Hà Nam: Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Dặm Quyển Sơn
10/08/2021 | 10:58Hát Dặm Quyển Sơn (xã Thi Sơn, Kim Bảng) là một trong 9 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh. Hát Dặm là loại hình ca múa nhạc độc đáo, đặc trưng trong lễ nghi và phong tục chỉ có ở làng Quyển Sơn. Hát Dặm Quyển Sơn xuất hiện từ thế kỷ XI dưới triều đại nhà Lý và được lưu giữ, tồn tại đến ngày nay.
Sự xuất hiện của loại hình ca múa nhạc riêng có ở Quyển Sơn được biết đến qua truyền thuyết dân làng nơi đây kể lại: Vào năm 1069, phụng mệnh vua, Thái úy Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh Chiêm Thành. Chiến thuyền qua đoạn sông Đáy chảy qua làng Quyển Sơn thì gặp trận gió to nổi lên cuốn lá cờ đại lên đỉnh núi. Thái úy thấy lạ, cho thuyền dừng lại rồi cùng tướng lĩnh lên bờ thực hiện nghi lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng và đặt tên cho ngọn núi nơi đây là núi Cuốn Sơn. Sau khi thắng trận, trên đường trở về kinh thành, nhớ vùng núi cũ, ông cho dừng chân, hạ trại bên rừng trúc, giết trâu mổ bò làm lễ tạ trời đất, khao thưởng ba quân, mở hội mừng chiến thắng. Lý Thường Kiệt mời dân làng cùng tham gia cuộc vui quân sĩ. Ông cho tuyển chọn những cô gái thanh tân trong làng để múa hát, chọn các trai tráng khỏe mạnh để tổ chức đua thuyền. Trò múa hát có tên gọi là hát Dặm là lối hát thờ ca ngợi chiến công đánh giặc, giữ nước; ca ngợi cuộc sống thanh bình.
Sau khi Lý Thường Kiệt qua đời, để tưởng nhớ công lao của vị Anh hùng dân tộc, nhân dân địa phương đã tôn thờ ông làm Thành hoàng làng, thờ tại đình Quyển Sơn và đền Trúc. Hằng năm, cứ vào dịp đầu xuân, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội, mở phường hát Dặm để tưởng nhớ công ơn Lý Thường Kiệt.
Hát Dặm ở Quyển Sơn có những quy định nghiêm ngặt. Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ tháng Giêng, sau Tết Nguyên đán, khi mọi việc cấy cày đã xong, dân làng vùng núi Quyển Sơn mở đợt tuyển chọn những cô gái thanh tân tuổi từ 13 – 18 tập trung ở nhà một cụ trùm trò (phường Dặm) để tập múa hát theo đúng bài bản của nghi lễ. Khi mọi công việc hoàn tất, các cụ chọn lấy từ 16 – 20 cô múa hát hay nhất để đưa vào diễn xướng tại lễ hội. Khi diễn xướng, cụ trùm mặc váy áo vàng (hoặc đỏ) đứng giữa trước bàn thờ thánh, quân là những cô gái thanh tân đứng xếp theo hàng dọc ở hai bên. Mỗi bên từ 8 – 10 cô mặc áo dài nâu 5 vạt hoặc áo dài màu xanh lá mạ, váy lĩnh, yếm đào, thắt lưng màu hoa lý, đầu thắt khăn mỏ quạ duyên dáng. Lễ múa hát thờ diễn ra liên tục gồm trên 30 làn điệu khác nhau. Hát Dặm không có nhạc cụ đệm theo, mà cụ trùm chỉ dùng đôi sênh tre gõ nhịp. Hát Dặm có những điệu vừa hát, vừa múa. Cụ trùm khi đứng ở giữa, khi đi vòng quanh để điều khiển. Khi quân hát và múa thì dùng quạt giấy màu đỏ hoặc trắng làm động tác biểu hiện nội dung và trang trí, lúc không múa thì gài quạt vào thắt lưng. Để tránh nhầm lẫn và sai điệu, cụ trùm thường cất giọng và làm động tác mẫu để quân làm theo.
Trải qua gần 1.000 năm tồn tại, với nhiều biến cố thăng trầm của xã hội, sự biến thiên của dòng chảy thời gian và lịch sử, hát Dặm Quyển Sơn đã có những năm tháng bị chìm vào quên lãng và đứt đoạn. Hiểu được giá trị vô cùng to lớn của hát Dặm, các thế hệ sau đã quyết tâm khôi phục và giữ lại điệu hát truyền thống của quê hương. Phường hát Dặm hôm nay vẫn được các cụ trùm truyền dạy và khôi phục đúng với lễ nghi truyền thống. Vẫn tuyển chọn, thành lập phường với những cô gái thanh tân hát thờ, với những cụ trùm truyền dạy bài bản giữ nguyên bản chất hữu duyên và sông núi nơi đây linh thiêng đã dành riêng điệu hát Dặm cho Quyển Sơn.
Tuy nhiên, với tinh thần cởi mở của đời sống hiện đại, với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và cao hơn hết là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, ngoài đội hát thờ của các cô gái thanh tân tại lễ hội làng hằng năm, dân làng Quyển Sơn còn thành lập đội hát Dặm của những người trung và cao tuổi. Đây là những người yêu làn điệu hát Dặm quê mình, biết múa hát Dặm và nhiệt tình tham gia. Họ tập hợp thành đội, hát trong những cuộc vui, những hội hè đình đám, đại diện cho địa phương tham gia những hội diễn, liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh và đã đạt được những thành công nhất định.
Hát Dặm vẫn của riêng người dân Quyển Sơn, chỉ riêng người dân Quyển Sơn mới biết hát, hát đúng nhưng hát Dặm đã vượt ra khỏi làng “khoe” vẻ đẹp riêng có của mình, đó là một tín hiệu mừng thể hiện sự phong phú của âm nhạc dân gian truyền thống ở Hà Nam. Người dân làng Quyển thường nói rằng: Còn con sông Đáy, còn núi Cấm (Cuốn Sơn), còn làng Quyển Sơn (từ thôn 1 – 4 ngày nay), còn người Quyển Sơn, còn hội làng, còn sự tưởng nhớ ông bà tổ tiên, công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt thì hát Dặm còn mãi với thời gian.
Người dân Quyển Sơn nói vậy, đủ để biết hát Dặm là của mọi người dân làng Quyển, hát thờ thần của những cô gái thanh tân là biểu tượng cho những chồi non tươi trẻ, thuần khiết trong sáng dâng lên thần linh tỏ lòng thành kính; còn các đội hát phong trào, hát quần chúng, hát ngoài không gian thiêng là nhu cầu cũng là một hình thức để từ đó hát Dặm được lưu truyền và gìn giữ trong các thế hệ người dân làng Quyển Sơn.