Hà Giang: Xây dựng nếp sống văn minh gắn bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc
13/06/2022 | 16:42Với quyết tâm xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và tỉnh. Ngày 1.5.2022, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Hà Giang xác định thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, trên nguyên tắc tuân thủ thực hiện đúng chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh để nêu gương cho quần chúng làm theo. Đồng thời, nghiêm khắc phê bình và có hình thức xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm.
Việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao thể trạng, tầm vóc, sức khỏe nhân dân, giảm thiểu tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong độ tuổi gắn với triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030; phát triển du lịch và giảm nghèo bền vững.
Thực hiện quan điểm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Hà Giang quyết tâm đến hết năm 2022, đảm bảo 100% cán bộ, đảng viên đang công tác trong các cơ quan nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động người thân trong gia đình thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đến hết năm 2025, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 75% các hộ gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các hủ tục, tập quán lạc hậu; sự cần thiết và tích cực tham gia bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của gia đình, dòng họ. Đến năm 2030, các địa phương cơ bản thực hiện xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng Nông thôn mới. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đảm bảo tính kế thừa có chọn lọc và phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, thực hành tiết kiệm, chống thương mại hóa, vụ lợi. Triển khai các chính sách an sinh xã hội, phát huy các tiềm năng, giá trị di sản văn hóa, hình thành một số không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác cải tạo, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh ta xác định các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, như: Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nội dung các văn bản của Đảng, Chính phủ, nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống vãn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp trong việc cụ thể hóa các chương trình hành động, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc đảm bảo đạt kết quả. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nội dung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân loại bỏ những hủ tục, nghi lễ rườm rà trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh theo hướng đa dạng, sáng tạo với các giải pháp khoa học, bài bản và kiên trì phù hợp với đặc thù của từng địa phương, dân tộc. Lấy mô hình tốt, mô hình thực hiện hiệu quả để tuyên truyền theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp xã hội.
Đưa các nội dung thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể ở các cấp, của cán bộ, đảng viên là yêu cầu nhiệm vụ bắt buộc. Coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên và chiến sĩ hằng năm; xếp loại thi đua của chi, Đảng bộ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp trong thực hiện các văn bản của Đảng, Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh, nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về cách làm hay, phát huy hiệu quả, chú ý xây dựng các nhân tố mới, các mô hình điển hình tiên tiến làm nòng cốt tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân...
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự đồng tình ủng hộ của đồng bào các dân tộc, Hà Giang sẽ sớm đạt được mục tiêu xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.