Góp ý Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 đến 2025: Đào tạo, phát triển nhân lực du lịch trong tình hình mới
24/07/2021 | 16:19Với “phép thử” của Covid-19, ngành du lịch cần ứng phó có trách nhiệm và phát triển bền vững, trong đó việc đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch là vấn đề cấp thiết.
Từ quan sát, khảo nghiệm hoạt động du lịch Quảng Nam, ngành du lịch Quảng Nam đang đối mặt với một xu hướng phát triển du lịch mới, sự thay đổi diện mạo hoạt động kinh doanh du lịch hậu Covid-19, sự mai một kỹ năng nghề và nhiệt tâm của lao động ngành du lịch. Trong khi đó, ngành du lịch đang khát khao nguồn nhân lực chất lượng cao và cần đổi mới phương pháp quản trị nhân sự để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển du lịch “xanh”, bền vững và an toàn.
Nhìn từ Quảng Nam, vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện các hoạt động, hạng mục sau:
1. Khảo sát đánh giá chất lượng nhân lực du lịch hậu Covid-19
Từ sự biến động nhân sự ngành du lịch và sự dịch chuyển cơ cấu lao động (từ khối du lịch- dịch vụ sang khối sản xuất…) nên cần có cuộc khảo sát, điều tra xã hội học về lao động để phân tích, đánh giá xây dựng dữ liệu lao động ngành du lịch. Từ đó, định hướng tái cơ cấu lao động ngành ở địa phương, lập quy hoạch tổng thể đào tạo và phát triển nhân lực. Đồng thời, phối hợp với cơ sở đào tạo và các tổ chức đánh giá- kiểm định chất lượng đào tạo du lịch để thực hiện việc thiết kế chương trình đào tạo và tiêu chuẩn kiểm định nghề phụ hợp hơn với sự thay đổi xu hướng Du lịch hậu Covid.
2. Đào tạo lại nhân sự đa năng, chất lượng và thích nghi nền tảng số, du lịch thông minh
Theo nhận định của Hiệp hội, hậu Covid ngành du lịch sẽ có sự cạnh tranh lớn về tuyển dụng lại nhân sự, cùng với xu thế công nghệ- nền tảng số trong du lịch đang làm thay đổi các phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng trong du lịch, thời đại du lịch thông minh đã và đang thành hình.
Từ cuối năm 2021, công nghệ sẽ là yếu tố hàng đầu giúp du khách tìm hiểu về thông tin điểm đến và giúp cho doanh nghiệp, nhà quản lý tối ưu hóa hiệu quả công việc. Nhất là doanh nghiệp sẽ tinh gọn bộ máy để giảm chi phí nhưng nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Trong bối cảnh đó, nhân sự , người làm du lịch đòi hỏi phải đa năng hơn, ngoài nghiệp vụ nghề, thì kiến thức nền về xã hội cũng cần phải được nâng cao. Bên cạnh đó năng lực công nghệ, khả năng thích ứng với “Du lịch thông minh” cũng quan trọng không kém để đáp ứng yêu cầu phục vụ “khách du lịch thông minh”. Tất yếu, nhân sự cần được đào tạo lại, trang bị kiến thức chung và kỹ năng để thích nghi với môi trường làm việc nền tảng số, thích ứng để phát triển.
Thiết lập môi trường, mô hình đào tạo “trường học không giảng đường” và “học kỳ doanh nghiệp
Sự khủng hoảng của nhân sự du lịch khi va chạm với vị trí nghề và hoạt động tác nghiệp ngoài thực tế là điều thường diễn ra trong thời gian qua. Do hoạt động dạy học các ngành nghề trong các cơ sở đào tạo không thể bao trùm hết những tình huống thực tế ngày càng sinh động. Trong khi đó nhu cầu trải nghiệm giá trị văn hóa, môi trường tự nhiên hay câu chuyện trong sản phẩm du lịch- dịch vụ đặc trưng trở thành mối quan tâm của du khách đang được đáp ứng bởi những phương thức khác nhau từ những doanh nghiệp, những nhà cung cấp dịch vụ.
Việc nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, các doanh nghiệp cần tạo môi trường chia sẻ kỹ năng mềm thông qua mô hình hoạt động, trải nghiệm thực tế và các cơ sở đào tạo cần tạo cơ hội cho học viên va chạm nghề từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.
