Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội: Hướng dẫn tạm thời một số nội dung về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích

18/07/2025 | 09:05

Sở VHTT Hà Nội vừa ban hành Công văn hướng dẫn tạm thời một số nội dung về việc Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố.

Trong khi chờ UBND thành phố ban hành Quy chế mới về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa thành phố do Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu; Sở VHTT Hà Nội hướng dẫn tạm thời một số nội dung như:

Đối với công tác quản lý di tích: UBND thành phố thực hiện việc quản lý nhà nước đối với toàn bộ di tích trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố; quản lý các di tích tiêu biểu, gồm: Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di tích tưởng niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc - Hà Đông; Di tích Nhà tù Hỏa Lò; Di tích 48 Hàng Ngang… và các di tích khác do UBND thành phố quyết định. Sở VHTT chịu trách nhiệm tham mưu UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn thành phố.

UBND cấp xã/phường (sau đây gọi chung là cấp xã) thực hiện quản lý di tích trên địa bàn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và nhiệm vụ được giao, phù hợp quy định pháp luật hiện hành cho đến khi UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo quy định hiện hành. Đối với khu di tích quốc gia đặc biệt đền Cổ Loa: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp UBND xã Đông Anh rà soát, tổng hợp, xây dựng quy chế chung, phân định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa.

Hà Nội: Hướng dẫn tạm thời một số nội dung về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Đối với công tác xếp hạng di tích: Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích (Ban Quản lý/Ban Bảo vệ di tích, UBND cấp xã) căn cứ quy định về việc xếp hạng tại Luật Di sản văn hóa ngày 23/11/2024 có Đơn đề nghị gửi Giám đốc Sở VHTT để xem xét xếp hạng di tích theo thẩm quyền. Giám đốc Sở VHTT chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xếp hạng/đề nghị xếp hạng di tích.

UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Sở VHTT xác định phạm vi các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.

Trong đó, việc xác định khu vực bảo vệ I của di tích thực hiện theo nguyên tắc sau: Di tích là công trình xây dựng, địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử, thân thế, sự nghiệp của danh nhân thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm các khu vực có công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu diễn biến tiêu biểu của sự kiện lịch sử, những công trình lưu niệm gắn với danh nhân liên quan đến di tích đó; Di tích là địa điểm khảo cổ thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm khu vực đã phát hiện các di tích, di vật, địa hình, cảnh quan có liên quan trực tiếp tới môi trường sinh sống của chủ thể đã tạo nên địa điểm khảo cổ đó;…

Cùng với đó, khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường, sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Việc xác định di tích không có khu vực bảo vệ II được áp dụng trong trường hợp di tích đó nằm trong khu vực dân cư hoặc liền kề các công trình xây dựng mà không thể di dời.

Đối với công tác tu bổ di tích: Khi di tích bị xuống cấp và việc xác định di tích bị xuống cấp phải được cơ quan chuyên môn về văn hóa xác nhận. Bộ VHTTDL xác nhận đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; Sở VHTT xác nhận đối với di tích cấp thành phố, di tích trong Danh mục kiểm kê di tích để đảm bảo tính xác thực về quy mô, sự cần thiết phải đầu tư theo chuyên ngành quản lý.

Lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tu bổ di tích theo quy định của Luật Đầu tư, Luật tư công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp, bao gồm các nội dung: Tên dự án, địa điểm; giá trị di tích, tính cấp thiết, sự cần thiết phải đầu tư; mục tiêu đầu tư; quy mô, hạng mục dự kiến đầu tư; dự kiến tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư; dự kiến tiến độ triển khai, thời gian thực hiện dự án (trong trường hợp dự kiến sử dụng nguồn xã hội hóa phải đảm bảo tính khả thi của việc huy động).

Theo Sở VHTT Hà Nội, các nội dung khác ngoài nội dung hướng dẫn này, sẽ tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND thành phố về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội; số 31/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND thành phố Hà Nội.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×