Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Bàn về thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ trong bối cảnh hội nhập
01/08/2021 | 10:40Ở bất cứ quốc gia nào, nền văn hoá nào, yếu tố con người luôn được xem là quan trọng nhất cho sự phát triển. Trong Dự thảo “Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030” cũng đã xác định mục tiêu “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các vấn đề liên quan đến chiến lược con người kết hợp với giải pháp phát triển văn hóa, nếu được thực hiện tốt sẽ là một chính sách phát triển, cải thiện tiêu chuẩn trí tuệ, là nguồn lực lớn để hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Hiện tượng chạy theo trào lưu tạo nên những “cơn sốt ảo” về giá trị văn hoá
Giới trẻ và các đề tài về giới trẻ đang là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của cộng đồng. Điều này cũng dễ lý giải bởi giới trẻ được xem là chủ nhân tương lai của đất nước, là nguồn nhân lực quan trọng thúc đẩy sự thay đổi và phát triển của toàn xã hội, trong lĩnh vực kinh tế cũng như văn hóa; và giới trẻ cũng là một hiện tượng xã hội khá phức tạp về tâm lý lứa tuổi, về phong cách sống, lối sống, văn hóa ứng xử,…
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, xuất hiện ngày càng nhiều luồng thị hiếu thẩm mỹ khác nhau, thiếu định hướng dẫn đến tình trạng một bộ phận giới trẻ rơi vào mơ hồ về thị hiếu thẩm mỹ; điển hình dễ dàng nhận thấy thông qua cách suy nghĩ, cách ăn mặc, cảm thụ thẩm mỹ, ngôn ngữ giao tiếp… Chính vì vậy, việc định hướng giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho giới trẻ là thật sự cần thiết, cần có sự phối hợp từ gia đình, nhà trường và xã hội. Hiểu rõ đặc điểm tâm lý, lối sống, văn hóa giới trẻ là một chìa khóa quan trọng để có thể giúp cho các nhà hoạch định chính sách có sự chuẩn bị và hỗ trợ phù hợp hơn với giới trẻ trong tương lai.
Thế giới mở hiện nay đã tạo điều kiện cho giới trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa khác trên thế giới; khả năng học hỏi, tiếp thu của giới trẻ rất nhanh, vì vậy, trong quá trình tiếp xúc, sẽ không tránh khỏi việc tiếp nhận nhanh những giá trị văn hóa không phù hợp với chuẩn mực xã hội, với truyền thống văn hóa của dân tộc. Ở độ tuổi còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, một bộ phận giới trẻ chịu sự tác động mạnh mẽ từ những vấn đề đương đại như làn sóng văn hóa đại chúng đã góp phần cổ súy cho sự dễ dãi trong quan niệm tình yêu và hôn nhân; sự bùng nổ các gameshow, chạy theo các xu hướng “showbiz”, “hot girl”, “ngôi sao”, các loại thời trang “sành điệu” lập dị với mốt thiếu vải, hình xăm trổ, mốt tạo mẫu tóc tattoo hair với những hình thù phản cảm; ngôn ngữ giao tiếp tuổi teen với những từ ngữ khó hiểu; trào lưu đề cao cái tôi cá nhân trên các phương tiện truyền thông tác động mạnh mẽ đến giới trẻ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cực đoan và sự chai sạn cảm xúc;… Những hiện tượng chạy theo trào lưu trên ngày càng phổ biến, đã gióng lên hồi chuông báo động, tạo nên những “cơn sốt ảo” về giá trị văn hoá, mơ hồ về thị hiếu thẩm mỹ, tác hại có thể chưa nhận ra ngay nhưng dần dần làm giới trẻ hình thành lối sống ảo, sống thờ ơ, thực dụng,…
Đặc điểm tâm lý của giới trẻ là thích tạo sự chú ý, thể hiện cá tính, nên cũng không thể phủ nhận rằng các hiện tượng gây sốc của giới trẻ có thể xem như một sự phản ứng của bản thân, phản ứng của ý thức hệ trước những nhìn nhận, đánh giá của thế hệ đi trước. Bởi khi nghiên cứu về giới trẻ trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta thường nghĩ thay, làm thay, dạy dỗ, giáo dục thế hệ trẻ theo những qui chuẩn của thế hệ trước, mà ít quan tâm về sở thích, nhu cầu, đặc điểm tâm lý, những giá trị văn hóa phù hợp với thế hệ trẻ. Sự phản ứng này cũng đã phần nào phản ánh cần xây dựng một hệ giá trị mới, một xu hướng thẩm mỹ mới… với những chuẩn mực mới phù hợp cho giới trẻ trong bối cảnh hiện nay.