4. Thay đổi cách thức phân luồng đào tạo
Lĩnh vực du lịch là lĩnh vực phi sản xuất hàng hóa, việc cung cấp sản phẩm dịch vụ sẽ triển khai các hoạt động, thao tác với con người. Do đó, người lao động trong ngành du lịch thường xuyên tương tác với du khách, giao tiếp chia sẻ thông tin về điểm đến, về dịch vụ mình đang cung ứng...nên người lao động cần có kiến thức cơ bản- kiến thức nền và kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề. Yêu cầu đó, đòi hỏi cần thay đổi cách thức phân luồng đào tạo nghề hiện nay, theo hướng đối với sơ cấp nghề du lịch cũng cần điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra cần chú trọng đến sở thích và trí tuệ- khả năng làm việc với con người (thuyết đa trí tuệ của H. Gardner) để áp dụng trọng việc chọn nghề và học nghề du lịch.
5. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức du lịch bền vững cho người lao động, doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Dịch bệnh là hệ quả từ quá trình sống mất cân bằng của con người; và khủng hoảng Covid-19 sẽ “thức tỉnh” hành vi ứng phó có trách nhiệm, bền vững với tự nhiên và bản thân.
Theo nhận định (báo cáo tháng 01/2021) của Hội đồng chuyên gia- Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), từ năm 2021 sẽ nổi lên của xu hướng “du lịch chậm” và du lịch cộng đồng, hướng tới những trải nghiệm chân thực, trách nhiệm và bền vững. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch, nhà quản lý du lịch... cũng sẽ thay đổi tư duy vận hành, quản trị, đầu tư hướng đến bền vững, có trách nhiệm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Vả lại, du lịch thường mang đến cho Du khách sự hài lòng mang yếu tố tinh thần nhiều hơn là vật chất. Việc người lao động hiểu sâu về kiến thức du lịch bền vững trên nền tảng ba trụ cột chính: Con người (văn hóa) – Tự nhiên (thiên nhiên) – Lợi ích (kinh tế) là vô cùng cần thiết, góp phần xây dựng trạng thái cân bằng trong lối sống và công việc. Như vậy mới mang đến cho du khách một cảm giác thỏa mái với dịch vụ và phát huy trách nhiệm của họ với điểm đến du lịch.
6.Trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp du lịch hoặc thông qua sự hỗ trợ của Hiệp hội du lịch Quảng Nam cần thực hiện các hoạt động sau:
Lập nhóm chủ động chia sẻ, đào tạo và đào tạo lại nhân sự đương nhiệm tại doanh nghiệp du lịch về văn hóa doanh nghiệp- triết lý kinh doanh, chia sẻ kỹ năng mềm trong việc cung cấp dịch vụ- phục vụ du khách, các kinh nghiệm- kiến thức- kỹ năng, tiêu chí du lịch Xanh để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững và an toàn trong tình hình mới. Hoạt động này sẽ tạo sự đồng bộ cho việc triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu du lịch Xanh và thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Xây dựng chính sách phát triển nhân sự bền vững : Thông qua “phép thử” Covid, các doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc an toàn về thể chất, tinh thần và thanh lọc đội ngũ nhân sự, để xây dựng nhân lực chân thành, có trách nhiệm, cung cấp sản phẩm dịch vụ bằng trái tim.
Việc thiết lập mạng lưới nhân sự dùng chung, chia sẻ trong các doanh nghiệp đồng giá trị và mục tiêu kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho nhân sự hoàn thiện kỹ năng tác nghiệp và phát triển bền vững.
Xây dựng và áp dụng chỉ số hạnh phúc trong doanh nghiệp du lịch để định lượng, tham chiếu cho việc xây dựng và hoàn thiện nhận thức, phát triển đời sống tinh thần cho nhân sự du lịch.
Nhìn chung, khủng hoảng Covid-19 đã gây nên sự biến động rất lớn về nhân sự du lịch ở Quảng Nam. Trước sự thay đổi diện mạo du lịch trong tình hình mới và mục tiêu phát triển du lịch xanh của Quảng Nam, rất cần sự đồng hành, đồng tâm, hợp lực từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cho sự phát triển bền vững về nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời gian tới.
Theo thống kê của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch năm 2019 là 18.000 người (trong đó đã qua đào tạo: 15.000 người, nhu cầu bồi dưỡng kỹ năng mềm đến năm 2020: 10.500 người). Năm 2020, biến động giảm còn 4.000 người (giảm gần 78%). Năm 2021, ước số lượng lao động du lịch ở Quảng Nam giảm còn khoảng dưới 2000 người. |
Theo Báo Văn hóa, Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam; Ảnh: Khánh Chi