Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hoạt động VHTTDL góp phần phục vụ nhân dân cả nước đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, tiết kiệm

09/02/2011 | 16:25

(VP)- Vừa qua, Bộ VHTTDL đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Theo đó, Bộ VHTTDL đã sớm tập trung chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân cả nước đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Về công tác chỉ đạo, điều hành

Bộ VHTTDL đã ban hành Chỉ thị số 286/CT-BVHTTDL ngày 20/12/2010 về việc đón Tết Nguyên đán Tân Mão 2011; Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Ngoài ra Bộ còn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau Tết, trong đó tập trung kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội của các địa phương, lập kế hoạch tăng cường thanh tra viên của Bộ, của Sở trực tại các khu di tích, điểm lễ hội dự báo thu hút đông đảo nhân dân đi lễ hội.

Về hoạt động văn hóa-nghệ thuật

Các đơn vị biểu diễn nghệ thuật Trung ương và địa phương đã xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật Đêm giao thừa và tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết, ưu tiên biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng biên giới, hải đảo, vùng chiến khu căn cứ cách mạng, nông thôn vùng sâu, vùng xa, nhiều chương trình nghệ thuật đón Giao thừa gắn với chào mừng kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi Bác Hồ đã được các địa phương tổ chức và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt, trong dịp Tết, Bộ VHTTDL chỉ đạo tổ chức Lễ hội hoa xuân và đồ uống Tết tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đồng thời xin ý kiến nhân dân về “Quốc phục”, “Quốc hoa”, “Quốc tửu” được dư luận đa phần đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó các hoạt động văn hóa-nghệ thuật hướng tới người nghèo, trẻ em đường phố, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, đồng bào về Việt Nam đón Tết đã được tổ chức tại các địa phương…

Về hoạt động thể dục, thể thao

Chủ động đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, Sở VHTTDL các tỉnh/thành đã sớm chỉ đạo và có kế hoạch tổ chức, phân công cán bộ tăng cường xuống cơ sở, hướng dẫn nghiệp vụ giúp cơ sở tổ chức tốt các hoạt động thể thao. Do đó, hoạt động thể thao đã được tổ chức tốt, chủ yếu là các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian tái hiện các sinh hoạt vui chơi trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều địa phương đã sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức phục dựng lại nhiều trò chơi dân gian mang tính cộng đồng cao, có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Về du lịch

Do được dự báo nhu cầu du lịch của người dân trong nước và lượng bà con Kiều bào về nước dịp Tết Tân Mão 2011 khả năng tăng cao so với Tết Canh Dần nên những ngày trước Tết, các doanh nghiệp du lịch tại các địa phương đã chủ động kế hoạch đón khách và phục vụ khách thăm quan trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Đặc biệt tổ chức các hoạt động đón giao thừa phục vụ các đối tượng khách du lịch quốc tế và nhân dân trong nước. Bộ VHTTDL chỉ đạo các Sở hướng dẫn các cơ sở lưu trú, các điểm tham quan du lịch đảm bảo các điều kiện thuận lợi, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo điều kiện và cơ sở vật chất cho khách du lịch trước, trong và sau dịp Tết.

Để đạt được những kết quả trên, các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động phục vụ nhân dân đón Tết. Thời gian nghỉ Tết được Thủ tướng Chính phủ quyết định hợp lý tạo điều kiện nhân dân hưởng Tết Tân Mão vui tươi, an toàn, tiết kiệm góp phần quan trọng kích cầu du lịch. Đồng thời, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, tập trung phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng gặp thiên tai bão lũ, khó khăn; nội dung phong phú, hấp dẫn, các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được trú trọng năng cao chất lượng.

Hoạt động lễ hội, công tác quản lý nhà nước về lễ hội được các địa phương chú trọng từ công tác chỉ đạo đến tổ chức thực hiện. Cho đến nay, chưa phát hiện có trường hợp vi phạm lớn nào xảy ra.

Ngành du lịch phát huy được tính chủ động, năng động trong tuyên truyền, quảng bá, xây dựng và cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm du lịch mới, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu du khách.

Các điểm bắn pháo hoa được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức bắn đảm bảo thực hiện đúng quy định, đảm bảo an toàn, cháy nổ. Nạn tàng trữ đốt pháo, đèn trời ngày tết cơ bản được đẩy lùi.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại hạn chế như: một số lễ hội nghiêng về phần lễ, chưa chú trọng đến phần hội, gây tình trạng nhàm chán đối với người đi dự hội, là cơ hội để người hành nghề mê tín dị đoan lợi dụng tế lễ tràn lan; một số địa phương, tại các điểm di tích, nơi thực hành tín ngưỡng, việc trông coi quản lý các phương tiện giao thông của du khách còn lộn xộn, tùy tiện nâng giá vé, bắt chẹt khách; ý thức của một bộ phận nhân dân tham gia dự lễ hội tuy đã chuyển biến so với năm trước nhưng chưa thực sự nề nếp, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Công tác tuyên truyền ý nghĩa, nội dung lễ hội gắn kết chặt chẽ giữa lịch sử di tích với việc giáo dục văn hóa cộng đồng một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Nội dung tuyên truyền chưa thực sự hấp dẫn, sinh động, người đi dự hội thì nhiều nhưng hiểu biết về các giá trị văn hóa của lễ hội còn hạn chế. Trong dịp trước, trong Tết, hiện tượng đốt đồ mã, đốt pháo nổ vẫn còn, chủ yếu là tại khu vực đô thị. Tại các lễ hội, đền, chùa… các loại sách có nội dung mê tín dụ đoan, hoạt động bói toán, khấn thuê, lễ mướn; các hình thức cờ bạc trá hình chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để.

Để khắc phục những hạn chế, trước hết cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa các cấp, đặc biệt chính quyền cơ sở trong quản lý và tổ chức lễ hội đi đôi với việc không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo của cộng đồng-chủ thể văn hóa của lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hành lễ hội.

Trong tháng 02/2011, tổ chức các Đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn đi cơ sở, làm việc thực tế với các địa phương. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí kịp thời phản ánh, biểu dương các mặt tích cực, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc trong quản lý tổ chức lễ hội.

HCTC
(Nguồn Báo cáo số 18/BC-BVHTTDL)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×