Hà Nội hồi sinh những di sản văn hóa phi vật thể
04/07/2025 | 09:18Hà Nội có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, nhưng từng có thời gian, nhiều di sản bị chìm vào quên lãng. Những câu ca của điệu hát trống quân, chèo tàu, múa hát Ải Lao… rơi rụng với tháng năm. Tuy nhiên, những di sản từng đứng trước nguy cơ thất truyền ấy, hiện đang hồi sinh mạnh mẽ.

Đoàn rước trong Lễ hội hát chèo tàu Tổng Gối.
Hè về, bên cạnh những trò chơi tuổi thơ, nhiều em nhỏ thôn Đan Nhiễm (trước thuộc xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, nay là xã Thường Tín, thành phố Hà Nội) có một niềm đam mê đặc biệt ít ai ngờ tới. Đó là học và thực hành những điệu hát trống quân.
Hành trình hồi sinh
Lớp dạy hát do Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà tổ chức thu hút gần 20 em cả nam lẫn nữ. Hằng tuần, các bạn nhỏ tập trung tại gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Điệp để được truyền dạy. Nghe tiếng bọn trẻ hát ríu ran, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Vẫy không khỏi bồi hồi… bởi cuộc đời gần 90 năm của cụ, tưởng chừng có lúc không bao giờ thấy lại cảnh này nữa. Hát trống quân là điệu hát truyền thống ở quê hương Đan Nhiễm nói riêng, Khánh Hà nói chung.
Các cụ kể rằng xưa kia, nhất là vào những đêm trăng, trai gái tụ tập hát vang cả khúc sông Nhuệ. Hồi cụ Vẫy còn trẻ, hát trống quân vẫn đang phổ biến. Tưởng chừng, những câu ca ấy chỉ tạm lắng khi đất nước bước vào hai cuộc kháng chiến. Nào ngờ, khi hòa bình lập lại, khi nhiều di sản được hồi sinh, thì những câu ca vẫn mờ dần trong tâm trí người dân Khánh Hà.
Mãi đến năm 2008, Câu lạc bộ (CLB) Hát trống quân Khánh Hà mới được thành lập. Thuở ban đầu hoạt động còn bập bõm… Nhưng rồi từng bước, hát trống quân được chính quyền địa phương, ngành văn hóa quan tâm.
Câu lạc bộ được hỗ trợ về thiết bị, kinh phí hoạt động. Những vốn liếng của nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy được khai thác, phát huy. Cụ không chỉ truyền dạy mà còn được mời đến những sân khấu lớn để giới thiệu, để biểu diễn. Từng có thời gian nhiều người dân ở Khánh Hà không muốn cho con đi học nhưng nay thì khác. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Vẫy cho biết: “Dạo này tôi yếu, giọng hát xuống nhiều nên ít đi dạy bọn trẻ. Nhưng nghe chúng hát tôi vui lắm. Bọn trẻ chính là tương lai của hát trống quân. Giờ Câu lạc bộ hoạt động như vậy tôi cũng yên tâm về với tổ tiên”.
Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, thuộc nhiều loại hình: Nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, lễ hội, tri thức dân gian… Trong đó, nghệ thuật trình diễn và tri thức dân gian là hai nhóm di sản dễ bị thất truyền nhất, vì những loại hình này dễ bị tác động bởi bối cảnh, quan niệm xã hội. Những di sản như: Hát chèo tàu ở Tân Hội, hát dô ở Liệp Tuyết, hát trống quân Khánh Hà, múa hát Ải Lao, tiếng lóng Đa Chất… đều từng có thời gian đứng trước nguy cơ biến mất do không có người thực hành. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội đã hầu như loại bỏ được hoàn toàn danh sách di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền.
Cũng giống như cụ Nguyễn Thị Vẫy, mỗi lúc lên lớp truyền dạy hát chèo tàu - di sản được cho là có từ thế kỷ 15 - cho đám trẻ, Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu (thôn Thúy Hội, xã Ô Diên, thành phố Hà Nội) lại đan xen những cảm xúc khó tả. Bà nhớ lại những tháng ngày đi “nhặt” những câu ca của chèo tàu Tổng Gối (tên cũ của xã Tân Hội, nay thuộc xã Ô Diên), đi “tìm” người để dạy hát. Có những lúc thấy đơn độc, nghĩ làm sao mình có thể khôi phục lại chèo tàu. Cái khó của chèo tàu là xưa kia cứ 25 năm mới tổ chức một lần hát hội lớn, diễn ra bảy ngày liên tục, với nhiều chặng hát, nhiều điệu hát phức tạp. Thời gian tổ chức ngắt quãng nên cả cuộc đời người ta chỉ chứng kiến vài lần. Tìm lại trong ký ức các bậc cao niên là rất khó.
Nhưng may thay, cũng giống như gia đình bà Thu, nhiều người nghe những câu hát hội, nhớ lấy, rồi đưa vào lời ru con trẻ, giữ trong cuộc sống hằng ngày. Bà Thu cùng một số người yêu mến văn hóa quê hương phải lần tìm những câu ca còn sót lại trong những lời ru, rồi hệ thống lại. Cũng thật may, tình yêu của các nghệ nhân gặp được những chính sách phù hợp của thành phố, sự hỗ trợ của chính quyền để từ đó hồi sinh.
“Tôi không thể tưởng tượng nổi từ những “mảnh vụn” như thế, bản thân chúng tôi cùng các nhà nghiên cứu đã chắp nối, rồi từ đó hoàn thiện dần những bài ca thuộc 3 loại: Hát trình (hát thờ trước Thánh), hát trạo (khi chèo thuyền) và hát giao duyên để rồi lan tỏa cho mọi người”, Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu chia sẻ.
