Hòa Bình: Giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh
07/04/2023 | 09:21Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực văn hóa là chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; đặc biệt là Mo Mường, Chiêng Mường.
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh đã thực hiện tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình nghệ thuật và diễn xướng dân gian (dân ca, thường đang, bộ mẹng, dân nhạc, dân vũ, mo, trượng, mỡi, mùn, then, khắp, nghệ thuật chiêng sắc bùa, múa các dân tộc,...); tư liệu hóa nhóm di sản văn hóa loại hình văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện thơ,...). Tổ chức thực hiện một số dự án truyền dạy nghệ thuật Chiêng Mường, nghệ thuật hát thường đang, bộ mẹng dân tộc Mường, nghệ thuật hát (khắp) dân tộc Thái, dân tộc Tày... Tiến hành tổng kiểm kê toàn bộ các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn. Trong sản phẩm kiểm kê, đã tổ chức quay phim 4 phần diễn xướng Mo của 4 đám tang tại các vùng Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi. Kết quả thu được 1.000 ảnh và gần 100 cuốn băng ghi hình. Các tư liệu đó đã được chuyển thành đĩa DVD và VCD. Biên tập và xuất bản cuốn sách Mo Mường Hòa Bình, đây là công trình đồ sộ dày 1.520 trang, khổ 19 x 27cm, cuốn sách thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Mường, có ý nghĩa thiết thực, chứa đựng các giá trị nhân văn sâu sắc; 300 bộ đĩa CD về các bài Mo phát hành tới cơ sở, đặc biệt, huyện Tân Lạc đã đầu tư kinh phí xuất bản sách và đĩa CD bộ Mo Mường Bi; giúp người đọc, người nghe hiểu rõ các từ ngữ người Mường cổ, các địa danh nêu trong các bài Mo. Tạo điều kiện cho các tác giả, chi hội của Hội Văn học, nghệ thuật thực hiện các công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian, có nhiều công trình đạt giải thưởng của Trung ương, của tỉnh.
Cùng với Mo Mường, từ sự nỗ lực không biết mệt mỏi trong công tác phục hồi Chiêng Mường, tiếng Chiêng Mường đã vang xa, vươn ra với thế giới. Năm 2016, kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh, Hòa Bình đã có màn trình diễn Chiêng Mường kỷ lục với 1.600 nghệ nhân khắp cả nước tham gia. Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã hai lần tổ chức xét tặng Giải thưởng văn học, nghệ thuật. Lần thứ nhất (năm 2016), tổ chức xét tặng Giải thưởng Văn học, nghệ thuật tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2016, đã có tổng số 124 tác phẩm, của 83 tác giả tham gia ở 08 thể loại. Lần thứ hai (năm 2022), tổ chức xét tặng Giải thưởng Văn học, nghệ thuật tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020, đã có 66 tác giả và 14 nhóm tác giả trên địa bàn tỉnh tham gia với 126 tác phẩm thuộc 08 chuyên ngành: Thơ; Văn xuôi; Âm nhạc; Mỹ thuật; Sân khấu; Nhiếp ảnh; Múa; Lý luận, phê bình, dịch thuật và nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian. Việc xét tặng Giải thưởng Văn học, nghệ thuật sẽ được tiến hành 5 năm 1 lần nhằm ghi nhận và tôn vinh những thành quả lao động sáng tạo văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ chuyên và không chuyên tỉnh Hòa Bình.
Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh xây dựng kế hoạch biểu diễn phục vụ Nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa trong và ngoài tỉnh; đổi mới các chương trình, tiết mục phù hợp với thị hiếu của khán giả, đồng thời vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc. Hằng năm, Đoàn xây dựng ít nhất 01 chương trình mới; sửa chữa, dàn dựng nhiều chương trình, nhiều tác phẩm có giá trị; tổ chức từ 80 buổi diễn/năm, trung bình phục vụ 85.000 lượt người xem/năm. Xây dựng các chương trình tham gia hội diễn, liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc do Cục Nghệ thuật và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức… Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc giao lưu học hỏi lẫn nhau với không khí phấn khởi, tin tưởng vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc./.