Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"

03/05/2019 | 11:50

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn để lại cho các thế hệ mai sau một di sản vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh.

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (nguồn: Tuyên giáo)

Năm 1947, tại ATK Đinh Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", vừa làm tài liệu học tập, vừa động viên, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người thể hiện một cách rất rõ nét trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", để lại cho chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Đọc tác phẩm, chúng ta tìm thấy ở trong đó những lời khuyên bảo nghiêm khắc, chân tình và cả những giải đáp cụ thể, thiết thực giúp chúng ta khắc phục sửa chữa để tiến bộ và nhìn thấy hướng để phát triển. Người viết: "Từ nay, chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ". Mỗi người, từ đồng chí cán bộ cao cấp đến đồng chí cán bộ, đảng viên bình thường, ai cũng cảm thấy như chính Người đang nói chuyện với mình, đang nghiêm khắc với những thiếu sót của mình cả trong hành động lẫn suy nghĩ. Những dòng, những chữ của Người viết ra và để lại như có phép lạ, như từ trong cuộc đời của mỗi người mà ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích và chỉ rõ: "Mỗi cơ quan, bộ đội, đoàn thể phải tổ chức một ủy ban học tập, do cán bộ cao cấp lãnh đạo, do các cấp cử đại biểu tham gia, số ủy viên nhiều hay ít tùy hoàn cảnh mà định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho rằng muốn sửa đổi lối làm việc thì phải thực hiện tốt nhất việc phê bình và sửa chữa. Người ân cần căn dặn: "Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đứng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ". Và Người cũng đã chỉ ra đối tượng cần được quan tâm đầu tiên đó là Đảng, Người yêu cầu "Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng". Hôm nay đọc lại, chúng ta vẫn thấy như Người vừa mới viết ra, cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 70 năm về trước Người đã nghĩ đến và đã thấy sự cần thiết phải đổi mới và phải chỉnh đốn Đảng. Bởi, đây là một việc làm thường xuyên, liên tục của Đảng. Nếu Đảng không tự đổi mới, tự chỉnh đốn thì Đảng sẽ bị tụt hậu và mất dần vai trò vị trí của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng".

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đổi mới là xóa bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu không còn phù hợp với thực tế hiện tại là cần thiết. Chỉnh đốn Đảng là sửa chữa, loại bỏ những thói hư tật xấu như quan liêu, sách nhiễu, phiền hà mà cán bộ Đảng viên đang mắc phải để cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh để được dân tin, dân mến, dân phục, dân yêu. Người nói: "Ngay từ bây giờ các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi ngày, mỗi người phải thiết thực kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công".

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích sâu sắc tác hại nguy hiểm của bệnh hẹp hòi là xa dân, không được dân giúp đỡ và sẽ không làm được việc gì: "Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác... Họ quên rằng: so với nhân dân thì số Đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người Đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy ta cần phải hợp tác với người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được xa rời dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc nhất định thất bại". Người chỉ bảo cho chúng ta phải thực sự quyết tâm, kiên quyết xóa bỏ bệnh hẹp hòi, người có bệnh hẹp hòi sẽ không biết dùng nhân tài, mà việc gì cũng ôm lấy và sẽ không làm hết được. Vì vậy cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "Từ nay, phải chữa cái bệnh hẹp hòi để thực hiện chính sách đại đoàn kết".

Về mấy điều kinh nghiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng cách nêu lên một câu hỏi, tại sao cán bộ, đảng viên ít sáng kiến, ít hăng hái? Và Người đã trả lời luôn đó là: "Vì nhiều lẽ. Mà trước hết vì: cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không tích cực.

Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế.

Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình.

Thành thử cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng và Đảng xa rời nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì cũng không đám nói ra.

Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cách đây 70 năm mà chúng ta vẫn thấy như Người đang tâm sự với chúng ta hôm nay, phân tích, giải thích và như đang trao đổi với chúng ta trong cuộc họp. Người viết: "Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị "trù" là khác... Kinh nghiệm là: cơ quan trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó hoạt bát mà bệnh "thì thầm, thì thào" cũng hết".

Về vấn đề Tư cách và đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt, vì Đảng là một tổ chức để lãnh đạo nhân dân thực hiện hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho nhân dân. Người khẳng định: "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài... Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân".

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, Người nói: '"Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo".

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu lên những khuyết điểm, sai lầm mà cán bộ, đảng viên thường mắc phải đó là bệnh Óc hẹp hòi. Người chỉ rõ: "Ở trong Đảng thì không biết cân nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng".

Đặc biệt, Người phê phán mạnh mẽ bệnh "kéo bè, kéo cánh", cho đó là một bệnh "rất nguy hiểm" và nghiêm khắc chỉ rõ: "Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống.

Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ".

Về vấn đề cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích nhiều về cách dùng cán bộ, Người nói: "Lúc dùng cán bộ, nhiều người phạm vào chứng bệnh sau đây:

1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.

2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực.

3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.

Vì những căn bệnh đó, kết quả những người kia làm bậy mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo.

Về việc cân nhắc cán bộ, Người viết: "Trước khi cân nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ mà còn phải xét cách cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét cách làm việc của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta như thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác như thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không".

Đối với những cán bộ phạm sai lầm, Người cũng chỉ cách sửa chữa cho họ: "Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích, thuyết phục cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thỉ sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy hoàn toàn không xử phạt là không đúng".

Về cách lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng mà phải học hỏi quần chúng. Câu đó nghĩa là gì? Nghĩa là người lãnh đạo không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo phải dùng kinh nghiệm của Đảng viên, của quần chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình".

Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong lãnh đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và xử lý kiên quyết. Người chỉ rõ: "Những người mắc bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy không được việc phải thải đi".

Cuối cùng Người nhắc: "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian. Trước kia làm việc gì cũng phải từ "Trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên", làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng".

Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chỉ Minh có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ, trong thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cần thực hiện nguyên tắc "Nói đi đôi với làm" trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" nói riêng. Song việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ khó nếu chúng ta không quyết tâm, không loại bỏ những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, không nói đi đôi với làm, điều quan trọng là quyết tâm thực hiện, thông qua sự giáo dục, giám sát, kiểm tra của Đảng và nhân dân một cách công minh, nghiêm khắc, thật sự dân chủ... Việc giáo dục tư tưởng, hướng thái độ và hành động làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần chú trọng nhiều hơn đến cán bộ, đảng viên như trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là những người tiên tiến, giác ngộ nhất, phải đi đầu làm gương cho mọi người làm theo và cũng dễ phạm sai lầm, vi phạm đạo đức cách mạng khi không tránh được bệnh cá nhân chủ nghĩa.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", đọc lại chúng ta càng sáng tỏ thêm nhiều điều và những lời dạy của Người vẫn tiếp tục tỏa sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam bước tiếp trên con đường đổi mới. Đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện những lời dạy và bài học của Người trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" càng trở nên có ý nghĩa, đó cũng chính là một nội dung quan trọng của việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay, mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thực hiện.

Theo Đặc san thông tin tư liệu số XXII

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×