Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội An hướng tới thành phố sáng tạo: Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, văn nghệ dân gian

18/07/2022 | 16:47

UBND TP Hội An vừa tổ chức tọa đàm "Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống và văn nghệ dân gian ở Hội An hướng tới Thành phố sáng tạo" với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý nhằm trao đổi, đánh giá toàn diện về vai trò của các nghề truyền thống và văn nghệ dân gian trong con đường phát triển của Hội An.

Hội An hướng tới thành phố sáng tạo: Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, văn nghệ dân gian - Ảnh 1.

Các tour du lịch gắn với làng nghề truyền thống Hội An được nhiều du khách nước ngoài yêu thích.

Đây là một trong những sự kiện hưởng ứng các hoạt động trong khuôn khổ "Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, điểm đến du lịch xanh" tại TP Hội An. Đồng thời cũng là hoạt động liên quan đến việc thúc đẩy xây dựng hồ sơ Hội An - Thành phố sáng tạo trong thời gian đến theo Quyết định số 1395 ngày 16.4.2021 của Bộ VHTTDL về Phê duyệt Kế hoạch xây dựng "Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO".

Nghề truyền thống, một bộ phận cấu thành DSVH Hội An

Nhóm chủ đề thứ nhất nghiên cứu về sự hình thành và phát triển, giá trị lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội của các làng nghề ở Hội An, trong đó tập trung chuyên sâu, nhận diện các giá trị các làng nghề được công nhận là Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia. Từ đó đề xuất những quan điểm, giải pháp phát huy bền vững nghề truyền thống trong xu thế hội nhập, gắn với mục tiêu xây dựng Hội An - Thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.

Theo ông Quảng Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, những giá trị đặc sắc về lịch sử văn hóa, kinh tế xã hội của bộ phận di sản nghề truyền thống tại Hội An đã góp phần quan trọng tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của DSVHTG đô thị cổ Hội An.

Hiện tại thành phố có hơn 50 nghề truyền thống vẫn được duy trì và phát triển, trong đó đã có 4 làng nghề và 1 phố nghề, đặc biệt, các nghề khai thác yến Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, nghề trồng rau Trà Quế được UBND tỉnh Quảng Nam ghi vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia…

Trao truyền văn nghệ dân gian

Nhóm chủ đề nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian ở Hội An, vai trò của Hội An là điểm tiếp nhận, giao lưu, tiếp biến văn hoá ở Quảng Nam, hình thành, nuôi dưỡng nhiều loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, như hát Bả trạo, hò khoan, hô hát Bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội… Đồng thời cũng nhận ra những khó khăn, thách thức trong việc truyền dạy, phát huy một số loại hình văn hóa có nguy cơ mai một trong cuộc sống đương đại.

Ông Trần Văn An, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Nam cho rằng, để bộ phận di sản này thực sự trở thành nguồn lực nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, phát triển kinh tế du lịch, phát huy được giá trị truyền thống trong điều kiện mới cần có một chiến lược bảo tồn, phát huy lâu dài, căn cơ hơn.

"Làm được những vấn đề này sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo có sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại", ông An chia sẻ.

Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An đã chú trọng công tác trao truyền bằng cách đưa vào các hoạt động của Trung tâm, chẳng hạn như: Đưa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống vào biểu diễn phục vụ du khách tham quan; mở các lớp dân ca - bài chòi, các lớp nhạc cụ dân tộc cho cơ sở; đề xuất thành lập nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An quy tụ hơn 40 diễn viên, nghệ sĩ có chuyên môn cao, là nguồn nhân lực chủ đạo, nòng cốt để thực hiện công tác trao truyền cho thế hệ trẻ; phối hợp với các ngành để đưa chương trình dạy hát dân ca, bài chòi, hát bội vào các trường học.

Cách làm của Hội An trong năm qua đã góp phần rất lớn trong công tác trao truyền nghệ thuật dân gian truyền thống, hướng tới mục đích làm cho người dân địa phương và công chúng phải "thấm", phải "yêu mến" loại hình nghệ thuật truyền thống này, rồi từ đó, nhà quản lý mới có thể dựa vào nhân dân, dựa vào cộng đồng để bảo tồn, khôi phục và phát triển có hiệu quả

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng nghề và văn nghệ dân gian

Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch để bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống một cách bền vững, điển hình như các tour du lịch "một ngày làm cư dân phố cổ", đưa du khách tham quan các làng nghề truyền thống tại Hội An đang phát huy hiệu quả.

Chia sẻ của TS Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL về bảo vệ và phát huy nghề thủ công truyền thống ở Hội An theo quan điểm tiếp cận của bảo tàng sinh thái cũng là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu. Theo bà Thu Trang, bảo tàng sinh thái áp dụng với các làng nghề thủ công truyền thông tại Hội An có thể xem là một phương pháp tối ưu và hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy DSVH trực tiếp tại điểm di sản tồn tại (biến thành bảo tàng ngoài trời, tại địa phương và trong lòng cộng đồng). Góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn DSVH, tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội trong đời sống đương đại mà không bị biến dạng. "Bên cạnh đó, còn khuyến khích tinh thần tự nguyện chủ động và sáng tạo của các nghệ nhân làng nghề nói riêng và cư dân Hội An nói chung trong việc thực thi quyền văn hóa của chính họ ở các mặt: Quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội", bà Trang chia sẻ.

Bảo tồn và phát triển hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du lịch tại Hội An cũng là một trong những cách làm hiệu quả của Hội An. Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An chia sẻ: Đơn vị đã chú trọng đầu tư cho việc sáng tạo và xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch, trong đó tập trung các sản phẩm có hàm lượng văn hoá - nghệ thuật dân tộc cao; để vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân, vừa góp phần tạo động lực phát triển kinh tế du lịch của địa phương. Đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp tuyên truyền, giữ gìn và phát huy tốt bản sắc nền văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của địa phương. Các chương trình nghệ thuật dân gian truyền thống xây dựng thành các sản phẩm văn hóa du lịch bản địa độc đáo, có sức thu hút khách mãnh liệt.

"Để hướng tới việc xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo trong tương lai, trong giai đoạn tiếp theo, Hội An tiếp tục phát huy các nguồn lực văn hóa, nguồn lực tự nhiên và đặc biệt là nguồn lực con người, tập trung công tác trao truyền văn hóa nghệ thuật dân gian để bảo tồn truyền thống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch tại địa phương", bà Trương Thị Ngọc Cẩm cho biết.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×