Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hòa Bình: Để có mùa lễ hội sôi động và an toàn

20/02/2023 | 11:15

Sau 2 năm tạm dừng và giảm quy mô tổ chức các hoạt động lễ hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mùa lễ hội năm 2023 được tổ chức trở lại thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Các lễ hội mang đậm giá trị văn hóa truyền thống được tổ chức quy mô cả phần lễ và phần hội sôi động và an toàn.

Hòa Bình: Để có mùa lễ hội sôi động và an toàn - Ảnh 1.

Nghi thức Dấng Chiêng tại lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023. (ảnh trang 1)

Ấn tượng các lễ hội truyền thống đầu năm

Một trong những lễ hội truyền thống tổ chức vào dịp đầu năm phải kể đến lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức từ ngày 6-8 tháng giêng tại xã Phong Phú (Tân Lạc). Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hay còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của văn minh Việt cổ. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường ở Hòa Bình, mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 2023, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình được tổ chức quy mô cấp tỉnh với các nghi thức, nghi trình được thực hiện trang nghiêm, thành kính; phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian có nội dung phong phú, đa dạng như: màn Dấng chiêng (diễn xướng gọi hồn chiêng) của các nghệ nhân; hòa tấu chiêng Mường với hơn 500 diễn viên và nghệ nhân; nghi thức xuống đồng đi cày đầu xuân; phiên chợ đêm Mường Bi, trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hòa Bình, thi trình diễn trang phục dân tộc Mường và giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, thi hát đúm, nhạc cụ dân tộc, thi đan lát, dệt thổ cẩm, trình diễn một số nghề thủ công, làm đồ gia dụng truyền thống của dân tộc Mường... Qua đó, người dân và du khách hiểu biết hơn về những giá trị văn hóa độc đáo, tình cảm, ý chí, khát vọng vươn lên xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Mường Hòa Bình.

Hòa Bình: Để có mùa lễ hội sôi động và an toàn - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài tìm hiểu các sản vật đặc trưng của Mai Châu tại lễ hội Xên Mường năm 2023.

Được tổ chức vào dịp đầu năm mới, Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) với mục đích cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ đã ban cho người dân trong bản sức khỏe, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc, cầu một năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Đây là lễ hội truyền thống, nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có từ lâu và được phục dựng từ năm 2017 đến nay. Với người dân nơi đây, lễ hội còn là dịp để mọi người được gặp nhau, vui chơi và các chàng trai, cô gái có cơ hội giao lưu, tìm hiểu nhau. Một phần không thể thiếu trong Lễ hội Gầu Tào là việc dựng cây nêu. Trước ngày sắp diễn ra lễ hội, cây nêu đã được dựng lên trước 1 tuần để báo hiệu cho dân bản gần xa biết rằng tết năm nay sẽ mở hội Gầu Tào. Tại lễ hội thầy cúng làm lễ ngay dưới gốc cây nêu để trời đất, thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, năm mới mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu chúc cho mọi người, mọi nhà yên vui, khỏe mạnh, ăn nên làm ra, chăn nuôi sinh sôi, trồng trọt được mùa.

Chị Nguyễn Thảo Minh, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) cho biết: Khi biết lễ hội Gầu Tào được tổ chức, tôi cùng nhóm bạn thân đã lên xã Pà Cò để được khám phá, trải nghiệm lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Trong không gian náo nhiệt của lễ hội, chúng tôi được tìm hiểu nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống và thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông do người dân địa phương biểu diễn. Ngoài ra, chúng tôi còn được tham quan các gian hàng ẩm thực, nông sản, các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, trò chơi dân gian như: giã bánh dày, ném pao, tu lu, cà kheo… Quả thực, với chúng tôi đây là chuyến đi trải nghiệm tuyệt vời.

Là lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp đầu năm, để thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối và cầu an cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường no ấm, gia đình hạnh phúc, đất nước vinh hoa phồn thịnh.

