Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch

25/06/2024 | 11:25

Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng với nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa chưa thật sự hiệu quả, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng còn một số hạn chế, bất cập.

Do đó, việc hoàn thiện thể chế và các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể là rất cần thiết hiện nay, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong quá trình xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới.

Di sản văn hóa là sự biểu hiện lối sống của cộng đồng, do các cộng đồng sáng tạo nên và được truyền từ đời này sang đời khác. Di sản văn hóa bao gồm các thành tố mang tính phi vật thể như phong tục, nghi lễ, lễ hội, tri thức địa phương, niềm tin, hệ giá trị, nghệ thuật,... và các thành tố mang tính vật thể như đình, đền, miếu, nhà ở. Di sản văn hóa thường được nhấn mạnh ở khía cạnh giá trị là tài sản văn hóa, thể hiện bản sắc và sự kế tục.

Trong Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 của UNESCO, khái niệm “di sản văn hóa” được định nghĩa là những hiện vật vật chất được coi là có giá trị kiến trúc và nghệ thuật theo tiêu chí của các “chuyên gia”.

Nhằm tìm giải pháp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa, đồng thời đóng góp việc xây dựng chiến lược hợp nhất văn hóa vào sự phát triển bền vững, từ năm 2010, Bộ VHTTDL phối hợp với UNESCO thực hiện nhiều dự án để tìm các giải pháp nhằm cân bằng giữa bảo vệ di sản văn hóa và hiện đại hóa, trong đó, nhiều bài học kinh nghiệm và phương pháp tiếp cận quốc tế đã được tiếp nhận để cung cấp các giải pháp, tư vấn cụ thể trong công tác xây dựng chính sách nhằm bổ sung và tăng cường quá trình thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa...

So với các hệ thống pháp luật ở lĩnh vực khác hay hệ thống pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể ở nhiều quốc gia thì hệ thống pháp luật của nước ta về di sản văn hóa phi vật thể ra đời muộn hơn.

Lịch sử phát triển của pháp luật Việt Nam về di sản văn hóa có thể chia làm 3 giai đoạn chính: trước năm 1986, từ năm 1986 đến năm 1999, từ năm 2000 đến nay. Ở giai đoạn đầu tiên, năm 1945 là mốc quan trọng đánh dấu cho sự xuất hiện các quy định liên quan đến di sản văn hóa trong hệ thống văn bản pháp luật.

Giai đoạn từ năm 1945- 1986, do các biến động về mặt chính trị tại Việt Nam mà những quy định, pháp luật liên quan không có nhiều thay đổi. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986, Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1986- 1999 đã thể hiện chủ trương và quyết tâm của Đảng trong bảo vệ các di sản và giá trị văn hóa.

Từ năm 2000 đến nay, chủ trương này của Đảng tiếp tục được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật, mốc quan trọng là việc ban hành Luật Di sản văn hóa năm 2001. Hệ thống này gồm Luật Di sản văn hóa (năm 2001), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (năm 2009) và các văn bản dưới luật. 

Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa tại Việt Nam hiện nay phù hợp với các điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia. Việt Nam là một trong số quốc gia sớm phê chuẩn Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Việt Nam cũng là thành viên của Ủy ban liên chính phủ tham gia xây dựng phương hướng hoạt động và các chính sách quốc tế có liên quan đến công ước này.

Hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch - Ảnh 1.

Đờn ca tài tử phục vụ du khách trên tàu du lịch Xà No tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

Về cơ bản, nước ta đã xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể khá đồng bộ, song thực tế vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh, bổ sung để việc thực thi pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiệu quả hơn. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này cần quán triệt các quan điểm và tuân theo nguyên tắc sau:

Thứ nhất, quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.

Thứ hai, bảo đảm tính kế thừa trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Đối với những ưu điểm, thành quả cần giữ vững và tiếp tục phát huy, kế thừa những văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, khoa học đã điều chỉnh được mối quan hệ hiện tại về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể trên nguyên tắc bảo đảm sự phù hợp với Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo hướng đổi mới, tiến bộ, tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ năm, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Trên cơ sở rà soát hệ thống văn bản pháp luật đã có về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, cũng như dựa trên quan điểm và nguyên tắc trong hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, có một số vấn đề còn tồn tại cần chỉnh sửa, bổ sung như sau:

Một là, cần làm rõ hơn tiêu chí xác định các di sản văn hóa phi vật thể.

Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa năm 2009 xác định: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”.

Hai là, bổ sung các quy định về việc rút tên di sản văn hóa phi vật thể ra khỏi Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể để thực thi các trường hợp đối tượng không còn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cơ bản của một di sản văn hóa phi vật thể trong quá trình phát triển.

Ba là, cần sử dụng đúng một số thuật ngữ trong các văn bản pháp luật (tránh nhầm lẫn hoặc sử dụng các từ ngữ mang tính đa nghĩa không phù hợp với tinh thần của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO).

Bốn là, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật, sửa đổi phù hợp để tạo thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Năm là, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến sở hữu di sản văn hóa phi vật thể cho phù hợp với nội dung sở hữu trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Sáu là, làm rõ các quy định về chế độ đãi ngộ với nghệ nhân và các hoạt động tác nghiệp liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể để điều chỉnh quan hệ các bên liên quan tốt hơn nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×