Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hòa Bình: Tập trung phát triển Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

01/02/2023 | 14:00

Xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, và hội nhập quốc tế.

Hòa Bình: Tập trung phát triển Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Resort Serena Kim Bôi, Hòa Bình

Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, TT và DL tỉnh cho biết, Hòa Bình có vị trí thuận lợi tiếp giáp với TP. Hà Nội, là cửa ngõ vùng Tây Bắc. Phong cảnh tươi đẹp, hùng vĩ với nhiều hang động đẹp cùng các khu bảo tồn thiên nhiên rất đa dạng, phong phú về hệ sinh thái và động, thực vật…

Bản sắc văn hóa độc đáo, nơi đây là vùng sinh sống của các dân tộc thiểu số như: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông còn mang đậm những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú và phong tục tập quán truyền thống còn được giữ gìn bảo tồn trong nhiều xóm, bản. Tỉnh Hòa Bình có 41 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 61 di tích cấp tỉnh cùng nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc.

Hòa Bình đã xây dựng được các khu, điểm du lịch đã và đang thu hút được các nhà đầu tư du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã thu hút được 67 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, trong đó có 03 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 36.477,248 tỷ đồng. Qua đó, Hòa Bình sẽ phát triển được các loại hình du lịch, đưa ngành "công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh nhà.

Theo ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, tỉnh chủ trương phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống, có đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng kinh doanh du lịch cho các cơ sở trên địa bàn. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1697/QĐ-UBND ngày 09/8/2019 phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, do vậy tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành các đề án để phát triển ngành kinh tế như: Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; Đề án “Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025” đề ra 11 giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Hướng tới đón 4,9 triệu khách vào năm 2025, doanh thu du lịch đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động; xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình là Khu du lịch Quốc gia vào năm 2025; tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Hòa Bình phấn đấu phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc.

Chú trọng khai thác thị trường vùng thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, thu hút đầu tư đạt trên 20.000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao; cơ sở lưu trú đạt trên 6.000 phòng. Ông Khánh khẳng định.

Ông Đặng Tuấn Hùng, Trưởng phòng Quản lý Du lịch thuộc Sở VHTT&DL chia sẻ, tỉnh Hòa Bình đã tăng cường sự liên kết ngành du lịch với các lĩnh vực khác như hỗ trợ khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, xây dựng sản phẩm OCOP, phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới, hỗ trợ xây dựng khu dân cư kiểu mẫu tạo điều kiện phát triển các điểm du lịch cộng đồng.

Tới nay, toàn tỉnh có 11 làng nghề truyền thống với trên 1.000 nghề, sản phẩm của các làng nghề đã được bán tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Điểm du lịch cộng đồng Đá Bia được nhận giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN và 4 điểm du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP.

Theo thống kê, tỉnh Hòa Bình có 101 di tích được xếp hạng; bên cạnh đó là trên 30 khu, điểm du lịch, Hòa Bình có 448 cơ sở lưu trú được đưa vào khai thác; có 09 Điểm du lịch địa phương, 01 Khu du lịch cấp tỉnh đã công nhận; có 07 Công ty lữ hành nội địa, Chi nhánh văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã công nhận 9 điểm du lịch địa phương và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Đây là tiềm năng lớn để ngành Du lịch từng bước đầu tư khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tỉnh đã xây dựng được 10 bản du lịch cộng đồng dân tộc Mường, dân tộc Mông mới tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu và Tân Lạc đã thu hút được nhiều du khách đến du lịch trải nghiệm. Tăng cường nghiên cứu thị trường du lịch, đặc biệt là thị trường khách quốc tế;..

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng (homestay). Nổi bật trong phát triển du lịch cộng đồng có thể kể đến một số mô hình ở các huyện như: Mai Châu, Kim Bôi, Đà Bắc, Tân Lạc…

Phát triển thêm một số loại hình du lịch hấp dẫn như: chơi golf, bay dù lượn, chèo thuyền Kayak, đạp xe, du lịch kết hợp với trang trại trải nghiệm; Chất lượng sản phẩm du lịch Hòa Bình từng bước được nâng cao.

Dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và mang đặc trưng riêng của tỉnh. Tỉnh đã có nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng được xây dựng và đưa vào phục vụ và được du khách đánh giá cao như: Khách sạn: (Sakura, Grand); Mai Châu: (Avana Retreat, Khoa Thanh),…đã đón được nhiều du khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và khách nội địa từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đến sử dụng các loại hình du lịch.

Hòa Bình: Tập trung phát triển Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 2.

Avana Retreat tọa lạc tại thị trấn Mai Châu

Theo Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VHTT&DL, tỉnh Hòa Bình đổi mới hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực để xây dựng những sản phẩm, loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư được Thủ tướng Chính phủ dự chỉ đạo, cùng sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương, các tỉnh trong khu vực, đại diện đại sứ quán một số nước và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch tại khu vực 02 xã vùng cao Hang Kia, Pà Cò của huyện Mai Châu. Tham dự một số chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tổ chức và tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài; Tổ chức Chương trình quảng bá Văn hóa - Du lịch Hòa Bình tại Hà Nội với sự tham gia của 10 huyện, thành phố trong tỉnh; Chương trình nghệ thuật “Hoà Bình - thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022 để tôn vinh di sản văn hóa và quảng bá du lịch Hòa Bình.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quảng bá du lịch và số hóa của Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh và Trang Web quảng bá du lịch của Khu du lịch hồ Hòa Bình;,…Đẩy mạnh Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc Mở rộng và TP.HCM; Chương trình Liên kết phát triển du lịch với Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc.

Đặc biệt năm 2022, tỉnh đã ban hành các Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có quy mô lớn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao với số vốn đầu tư trên 16 ngàn tỷ đồng, gồm: khu đô thị (KĐT) sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả; KĐT sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung; Quần thể KĐT sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ,... Hiện tại đã mời gọi thu hút được một số nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm như tập đoàn: Sun Group, Apec Group, Infinity Group... đến nghiên cứu, khảo sát, lập dự án du lịch có quy mô lớn, sản phẩm du lịch chất lượng cao tại tỉnh Hòa Bình.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực của tỉnh. Bà Niềm nhấn mạnh./.

Theo Cổng TTĐT Hòa Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×