Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nam: Lan tỏa văn hóa đọc từ những tủ sách cộng đồng

22/07/2024 | 08:56

Với mục tiêu khuyến khích, hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng, những năm qua, Hà Nam thường xuyên tăng cường hoạt động tuyên truyền, khuyến khích người dân đọc sách; vận động xây dựng, trao tặng tủ sách cộng đồng, tủ sách khuyến học; hướng dẫn duy trì những không gian đọc sách... Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Hà Nam hiện có 1 thư viện cấp tỉnh; 6 thư viện cấp huyện; 9 thư viện cấp xã; 90 tủ sách xã, phường, thị trấn; 98 điểm bưu điện - văn hóa xã, phường, thị trấn; 700 tủ sách thôn, làng. Hằng năm, Hội Khuyến học tỉnh, Thư viện tỉnh tích cực tuyên truyền xây dựng tủ sách cộng đồng; hỗ trợ những địa phương có thư viện, tủ sách cộng đồng cách thức quản lý, sử dụng, trang trí sách... phục vụ bạn đọc. Tính riêng năm 2023, Thư viện tỉnh đã trao tặng 950 bản sách, luân chuyển 5.300 bản sách tới các cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Trần Thị Hà Dung, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ, Thư viện tỉnh, việc xây dựng tủ sách cộng đồng nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho người dân; hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả; hình thành thói quen, nhu cầu phát triển, kỹ năng và phong trào đọc sách trong cộng đồng. Tại tỉnh ta, tủ sách cộng đồng đã trở thành thiết chế văn hóa quen thuộc, góp phần trang bị cho người dân ý thức sống, làm việc theo pháp luật, kĩ năng sống, trách nhiệm bảo vệ môi trường… Đó chính là cơ sở cho việc triển khai thành công chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Hà Nam: Lan tỏa văn hóa đọc từ những tủ sách cộng đồng - Ảnh 1.

Thư viện huyện Lý Nhân luôn có đông độc giả đến đọc sách.

Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, đến nay hệ thống tủ sách cộng đồng ở các nhà văn hóa (NVH) thôn, tổ phố trên địa bàn tỉnh được nâng cao về chất lượng, số lượng. Nhiều địa phương thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa trong xây dựng thiết chế văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển tủ sách cộng đồng, coi đây là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Hội Khuyến học, Thư viện tỉnh luôn chủ động liên hệ, tìm nguồn tài trợ, quyên góp sách dành tặng các thư viện xã, phường, các tủ sách cộng đồng, giúp tăng cường vốn tài liệu phục vụ người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. Bởi vậy, các tủ sách cộng đồng ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại: sách về Bác Hồ; sách pháp luật, hôn nhân gia đình; sách giáo dục kỹ năng sống; sách kỹ thuật chăn nuôi, trồng hoa, trồng rau sạch, làng nghề truyền thống... góp phần lan tỏa phong trào đọc sách, giúp mọi người có thêm nguồn tài liệu để phục vụ học tập, công tác, giải trí, trau dồi kiến thức ứng dụng vào thực tế đời sống, góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở cơ sở.

Theo thống kê của Thư viện tỉnh, Thành phố Phủ Lý hiện đã xây dựng được mạng lưới tủ sách cơ sở với 55 tủ sách xã, phường; 143/143 tủ sách thôn, tổ phố, 10 điểm bưu điện văn hóa xã, 42 thư viện trường học. Hầu hết các nhà văn hóa phường, xã, thôn, tổ phố đều có tủ sách cộng đồng. Lý Nhân có 1 thư viện cấp huyện, 8 thư viện cấp xã, hơn 100 tủ sách thôn, tổ phố. Thanh Liêm xây dựng được 34 tủ sách xã, thị trấn; 76 tủ sách thôn, tổ phố; 17 điểm bưu điện văn hóa xã. Duy Tiên xây dựng được 16 tủ sách phường, xã; 50 tủ sách thôn, tổ phố; 16 điểm bưu điện văn hóa phường, xã. Kim Bảng có 1 thư viện huyện, 1 thư viện thị trấn Ba Sao, 50 thư viện trường học; 17 tủ sách tư nhân, gia đình, dòng họ; 15 điểm bưu điện văn hóa xã. Bình Lục có 43 thư viện trường học; 15 điểm bưu điện văn hóa xã; 3 tủ sách tư nhân, gia đình, dòng họ; 1 không gian văn hóa đọc cộng đồng (tại Nhà Văn hóa thôn 1 xã Bối Cầu, 100% kinh phí xây dựng huy động từ sự ủng hộ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong thôn).

Tủ sách cộng đồng được đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn hoặc nhà văn hóa thôn, tổ phố, ở vị trí dễ nhận biết, rất thuận tiện cho độc giả. Sách được phân loại theo các chủ đề thơ, truyện, sách khoa học, lịch sử, kỹ thuật… để người dân dễ dàng tìm đọc. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, các địa phương đã tiến hành lựa chọn loại sách phù hợp, đầu tư kinh phí mua bổ sung định kỳ theo quy định và khuyến khích việc trao đổi tài liệu sách báo giữa các tủ sách thôn, tổ phố để tăng hiệu quả khai thác, sử dụng sách, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả, từ người cao tuổi, cán bộ hưu trí, đến thanh niên, học sinh… Tiêu biểu phải kể đến: tủ sách thôn Chuyên Thiện (phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên); tủ sách tổ dân phố Mễ Thượng (phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý); tủ sách thôn Văn Kênh (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân)…

Mô hình tủ sách cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận với văn hóa đọc, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị với nông thôn. Đó chính là “cánh tay” nối dài của thư viện tỉnh, huyện, góp phần đưa thông tin đến vùng nông thôn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số tủ sách cộng đồng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn do nguồn kinh phí hạn hẹp, chủ yếu trông chờ vào nguồn xã hội hoá, dẫn đến không có sự phong phú, đa dạng về thể loại sách. Hầu hết người quản lý tủ sách được giao cho cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm, vừa bận chuyên môn lại không được hưởng phụ cấp đôi khi việc phục vụ nhu cầu đọc của độc giả chưa được kịp thời, chu đáo. Bên cạnh đó, nhiều tủ sách cộng đồng mở cửa theo giờ hành chính, không hoạt động vào ngày thứ bảy, chủ nhật, trong khi đây mới là thời điểm học sinh, sinh viên được nghỉ học để ra đọc sách. Tại nhiều địa phương chưa xây dựng nội quy bạn đọc, quy chế quản lý, khai thác, sử dụng nên sách thường thất lạc…

Để việc xây dựng, duy trì tủ sách cộng đồng thực sự góp phần lan tỏa văn hóa đọc, nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương, rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, từ việc đầu tư kinh phí mua sách mới có chất lượng, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân, luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu đến tuyên truyền, vận động người dân đọc sách, khuyến khích các tập thể, cá nhân đóng góp, ủng hộ kinh phí mua sách… Và quan trọng nhất là tránh tình trạng xây dựng tủ sách chỉ mang tính hình thức, như một phần trong việc hoàn thiện các thiết chế xây dựng NTM.

Theo Báo Hà Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×