Cần biến các giá trị văn hóa truyền thống thành mục tiêu và động lực cho sự phát triển
Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế được xem như tấm gương phản chiếu, tác động đến mọi bình diện của văn hóa trong đó bao gồm cả thị hiếu thẩm mỹ. Sự phản chiếu này là kết quả sự dung hợp từ nhiều nền văn hóa khác nhau thể hiện thông qua nhận thức, quan niệm, lối sống, thói quen… dễ dẫn đến sự mâu thuẫn, xung đột khi tiếp nhận các giá trị của nhiều nền văn hoá. Sự khủng hoảng năng lực thẩm mỹ, sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ liên tục dễ dàng nhận thấy trong giới trẻ, hiện tượng tôn sùng văn hóa nước ngoài, cách ăn mặc, lối ứng xử, quan niệm sống… ngày càng phổ biến. Chúng ta không phản đối việc tiếp thu văn hóa mới, nhưng việc tôn sùng một cách thái quá những thần tượng như kiểu “Lệ rơi”, hay cách ăn mặc quá “thiếu vải”, tóc tai nhiều màu… hiện hữu nơi trường học, cần được xem xét lại. Qua những biểu hiện ở một bộ phận giới trẻ có thể thấy rằng, việc cảm nhận, thưởng thức và đánh giá các giá trị văn hoá, thị hiếu thẩm mỹ bị thay đổi do không có một phông văn hóa vững chắc, làm lệch đi giá trị Chân – Thiện – Mỹ theo cách hiểu truyền thống.
Giới trẻ ngày nay có rất nhiều cơ hội để tiếp cận và thưởng thức cái đẹp, thưởng thức nghệ thuật; bên cạnh việc giáo dục và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, giới trẻ còn có nhu cầu làm giàu hơn về mặt tinh thần thông qua phát triển năng lực thị hiếu thẩm mỹ đa dạng và phong phú. Kích thích nhu cầu hình thành thị hiếu thẩm mỹ chính đáng, phù hợp chuẩn mực xã hội, sống có lý tưởng, tinh thần chia sẻ, tình cảm, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống; bên cạnh đó khơi dậy khả năng tiềm ẩn của bản thân, sống đúng, sống đẹp, có đủ trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng vững chắc trở thành công dân trẻ tử tế, tự tin và chủ động trong lựa chọn nghề nghiệp và cuộc sống cho chính bản thân.
Như vậy, có thể thấy, giới trẻ Việt Nam hiện nay vừa tha thiết với các giá trị truyền thống vừa thức thời trước sự phát triển của văn minh hiện đại, do đó cái cốt lõi là giáo dục và tổ chức xã hội cần có góc nhìn tương tác biện chứng để biến các giá trị văn hóa truyền thống thành mục tiêu và là động lực cho sự phát triển của văn minh hiện đại và ngược lại phát triển văn minh muốn bền vững cũng cần phải chú trọng dựa trên những nền tảng giá trị của văn hóa. Người trẻ đang cần sống trong không gian văn hóa có sự tương tác liên cá thể, ở mỗi cá thể cần có một bản sắc riêng của sự đa dạng văn hóa – một nguồn lực sáng tạo và cảm xúc góp phần cho sự phát triển xã hội đương đại.
