Hạ tầng kỹ thuật: Cơ sở cho du lịch phát triển
25/11/2020 | 11:02Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật được ví như việc “mở đường” để đón làn sóng đầu tư vào du lịch. Đồng thời, góp phần kết nối các khu, điểm, tour, tuyến du lịch nội và ngoại tỉnh một cách hiệu quả.
Xác định tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với sự phát triển ngành du lịch, Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 đã nêu rõ, trước hết cần đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông và hệ thống bảng chỉ dẫn đến các khu, điểm du lịch; hệ thống xử lý nước thải, rác thải, nhà vệ sinh, cấp điện, cấp nước... Đặc biệt ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển các sản phẩm du lịch mới, gồm du lịch cộng đồng, du lịch đường thủy, du lịch làng nghề. Từ sự định hướng đó, qua gần 5 năm triển khai Chương trình phát triển du lịch, có 10/12 nhiệm vụ đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch, với 30 dự án thành phần, đã và đang được triển khai. Tổng kinh phí được giao thực hiện là 1.238,676 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 217,841 tỷ đồng). Riêng năm 2020, có 13 dự án hạ tầng được cấp vốn đầu tư, với tổng vốn hơn 210 tỷ đồng (vốn Trung ương là 31 tỷ đồng).
Nguồn vốn được tập trung ưu tiên đầu tư cho các tuyến giao thông trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch tiềm năng. Điển hình là các dự án đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa; cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương và cải tạo bãi biển Sầm Sơn; tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân; tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; đại lộ Nam Sông Mã; đường Quốc lộ 1A nối đến các Khu du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh... Đặc biệt, việc đầu tư, đưa vào khai thác Cảng Hàng không Thọ Xuân những năm qua đã kết nối Thanh Hóa với 6 địa phương trọng điểm về du lịch, gồm TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Bình Định, Kiên Giang. Đây là những địa phương thuộc 4 khu vực động lực phát triển của du lịch Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận, hưởng thụ các giá trị tài nguyên, kết nối các điểm đến và thu hút du khách trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư một số dự án quy mô nhỏ nhưng có tác động trực tiếp đến việc hình thành và khai thác phát triển du lịch như đường vào thác Ma Hao – bản Năng Cát (huyện Lang Chánh); đường kết nối các khu, điểm du lịch trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; dự án nạo vét, xây dựng bến thuyền, cầu tàu tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn... Ngoài ra, một số dự án hạ tầng quy mô nhỏ, được đầu tư từ nguồn Chương trình phát triển du lịch, đang được các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Trong đó có các dự án đầu tư hạ tầng tại xã Tân Bình và xã Thanh Quân (huyện Như Xuân); bản Hang, bản Bút và hang Co Phường (huyện Quan Hóa); bản Mạ và đền Cầm Bá Thước (huyện Thường Xuân); xã Sơn Điện (huyện Quan Sơn)...
Việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật, là điều kiện để thu hút và triển khai các dự án kinh doanh du lịch. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, riêng giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã thu hút được 28 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 77.614 tỷ đồng và tổng diện tích sử dụng đất là khoảng 2.962 ha. Qua đó, nâng tổng số dự án kinh doanh du lịch đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh lên 80 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 85.300 tỷ đồng. Một số dự án có hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu cao của khách du lịch trong nước và quốc tế. Điển hình như Sầm Sơn golf links và Khu đô thị sinh thái FLC; Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch biển Hải Tiến; Khu tổ hợp dịch vụ khách sạn thương mại Vincom; khu đô thị sinh thái ven biển Quảng Nham và Quảng Thạch của Tập đoàn ORG...
Từ cơ sở đó mà hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của tỉnh phát triển với tốc độ khá nhanh. Năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 700 cơ sở lưu trú du lịch với 23.000 phòng. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 925 cơ sở lưu trú/41.300 phòng; trong đó có 206 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao, với 14.050 phòng và 87 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nhà dân (homestay), với sức chứa trên 4.500 người (tăng gấp 1,3 lần về số lượng cơ sở lưu trú và gấp 1,79 lần về số phòng lưu trú so với năm 2016). Trong đó có một số cơ sở lưu trú quy mô lớn, đẳng cấp và có năng lực cung cấp các dịch vụ chất lượng cao như Khách sạn Mường Thanh (4 sao), Khách sạn Thiên Ý (4 sao), Khu resort Vạn Chài (4 sao), dự án quần thể sân golf và khu nghỉ dưỡng FLC (5 sao), Khách sạn Central (5 sao), Khách sạn Vipearl (5 sao)... Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 4 trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch, bao gồm Trung tâm thương mại Vincom Plaza; Trung tâm thương mại Vincom Tĩnh Gia; Siêu thị Co.op Mart và Siêu thị BigC...
Có thể khẳng định, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, 10/12 nhiệm vụ, với tổng kinh phí được giao 1.238,676 tỷ đồng, thực chất mới đạt 19,19% kế hoạch đề ra. Thực trạng thiếu và yếu của hệ thống hạ tầng cơ bản đang khiến nhiều điểm du lịch giàu tiềm năng chưa thể hấp dẫn các nhà đầu tư và thu hút khách du lịch. Cùng với đó là việc đầu tư cũng chưa cân đối giữa các khu vực, vùng miền... Chính vì vậy, muốn đạt được các mục tiêu phát triển du lịch, nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành một động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, thiết nghĩ, du lịch Thanh Hóa còn rất nhiều việc phải làm.
Riêng đối với nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch, giải pháp khả thi nhất vẫn là ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng, có tính chiến lược. Qua đó, nâng cao khả năng kết nối đến các khu du lịch trọng điểm và hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm du lịch. Đồng thời, chú trọng phát triển giao thông hàng không, hệ thống cảng biển và đường sông phục vụ phát triển du lịch. Rõ ràng là, du lịch sẽ rất khó hoàn thành các mục tiêu đề ra, nếu chỉ trông chờ vào vốn ngân sách. Để gỡ nút thắt vốn, cần có các giải pháp, cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Đặc biệt là chính sách khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án du lịch quy mô lớn và các trung tâm giải trí chất lượng cao tại các khu du lịch trọng điểm.