Lễ hội Xên Mường được tổ chức từ ngày 9-10 tháng giêng tại xã Chiềng Châu (Mai Châu). Ông Hà Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu chia sẻ: Lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái được tổ chức hàng năm nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mọi người làm ăn phát đạt, cầu cho mùa màng bội thu. Hàng năm, người dân rất mong chờ đến ngày này để được dâng lễ lên các ngài, cầu lộc cầu tài, cầu cho một năm thuận lợi làm ăn phát đạt. Sau mấy năm ảnh hưởng dịch Covid - 19, lễ hội chỉ tổ chức được phần lễ, năm nay dịch bệnh dần ổn định, lễ hội được tổ chức cả phần hội nên bà con rất mong chờ, háo hức. Ngay từ sáng sớm, người dân địa phương và các xã trong huyện đã tập trung về miếu thờ ông Tướng Sứ tại xã Chiềng Châu để tham gia nghi thức tế lễ và vui hội.

Ông Sylvia, du khách từ đến nước Pháp chia sẻ: Tôi rất may mắn khi đến du lịch Mai Châu vào đúng dịp người dân nơi đây tổ chức lễ hội Xên Mường. Tôi đã được vào trong đền thắp hương, được hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Đặc biệt, chúng tôi còn được chơi ném còn. Tôi thấy mọi người ném quả còn qua vòng tròn trên cao rất khéo léo, thú vị. Tôi đã thử ném nhiều lần nhưng đều không được. Không khí ở đây rất tuyệt vời.

Triển khai đồng bộ công tác quản lý lễ hội

Năm 2023, toàn tỉnh có 86 lễ hội sẽ được tổ chức tại các địa phương, trong đó có 1 lễ hội cấp tỉnh, 3 lễ hội cấp huyện, 30 lễ hội cấp xã, phường, thị trấn; 52 lễ hội cấp thôn, xóm. Các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu năm với quy mô phần lễ và phần hội và có đông đảo người dân đến tham gia. Điển hình như lễ hội chùa Tiên, xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ), lễ hội đình Ngòi, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình), lễ hội Mường Động, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi), lễ hội chùa Hang, xã Yên Trị (Yên Thuỷ), lễ hội Mường Thàng, xã Dũng Phong (Cao Phong)…

Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Sở VH-TT&DL đã ban hành Văn bản số 148/SVHTTDL-QLVH gửi UBND các huyện, thành phố về công tác quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2023. Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Công văn số 5256/BVHTTDL-VP ngày 29/12/2022 của Bộ VH-TT&DL về việc tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch mừng Xuân Quý Mão 2023 và các văn bản khác liên quan; Công văn số 29/VHCS-NSVH ngày 16/1/2023 của Cục Văn hóa cơ sở về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động lễ hội dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch Covid-19. Khuyến cáo, khuyến khích đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người, trong lễ hội xuân để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm dịch Covid- 19 và các dịch bệnh khác.

UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra tại các điểm lễ hội trên địa bàn quản lý. Kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở các Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý các di tích, Thủ nhang các cơ sở thờ tự về công tác đảm bảo an ninh trong khu vực lễ hội, công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan, phòng chống cháy nổ, đảm bảo lễ hội tổ chức đúng quy định, trang nghiêm, không để hiện tượng lợi dụng di tích, nơi thờ tự để trục tiền công đức tùy tiện, hay rải, đốt vàng mã không đúng nơi quy định...

Theo đồng chí Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết thêm, ngay từ những ngày đầu năm, Sở VH-TT&DL đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các điểm diễn ra lễ hội, các điểm thờ tự, bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.

Lễ hội truyền thống là sinh hoạt văn hóa lâu đời, dịp để cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên địa bàn thể hiện mối quan hệ gắn bó, tình đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động, sản xuất, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc.

