Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hải Dương: Số di tích lịch sử văn hóa tăng mạnh sau hơn 10 năm

29/05/2020 | 16:27

Số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương tăng mạnh sau hơn 10 năm; Triển lãm lần thứ 5 của nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam tại Hà Nội; Khai trương Văn phòng Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tỉnh Hà Nam là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Hải Dương: Số di tích lịch sử văn hóa tăng mạnh sau hơn 10 năm - Ảnh 1.

Văn miếu Mao Điền và Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Báo Văn hóa

Hà Nội: Khai mạc lúc 17h ngày 1/6 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Triển lãm lần thứ 5 của nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam hứa hẹn mang đến cho người xem những cảm nhận về sự sáng tạo không giới hạn của người họa sĩ, mức độ biểu đạt của sơn mài có thể đáp ứng bất kỳ phong cách nào.

18 tác giả với những tác phẩm được thể hiện theo rất nhiều phong cách khác nhau, triển lãm lần này sẽ cho thấy sức sáng tạo của người họa sĩ là không có giới hạn, kể cả với thể loại "gò bó" về kỹ thuật như tranh sơn mài.

Theo đó, các họa sĩ tìm cách khai phá sức biểu đạt của chất liệu sơn ta trong khi vẫn bảo toàn tiêu chí: Bóng, nhẵn, sâu của tranh sơn mài.

Sơn mài vốn được cho là khó đem lại cảm giác mềm mại, phóng khoáng như các chất liệu khác, khó gây ra rung động tức thì và do đặc thù về chất liệu, bảng màu, kỹ thuật làm tranh nên phần nào hạn chế ý đồ nghệ thuật và phong cách của người họa sĩ.

Nhưng nhóm họa sĩ Sơn ta đã cố gắng vượt ra khỏi những khuôn khổ để làm mới mình và đem đến những ấn tượng thị giác mới lạ, hiện đại hơn cho tranh sơn mài.

Trong triển lãm lần này, có một điểm thú vị khác là các họa sĩ đã tận dụng hiệu ứng sâu thăm thẳm của tranh sơn mài để gửi gắm nội tâm cùng nhiều chủ đề tư tưởng, tạo nên một vệt tranh biểu tượng bên cạnh loạt tác phẩm đặc tả thiên nhiên, thiếu nữ…

Lối thể hiện tối giản, bảng màu trầm nặng, nhưng cách họa sĩ khắc họa bóng ghế và giếng nước như những biểu tượng khiến bức tranh vừa toát lên nét hiện đại, vừa dẫn dụ người xem phải dụng tâm khám phá.

Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 8/6/2020.

Hải Dương: Theo danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh năm 2020 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, toàn tỉnh Hải Dương hiện có 3.199 di tích lịch sử văn hóa, tăng 992 di tích so với lần kiểm kê năm 2009.

Trong đó, có 345 di tích đã được xếp hạng gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia và 200 di tích cấp tỉnh.

Trong tổng số di tích lịch sử văn hóa mà tỉnh hiện có, nhiều nhất là chùa với 1.044 ngôi, tiếp đến là đình với 655 ngôi, 547 nhà thờ họ... TP Chí Linh có 426 di tích, nhiều nhất tỉnh.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố, nơi có di tích nằm trong danh mục kiểm kê đã được phê duyệt thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các di tích theo đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa.

Thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng quản lý và bảo tồn song song với phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2008 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại địa phương cùng với việc huy động các nguồn lực xã hội hóa; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích tại cơ sở để bảo đảm công tác tu bổ đúng quy định.

Tuy vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh phí tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích hiện không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Trước thực tế này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đề nghị tỉnh bố trí kinh phí để tu bổ, chống xuống cấp di tích hàng năm để tu bổ cấp thiết cho các di tích; đề xuất tăng kinh phí Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; tham mưu cho tỉnh huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó chú trọng, khai thác hiệu quả nguồn lực từ nguồn xã hội hóa, có sự định hướng của Nhà nước.

Hà Nam: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức khai trương Văn phòng Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tỉnh Hà Nam.

Để thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, của ngành về phát triển du lịch, trong những năm qua, ngành du lịch Hà Nam đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch. Đặc biệt, hoạt động thông tin du lịch được triển khai có hiệu quả trên Cổng Thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Hà Nam và website du lịch Hà Nam để cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách các hoạt động du lịch trực tuyến.

Tuy nhiên, để đảm bảo thông tin đầy đủ, kịp thời về cơ chế, chính sách, sản phẩm, điểm đến du lịch, làm cầu nối cho du khách với doanh nghiệp du lịch và các cơ quan quản lý, Văn phòng Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch được thành lập. Cùng với các doanh nghiệp của tỉnh, Văn phòng Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch sẽ đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch, góp phần phát triển ngành du lịch, từng bước đưa du lịch Hà Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Văn phòng Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tỉnh Hà Nam có một số chức năng, nhiệm vụ chính: Tổng hợp và cung cấp thông tin cho khách du lịch trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua số điện thoại, email, hộp thư và các yêu cầu trợ giúp cần thiết khác của khách du lịch; cung cấp cho du khách các thông tin về địa điểm du lịch và sự kiện du lịch của tỉnh; ghi nhận phản ánh của khách du lịch về tình hình phục vụ du khách, chất lượng dịch vụ, giá cả và thông tin kịp thời để các đơn vị có liên quan có biện pháp xử lý.

Ngoài ra, phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cung cấp các chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch và các dịch vụ tiện ích khác; phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về xây dựng chất lượng dịch vụ phục vụ du khách nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Hà Nam.

Văn phòng Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tỉnh Hà Nam có địa chỉ: Đường Trần Văn Chuông, Phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Lan Phạm (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×