Đầu năm 2025, Lễ hội hát chèo tàu Tổng Gối vinh dự được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là minh chứng sống động cho hành trình hồi sinh một di sản từ nguy cơ thất truyền trở lại cuộc sống. Điều mừng nhất là Câu lạc bộ chèo tàu Tân Hội phát triển đến 50-60 thành viên. Mỗi buổi lên lớp, cả nghệ nhân truyền dạy lẫn người theo học đều được hỗ trợ kinh phí. Hằng năm, Câu lạc bộ chèo tàu Tân Hội được thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng để duy trì hoạt động. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với hàng loạt di sản khác ở Hà Nội.
Đồng hành cùng nghệ nhân
Hiện nay, ca trù vẫn đang nằm trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhưng đó là tình hình chung của cả nước. Còn với Hà Nội, ca trù đang phát triển nở rộ, với 14 câu lạc bộ, giáo phường, hàng trăm người thực hành và khoảng từ 30 đến 40 nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Sở dĩ có sự khác biệt cơ bản ấy là nhờ Hà Nội đã xây dựng hệ thống chính sách bài bản để làm “bệ đỡ” cho quá trình hồi sinh di sản.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã rà soát toàn bộ hệ thống di sản, lên danh sách những di sản có giá trị độc đáo, di sản có nguy cơ thất truyền hoặc di sản đáp ứng cả hai yêu cầu trên để ưu tiên cho công tác bảo tồn. Tiếp đó, những di sản thuộc danh mục ưu tiên sẽ được đầu tư hỗ trợ về kinh phí hoạt động, truyền dạy; tổ chức phối hợp với các nghệ nhân nghiên cứu, sưu tầm… để hoàn thiện tư liệu rồi trao truyền lại cho chính nghệ nhân. Điển hình trong số này phải kể đến những di sản như: Tiếng lóng Đa Chất (xã Đại Xuyên), Lễ hội kéo mỏ ở Xuân Thu (xã Đa Phúc), chèo tàu Tân Hội (xã Ô Diên), ca trù Ngãi Cầu (xã Hoài Đức), múa hát Ải Lao (phường Việt Hưng)…
Song, bước đột phá trong các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể phải kể đến Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (Nghị quyết 23) do Hội đồng nhân dân thành phố ban hành tháng 12/2022. Nghị quyết 23 gồm ba trụ cột chính: Hỗ trợ nghệ nhân, hỗ trợ câu lạc bộ thực hành di sản, hỗ trợ việc truyền dạy và luyện tập. Chính sách này kết hợp với các hoạt động hỗ trợ chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao, hỗ trợ kinh phí đặc thù của địa phương giúp các di sản hồi sinh mạnh mẽ.
Đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định được 43 hồ sơ. Trên cơ sở đó, các địa phương ra quyết định thành lập câu lạc bộ chính thức. Hiện hàng chục câu lạc bộ đáp ứng được yêu cầu và nhận được kinh phí hỗ trợ khi thành lập mới là 50 triệu đồng/CLB, và hoạt động thường xuyên là 20 triệu đồng/câu lạc bộ mỗi năm. Phó Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy
Phó Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết: “Việc hỗ trợ nghệ nhân chỉ cần căn cứ vào danh sách nghệ nhân được phong tặng rồi áp dụng, song việc hỗ trợ các câu lạc bộ lại phức tạp vì phải căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nghị định quy định rất chặt chẽ về điều lệ, trụ sở, Ban vận động thành lập… cho đến tư cách thành viên. Hầu hết các câu lạc bộ trước đây đều không thể đáp ứng. Chúng tôi đã phối hợp các địa phương “tái” thành lập các câu lạc bộ. Đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định được 43 hồ sơ. Trên cơ sở đó, các địa phương ra quyết định thành lập câu lạc bộ chính thức. Hiện hàng chục câu lạc bộ đáp ứng được yêu cầu và nhận được kinh phí hỗ trợ khi thành lập mới là 50 triệu đồng/câu lạc bộ, và hoạt động thường xuyên là 20 triệu đồng/câu lạc bộ mỗi năm”. Điều khiến các nghệ nhân phấn khởi nhất là với các buổi truyền dạy, luyện tập để phục vụ cho hoạt động biểu diễn, các nghệ nhân đều được hỗ trợ kinh phí bên cạnh mức hỗ trợ hằng tháng.
Hát dô Liệp Tuyết (nay thuộc xã Kiều Phú) là di sản độc đáo, toàn bộ các câu ca đều hướng tới ca ngợi Tản Viên Sơn Thánh. Hát dô Liệp Tuyết từng trải qua quá trình “tái sinh”. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong hành trình ấy. Bà phấn khởi cho biết: “Chưa bao giờ nghệ nhân chúng tôi nhận được nhiều đãi ngộ như hiện nay. Dù mức đãi ngộ chưa phải là cao, nhưng đó là niềm động viên lớn lao để chúng tôi tiếp tục hành trình gìn giữ di sản của mình. Hiện giờ, tôi tập trung rèn giũa các cháu nhỏ để hát dô Liệp Tuyết có thế hệ kế cận trong tương lai”.
Hà Nội là Thủ đô di sản. Bất kỳ nơi nào, nghệ nhân cũng luôn có tình yêu với di sản. Nhưng đó mới là một nửa vấn đề. Một hệ thống chính sách phù hợp được xây dựng, triển khai đã nhân lên tình yêu đó, tạo cơ sở bền vững để di sản tiếp diễn và được phát huy.