Kiên quyết không để các hiện tượng xấu xảy ra trong lễ hội

Bùi Văn Nhỏ - Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc

Trên địa bàn huyện Tân Lạc có 6 lễ hội được tổ chức trong năm nay. Các lễ hội chủ yếu diễn ra vào dịp đầu năm mới. Đặc biệt, năm nay địa phương được lựa chọn là địa điểm tổ chức lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình quy mô cấp tỉnh. Vì là quy mô cấp tỉnh nên có sự tham gia của các huyện đại diện cho 4 vùng Mường lớn là Bi, Vang, Thàng, Động. Các hoạt động diễn ra phong phú, hấp dẫn và đặc sắc, đó là nghi thức thờ cúng Quốc Mẫu Hoàng Bà, rước kiệu và có 500 nghệ nhân chiêng, tổ chức nghi thức gọi hồn chiêng, công bố và trao Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của lễ hội cho 4 vùng Mường lớn và tổ chức hoạt động xuống đồng rất ý nghĩa, cũng là nhắc nhở bà con vui xuân nhưng không quên công việc của năm mới.

Do vậy, Ban tổ chức địa phương đã chủ động, tích cực xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để lễ hội diễn ra đảm bảo trang trọng và an toàn. Vì là quy mô cấp tỉnh nên số lượng khách đến rất đông nên công tác đảm bảo ANTT, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và ngăn chặn hành vi mê tín dị đoan, cờ bạc, trộm cắp… được chú trọng. Với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp của các đơn vị và sự chủ động của địa phương, lễ hội đã diễn ra an toàn, thành công và để lại ấn tượng đẹp với người dân, du khách.

Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Nguyễn Thái Hòa - Trưởng phòng VH-TT thành phố Hòa Bình

Để đảm bảo an toàn trong dịp lễ hội xuân Quý Mão 2023, Phòng VH-TT thành phố Hòa Bình đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, xã, phường thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của T.Ư và tỉnh về tổ chức, quản lý lễ hội. Trong đó, tập trung đảm bảo an toàn tuyệt đối về ANTT, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm; kiên quyết ngăn chặn những hành vi tiêu cực xảy ra trong lễ hội như: mê tín dị đoan, trục lợi… đảm bảo cho mùa lễ hội xuân thật sự an toàn và tươi đẹp.

Xuân 2023, thành phố có 9 lễ hội được tổ chức trong tháng giêng, trong đó có một số lễ hội tiêu biểu như: lễ hội đình Ngòi (phường Quỳnh Lâm), đình Cả (xã Yên Mông), Khai hạ (phường Thái Bình), hội xuân văn hóa – thể thao của các xã, phường… Trên tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng VH-TT đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt và vận động gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tại các lễ hội, ngoài phần lễ, phần hội có các trò chơi dân gian đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu năm.

Ấn tượng tốt khi đến với lễ hội

Trần Mai Hương - Quận Đống Đa (Hà Nội)

Năm nào tôi cũng đi lễ hội tại nhiều địa phương vào dịp đầu năm để cầu sức khoẻ, bình an, mọi việc được hanh thông và cũng là để trải nghiệm, khám phá văn hóa đặc trưng của các dân tộc và từng vùng. Tại một số lễ hội và điểm di tích ở tỉnh Hòa Bình, tôi thấy công tác quản lý đã thay đổi tích cực. Môi trường sạch sẽ, giao thông khá thuận lợi, ANTT được đảm bảo. Tại các điểm di tích, lễ hội đều có biển chỉ dẫn, đường dây nóng; thùng rác lưu động được đặt tại các nơi khách dễ nhìn thấy…

Hàng quán, điểm dịch vụ trong các di tích, lễ hội được bố trí phù hợp, không để tràn lan lên vỉa hè gây cản trở đi lại và mất mỹ quan. Một điểm cộng nữa là người dân nơi đây thân thiện, hiếu khách, tạo sự thoải mái, yên tâm cho du khách khi đến lễ hội. Theo tôi, với sự thay đổi tích cực và cách làm như hiện nay tại các điểm di tích, lễ hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ thu hút được du khách đến nhiều hơn.

Theo Báo Hòa Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×