Chú ý mối quan hệ giữa tính năng động và bản sắc văn hóa trong giới trẻ
Từ những vấn đề đặt ra, căn cứ trên nền tảng đặc thù của tâm lý lứa tuổi và những xu hướng biến động hệ giá trị trong giới trẻ, đứng từ góc độ đào tạo, chúng tôi đưa ra một số đề xuất để có thể tạo điều kiện cho giới trẻ, phát triển toàn diện về cả tri thức, nhân cách và văn hóa, đặc biệt trong định hướng giáo dục thị hiếu thẩm mỹ:
Thứ nhất, bản lĩnh cá nhân là giá trị văn hóa mà giới trẻ cần trang bị trong thời kỳ hội nhập. Trước thời đại toàn cầu, đối với mỗi cá nhân không còn là việc trang bị kỹ năng, kiến thức để chuẩn bị hội nhập mà phải được trang bị bản lĩnh để thực hiện hội nhập. Thực hiện điều này, các đơn vị đào tạo cần thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, nói chuyện chuyên đề kết hợp với biểu diễn tìm hiểu về lịch sử văn hóa âm nhạc, các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc từng vùng miền…, Bên cạnh đó, việc tổ chức những chương trình giới thiệu văn hóa nghệ thuật của các quốc gia trên thế giới, có giá trị văn hóa thiết thực, góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho giới trẻ. Bởi văn hóa nghệ thuật có tác động mạnh mẽ đến tình cảm của con người, nghệ thuật phản ánh đời sống hiện thực gây được cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh; khơi gợi cảm xúc trong mỗi cá nhân. Một khi được tiếp nhận cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh, cá nhân sẽ có những đánh giá cũng như là ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa đó.
Thứ hai, xây dựng văn hóa giới trẻ, định hướng giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cần nghiên cứu mối quan hệ tương tác hai chiều: giữa gia đình – nhà trường và cá nhân giới trẻ. Trong mối quan hệ này, chúng ta thường nhấn mạnh đến đặc trưng của tính cộng đồng như một giá trị bản sắc của văn hóa Việt Nam mà ít chú ý đến tính cá nhân trong xã hội hiện đại. Do đó, phần nào đã kiềm chế sự phát triển của cá nhân thế hệ trẻ đang có nhu cầu tiếp nhận những giá trị mới, những giá trị khoa học công nghệ hiện đại để phát triển năng lực của mình. Vì vậy, trong bối cảnh thế giới phẳng hiện nay, cần chú ý mối quan hệ giữa tính năng động và bản sắc văn hóa trong giới trẻ, cần lưu ý tránh sự tuyệt đối hóa ở bất kỳ một cực nào.
Thứ ba, giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cần gắn liền với giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho sinh viên. Thị hiếu thẩm mỹ bao giờ cũng gắn liền với một hệ thống quan điểm mỹ học nhất định, nó phản ánh lối sống của một giai cấp, gắn với quan niệm chính trị, tư tưởng, đạo đức của giai cấp đó. Trên nền tảng nhu cầu của giới trẻ, công tác giáo dục thị hiếu cũng cần được định hướng và kiểm định rõ ràng từ các nhà chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm các mô hình giáo dục hiệu quả các nước tiên tiến trên thế giới,… nhằm xây dựng một hệ thống liên kết hiệu quả, kịp thời đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho giới trẻ. Sống trong một xã hội với độ mở rất cao, giới trẻ có khả năng nhìn nhận và ý thức mạnh về môi trường sống cũng như có xu hướng “định vị” bản thân. Các tổ chức giáo dục cần chú trọng đến sự khơi gợi tinh thần tự lực bằng cách tạo được môi trường học tập phù hợp. Ở môi trường đó, mỗi cá nhân có khả năng hoàn thiện bản thân và đảm bảo các nhu cầu cơ bản, đặc biệt là khả năng sáng tạo, khả năng phát triển tư duy độc lập.
Vấn đề định hướng giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho giới trẻ trong bối cảnh hiện nay hướng đến mỗi cá nhân được phát triển hài hoà, toàn diện về nhân cách và trí tuệ, phát triển năng lực phán đoán và đánh giá thẩm mỹ, hình thành thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn, hướng đến sự phong phú, đa dạng trong tâm hồn. Giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho giới trẻ không còn là việc trang bị kỹ năng, kiến thức để chuẩn bị hội nhập mà còn phải trang bị bản lĩnh để thực hiện công cuộc hội nhập quốc tế; giáo dục nâng cao năng lực sáng tạo của giới trẻ, góp phần thực hiện mục tiêu gắn đào tạo với nhu cầu phát triển thực tiễn, định hướng phát triển cho giới trẻ có thể thích nghi, bản lĩnh, tự tin trong môi trường sống và môi trường làm việc trong bối cảnh đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế hiện nay.