Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hải Phòng khai thác giá trị kinh tế từ ngành công nghiệp văn hóa

27/05/2025 | 17:11

Hải Phòng đang phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa nhằm khai thác giá trị kinh tế của văn hóa, để trở thành một trong những nguồn lực cho sự phát triển đất nước và thành phố.

Hải Phòng khai thác giá trị kinh tế từ ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp văn hóa được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của TP Hải Phòng.

Một trong những trụ cột kinh tế quan trọng

Hải Phòng - thành phố cảng sôi động, không chỉ nổi danh với vị thế trung tâm kinh tế, logistics quan trọng của miền Bắc, mà còn sở hữu một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc.

Nơi đây đang sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa dồi dào với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa. Đáng chú ý, trong đó có Di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà, 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 117 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 435 di tích xếp hạng cấp thành phố. Đồng thời, Hải Phòng cũng có hơn 400 lễ hội các cấp, 10 lễ hội và 1 nghệ thuật trình diễn dân gian được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản cần bảo vệ khẩn cấp…

Đặc biệt Hải Phòng còn có hơn 20 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia - số lượng hiếm địa phương nào có được. Ngoài ra, thành phố có các làng nghề truyền thống như làng gốm Dưỡng Động, làng nghề làm hương Kiền Bái, làng tạc tượng Bảo Hà, làng đúc Mỹ Đồng...

Với bề dày lịch sử, hệ thống di sản đa dạng, những làng nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc, nghệ thuật trình diễn độc đáo, cùng với sự giao thoa của văn hóa biển và văn hóa công nghiệp, Hải Phòng có tiềm năng to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của thành phố.

Hải Phòng khai thác giá trị kinh tế từ ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Hải Phòng hiện có hơn 400 lễ hội các cấp, 10 lễ hội và 1 nghệ thuật trình diễn dân gian được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nhận định về điều này, ông Nguyễn Nam Phương - Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hải Phòng cho biết: “Xây dựng công nghiệp văn hóa phải là biến những tài nguyên đó thành những sản phẩm văn hóa đặc sắc để từ đó mình có thể khai thác được.

Tại Hải Phòng, Lễ hội Hoa phượng đỏ hằng năm, chương trình nghệ thuật tại Nhà Kèn và các sự kiện nghệ thuật đường phố cuối tuần được tổ chức đã tạo nên không gian giải trí công cộng mang tính trải nghiệm, thu hút đông đảo người dân và du khách. Địa phương này cũng đã thực hiện chương trình nhà hát sáng đèn - đưa các chương trình sân khấu, cải lương, ca múa nhạc vào khung giờ truyền hình và phát trực tuyến, giúp tăng độ phủ sóng của nghệ thuật... Những hoạt động này đã thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển, góp phần nâng sức hấp dẫn cho điểm đến, từng bước thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển”.

Còn PGS TS Bùi Hoài Sơn - Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, TP Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực để khai thác tiềm năng này, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, và truyền thông sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công nghiệp văn hóa của Hải Phòng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Công nghiệp văn hóa vẫn chủ yếu được nhìn nhận là hoạt động văn nghệ, sự kiện lễ hội, chưa được xem như một ngành kinh tế thực thụ có thể tạo ra giá trị gia tăng cao. Việc lồng ghép phát triển công nghiệp văn hóa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, đô thị… còn rời rạc, chưa tạo được hệ sinh thái văn hóa sáng tạo tích hợp. Hạ tầng hỗ trợ sáng tạo văn hóa như không gian trưng bày, studio sáng tác, không gian biểu diễn nghệ thuật đương đại, trung tâm thiết kế sáng tạo, chợ phiên thủ công mỹ nghệ… hầu như chưa được đầu tư bài bản...

Tập trung “đánh thức” tiềm năng

Thực tế, TP Hải Phòng đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Từ đó, biến văn hóa thành nguồn lực phát triển, biến di sản thành sản phẩm của du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng trong hiện tại và tương lai.

TP Hải Phòng đã “đánh thức” tiềm năng công nghiệp văn hóa bằng việc tổ chức lại các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng và thương mại hóa sản phẩm văn hóa. Đồng thời, tập trung phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa và thể thao. Nhiều cơ sở văn hóa, thể thao được các địa phương đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được quan tâm triển khai và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển văn hóa.

Hải Phòng khai thác giá trị kinh tế từ ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 3.

Việc mời các nghệ sỹ nổi tiếng tham gia các chương trình, hoạt động lớn của TP Hải Phòng đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển công nghiệp văn hóa tại Hải Phòng, cần xác định văn hóa là một dạng tài nguyên, sau đó cần có công nghệ, quy trình để khai thác tài nguyên đó. Khi khai thác, cần có sản phẩm đặc sắc để từ sản phẩm đó thu được lợi ích về kinh tế, về giáo dục. Đây là một gợi mở tốt để Hải Phòng có những chủ trương, chính sách thu hút sự chung tay phát triển văn hóa của “ba nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư. Đặc biệt, việc hợp nhất Hải Dương và Hải Phòng trong thời gian sắp tới sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Theo PGS TS Bùi Hoài Sơn, định hướng của Trung ương, Hải Phòng sẽ mở rộng quy mô địa giới hành chính thông qua việc dự kiến sáp nhập với tỉnh Hải Dương. Đây không đơn thuần là một sự kiện về tổ chức hành chính, mà còn là bước ngoặt để thành phố tái định hình tầm nhìn phát triển toàn diện, trong đó công nghiệp văn hóa cần được xem là trụ cột bền vững bên cạnh công nghiệp, cảng biển, logistics và đô thị thông minh. Việc tái cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước theo tinh thần “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đòi hỏi không chỉ đổi mới tư duy quản trị hành chính mà còn cả cách tiếp cận về văn hóa như một nguồn lực, một nền tảng và một lợi thế cạnh tranh. Trong bối cảnh ấy, phát triển công nghiệp văn hóa không thể là một lựa chọn bên lề, mà phải trở thành một chiến lược xuyên suốt, dẫn dắt cả chiều sâu bản sắc lẫn chiều rộng hội nhập.

Theo chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035 phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước. Dù mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu và còn không ít trở ngại, thác thức, nhưng Hải Phòng đang cho thấy những bước đi đúng đắn trong việc dần định hình và phát triển công nghiệp văn hóa thông qua làm mới các sản phẩm truyền thống cũng như xây dựng các sản phẩm mới đặc trưng.

Bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, với nguồn vốn văn hóa dồi dào, chủ thể của những điểm đến di sản đã và đang không ngừng xây dựng những sản phẩm văn hóa ấn tượng, giàu bản sắc từ chất liệu riêng có. Điều này không chỉ giúp tôn vinh, quảng bá điểm đến, mà còn góp phần khơi nguồn sáng tạo từ tài nguyên di sản. Và Hải Phòng đang triển khai các mục tiêu cụ thể cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo diendandoanhnghiep.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×