Hòa Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập
03/09/2020 | 15:07Hòa Bình là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, người Mường chiếm trên 63% dân số. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc. Trong tiến trình hội nhập đang dần trở nên mạnh mẽ, việc bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trở thành nhiệm vụ then chốt, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Những năm gần đây, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn ngày càng phát huy hiệu quả. BCĐ các cấp đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện xây dựng gia đình văn hóa theo đúng tiêu chí. Việc đăng ký, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa được tổ chức kịp thời, đúng quy định, công khai, minh bạch và được cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng. Năm 2019, toàn tỉnh có 81,9% gia đình văn hóa; 69,6% làng, bản, tổ dân phố văn hóa và trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa. Phong trào đã giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ vững an ninh trật tự, đẩy lùi tệ nạn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Tạo môi trường lành mạnh để mỗi người dân có điều kiện để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, là nền tảng để phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi địa phương trong tỉnh.
Thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ những giải pháp để bảo tồn và khai thác giá trị phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực. Ngành giáo dục đã chủ trương lồng ghép nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vào chương trình học tập, ngoại khóa của học sinh, sinh viên. Những nội dung chương trình và cách làm đa dạng, thường xuyên, đã bồi dưỡng các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước. Giúp các em hiểu biết đầy đủ về bản sắc văn hóa dân tộc mình, từ đó tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Với sự phối hợp của các ngành chức năng, năm 2017, di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường Hòa Bình trình tổ chức UNESCO đưa vào danh mục bảo trợ di sản phi vật thể của nhân loại. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để triển khai “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018-2030”, “Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình năm 2019- 2025 và những năm tiếp theo”, tái bản Cuốn sách “Mo Mường Hòa Bình” theo bộ chữ Mường, hoàn thành một phần nội dung của cuốn Từ điển Mo Mường.
Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được công nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 41 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 56 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được quản lý, bảo vệ và khai thác tốt, có 19 công trình đang xét duyệt để xếp vào di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Có 2 di tích văn hóa cấp quốc gia đã được tiến hành trùng tu, tôn tạo. Nhiều Di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn như: các lễ hội truyền thống dân tộc tỉnh Hòa Bình, lễ hội khai mùa Mường Thàng, lễ hội Mường Động, lễ hội Gàu Tào… Thành lập và ra mắt CLB Mo Mường, CLB hái Di sản Thường đang bọ mẹng. Mở các lớp truyền dạy Nghệ thuật Chiêng Mường, nghệ thuật hát Thường đang, bọ mẹng dân tộc Mường, nghệ thuật hát dân tộc Thái. Tỉnh chỉ đạo biên soạn, xuất bản thành công các ấn phẩm giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Nhằm đưa các sản phẩm văn hóa của địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế, tỉnh đã làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh về mảnh đất và con người Hòa Bình. Hàng năm, tỉnh tham gia các hoạt động văn hóa tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, tham gia Liên hoan Múa quốc tế. Tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2019. Nhiều lễ hội truyền thống được các địa phương tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Tạo sức hút đối với khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan du lịch. Qua đó, đã giới thiệu những nét văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tỉnh, gắn hoạt động phát triển văn hóa với hoạt động phát triển kinh tế, tạo sự hài hòa hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa có nhiều biến chuyển, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước, lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế trong quá trình xây dựng, triển khai trong chiến lược bảo tồn phát huy và quảng bá văn hóa. Việc phân cấp quản lý các di tích vật thể, phi vật thể tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện quản lý nhà nước về di tích. Những cơ chế thuận lợi đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát huy giá trị di tích, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.