể như: các hành vi trong lĩnh vực điện ảnh, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hành vi vi phạm quy định cấm trong lĩnh vực di sản văn hóa, hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi chỉ có khung phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, hành vi vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, hành vi sản xuất băng, đĩa, trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy. Các hành vi trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng, đặc biệt là quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa có giấy phép, tình trạng vi phạm vẫn phổ biến, nếu chỉ áp dụng phạt tiền chưa đủ sức răn đe, loại hình quảng cáo tinh vi và biến tướng, lạm dụng mạng xã hội và trang thông tin điện tử máy chủ ở nước ngoài nên cần áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, một số hành vi còn chồng chéo giữa các nghị định xử phạt, mặc dù được quy định ở pháp luật về quảng cáo, tuy nhiên, việc quy định tại nghị định xử phạt của ngành văn hóa và quảng cáo là không cần thiết như hành vi không có giấy phép xây dựng khi dựng biển quảng cáo theo quy định phải xin giấy phép xây dựng hay hành vi quảng cáo trên các thiết bị đầu cuối, phương tiện điện tử (đã được quy định trong nghị định xử phạt của ngành viễn thông và ngành xây dựng),...

3. Một số hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn để trục lợi nhưng dường như chế tài xử phạt còn chưa đủ sức để ngăn chặn

Dự thảo lần này đã quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan (trong đó có các hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn để trục lợi) tại điểm đ khoản 7 Điều 17, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi này.

4. Về câu hỏi cho rằng các chế tài xử phạt hiện tại mới chỉ hướng đến đối tượng là các cá nhân, chứ chưa xử lý được tổ chức có hành vi vi phạm, nhất là trong hoạt động lễ hội

Nghị định số 158/2013/NĐ-CP và 28/2017/NĐ-CP đã quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm mà không phụ thuộc vào chủ thể của hành vi vi phạm là tổ chức hay cá nhân, vì vậy bất kì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm được quy định trong 2 Nghị định này đều bị xử phạt theo quy định. Ngoài ra, Nghị định còn quy định những hành vi cụ thể chỉ áp dụng đối với tổ chức mà không áp dụng đối với cá nhân (tại khoản 2 Điều 3 Nghị định). Dự thảo (Điều 17) trên cơ sở quy định của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã xây dựng các hành vi vi phạm nhằm ngăn chặn kịp thời những vi phạm trong hoạt động tổ chức lễ hội.

5. Nghị định được ban hành sẽ có những tác động như thế nào?

Nghị định được ban hành sẽ giải quyết được những tồn tại như đã nêu tại nội dung trả lời câu hỏi thứ hai, đồng thời nhằm góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về văn hóa, quảng cáo nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tiễn./.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×