Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Giang: Tái hiện lịch sử, cuộc sống bằng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp

05/04/2023 | 09:11

Là thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng, có quy mô, kiến trúc đồng bộ, nội dung phong phú, hình thức trưng bày hiện đại; có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống, phổ biến tri thức, giới thiệu lịch sử lâu đời và đa dạng văn hóa của các dân tộc trong tỉnh... Bảo tàng Hà Giang kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng đất cực Bắc Tổ quốc.

Hà Giang: Tái hiện lịch sử, cuộc sống bằng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Thiết kế kết hợp giữa truyền thống và hiện đại giúp du khách có trải nghiệm thú vị khi tham quan Bảo tàng.

Theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, Bảo tàng tỉnh là điểm đầu tiên của khách tham quan với nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá, khẳng định lịch sử lâu đời và đa dạng văn hóa của các dân tộc đã và đang sinh sống tại Hà Giang, góp phần vào sự phát triển KT - XH của tỉnh. Để phát huy vai trò, giá trị của bảo tàng, tháng 12.2020, Dự án Cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng được khởi công với nhiều hạng mục quan trọng. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành, dự kiến Bảo tàng sẽ khai trương, mở cửa thử nghiệm đón khách tham quan vào đầu tháng 4 này.

Với ý tưởng thiết kế và trưng bày bên trong rất mới mẻ, độc đáo, hiện đại của các chuyên gia tư vấn, mọi người khi đến Bảo tàng sẽ được trải nghiệm lịch sử hình thành và sự phát triển của tỉnh cùng những nét văn hóa đặc sắc, đặc trưng về điều kiện tự nhiên của tỉnh. Không gian trưng bày được thiết kế dựa trên tiến trình thời gian, không gian gồm: Cư dân Hà Giang theo dòng lịch sử; bảo vệ Tổ quốc và an ninh biên giới; văn hóa đa dạng; ba vùng sinh thái; xây dựng cuộc sống mới. Các không gian trưng bày được sắp xếp khoa học, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đem đến cho du khách quy trình tham quan rõ ràng, mạch lạc. Thiết kế được lồng ghép công nghệ, màn hình tương tác, thiết bị hướng dẫn tự động, tiếp cận thông tin trực tuyến, không chỉ mang lại hiệu quả truyền tải thông tin mà còn đem lại hiệu ứng về mặt thị giác. Đặc biệt, tại phòng chiếu phim sử dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping phản ánh chủ đề Hà Giang những dấu mốc lịch sử. Công nghệ trình chiếu 3D Mapping là công nghệ mới và hiện đại nhất hiện nay, sử dụng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt tiếp xúc, tạo ra các khối hình ảnh tương tác trong không gian 3 chiều. Nội dung phim trình chiếu phản ánh lại quá trình hoạt động của vỏ trái đất, hóa thạch, hình ảnh về quá trình di cư, tụ cư của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang. Đây hứa hẹn là trải nghiệm vô cùng thú vị với du khách.

Hà Giang: Tái hiện lịch sử, cuộc sống bằng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp - Ảnh 2.

Một nội dung trưng bày tại Bảo tàng.

Nội dung trưng bày tại bảo tàng giới thiệu khái quát, cô đọng tiến trình lịch sử Hà Giang từ thời nguyên thủy đến ngày nay; chú trọng những mốc son và sự kiện lịch sử tiêu biểu đánh dấu bước phát triển của lịch sử, nơi tụ cư, sinh sống của 19 dân tộc, gắn lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng trong dòng lịch sử chung của Hà Giang, khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. Nội dung và hình thức trưng bày đảm bảo tính chính trị và khoa học, tính dân tộc và hiện đại, tính hàn lâm và toàn diện, tính thống nhất trong đa dạng văn hóa của các dân tộc tỉnh Hà Giang. Nội dung trưng bày được thể hiện theo ngôn ngữ riêng, độc đáo, mang đậm nét riêng có của Hà Giang, không đồng điệu với các Bảo tàng địa phương khác; sử dụng tối đa các hiện vật gốc, kết nối hợp lý nội dung theo tiến trình lịch sử với các chuyên đề và sưu tập; đồng thời tạo các không gian để du khách trải nghiệm, khám phá và sáng tạo; sử dụng công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong đầu tư, vận hành, bảo trì; tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động bảo tàng và phục vụ công chúng, chú trọng các điều kiện phục vụ, hỗ trợ người khuyết tật.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bùi Đức Tân chia sẻ: “Sau khi đi vào hoạt động, bên cạnh trưng bày cố định, Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức triển lãm lưu động, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để quảng bá, giới thiệu về hoạt động của Bảo tàng, giúp người dân và du khách có thể nắm bắt thông tin và đến tham quan, tìm hiểu. Bảo tàng tỉnh cũng sẽ có kế hoạch tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, liên kết với các công ty lữ hành trong việc đưa khách tham quan tới Bảo tàng trong hành trình tour; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nghiên cứu, bảo quản, trưng bày, thuyết minh Bảo tàng, đặc biệt là thuyết minh tự động, mã quét QR”...

Theo Báo Hà Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×