Gỡ "rào cản" về chính sách thị thực để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn
29/10/2019 | 08:47Mặc dù chúng ta đã có những thay đổi tích cực về chính sách thị thực điện tử, nhưng việc công bố ra quốc tế còn những hạn chế, vì thế khách quốc tế tại nhiều nước đang “đói thông tin” về du lịch Việt Nam.
Quy định 15, 30 ngày
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cho biết, để chính sách về thị thực của Việt Nam tốt hơn và tạo điều thuận lợi cho khách quốc tế, chúng ta cần tập trung làm sao để Luật xuất nhập cảnh thông thoáng hơn, mở cửa hơn.
Theo khoản 1, Điều 20 về điều kiện nhập cảnh (Luật số 47) quy định rõ: "Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày". Đây được coi là một rào cản lớn đối với du lịch Việt Nam.
Trưởng ban Thư ký TAB cũng chỉ ra rằng, hiện nay khách du lịch tại những nước có khả năng chi trả cao rất có nhu cầu và mong muốn khám phá dài ngày tại Việt Nam, nhưng lại đang bị vướng bởi quy định chỉ được lưu trú trong 15 ngày. Trong khi đó, những nước ở gần (trong khu vực ASEAN) mình lại mở cửa 30 ngày vì có hiệp định song phương. Tuy nhiên, khách du lịch tại các nước trong khu vực thường không sử dụng hết 30 ngày.
mục tiêu của ngành không phải lôi kéo được nhiều khách mà làm sao thu hút được khách du lịch có khả năng chi trả cao, trả nhiều tiền cho du lịch Việt Nam.
Hoàng Nhân Chính
Trong khi đó, mục tiêu của ngành không phải lôi kéo được nhiều khách mà làm sao thu hút được khách du lịch có khả năng chi trả cao, trả nhiều tiền cho du lịch Việt Nam.
"Những nước châu Âu từ Anh, Pháp, Đức, Bắc Âu, Nga là những nước mong muốn có nhiều thời gian để trải nghiệm ở Việt Nam nhưng chỉ được 15 ngày. Mà với 15 ngày thì khách khó có thể sử dụng được lợi thế này. Cho nên họ lại phải đặt làm visa thông thường. Mà làm visa thông thường thì khách gặp phải rất nhiều thủ tục và mất thời gian. Đây là cản trở lớn đối với việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam", ông Hoàng Nhân Chính phân tích.
Cần có trang thông tin chính thống về chính sách thị thực
Trưởng ban Thư ký TAB Hoàng Nhân Chính cũng cho biết thêm, do hiện nay chúng ta chưa có trang web chính thức nào công bố toàn bộ các quy định của Chính phủ Việt Nam về thị thực (miễn thị thực, thị thực điện tử, thị thực cửa khẩu…).
"Vì thế, nhiều du khách không biết vào đâu để lấy thông tin. Nên chăng đưa vào luật quy định hẳn cho một cơ quan chính thức xây dựng trang we để cung cấp thông tin về thị thực cho du khách".
Chúng ta đã có những thay đổi tích cực về việc cấp thị thực điện tử, nhưng việc công bố ra quốc tế còn hạn chế, vì thế khách quốc tế tại nhiều nước đang đói thông tin về du lịch Việt Nam. "Vừa rồi chúng tôi đến Séc, quốc gia đã được cấp thị thực điện tử, vậy mà nhiều doanh nghiệp du lịch của họ vẫn hỏi xin về thủ tục cấp thị thực như thế nào. Họ không biết về thị thực điện tử của chúng ta và không biết vào trang web nào để lấy thông tin" - ông Hoàng Nhân Chính cho biết thêm.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, qua khảo sát, tại các trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, trong đó có những thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam đều không cập nhật đầy đủ những thông tin mới nhất liên quan đến chính sách thị thực.
Có nhiều Đại sứ quán chưa đưa hết được 80 nước trong diện được miễn thị thực điện tử, họ vẫn đưa thông tin 40 nước.
"Thậm chí có nhiều nước đã được miễn thị thực rồi nhưng Đại sứ quán của mình ở nước đó vẫn chưa đưa thông tin để người dân họ biết. Có Đại sứ quán có tới 3, 4 trang web khác nhau và các thông tin không thống nhất…dẫn tới sự khó khăn trong việc tìm thông tin của du khách."
31/12 tới đây, chính sách miễn thị thực cho du khách từ một số thị trường sẽ hết hạn, trong đó có 3 thị trường trọng điểm là Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên Bang Nga.
Hoàng Nhân Chính
Do đó, Việt Nam cần phải có một trang thông tin chính thống của quốc gia thông báo nhanh chóng những thông tin về thị thực và điều này cần được quy định rõ trong Luật xuất nhập cảnh...
Liên quan đến việc cấp thị thực tại cửa khẩu của Việt Nam hiện nay, Trưởng ban Thư ký TAB đánh giá rằng, chúng ta thực hiện chưa tương đồng với thông lệ quốc tế. Với các nước trên thế giới, cấp thị thực cửa khẩu không cần phê duyệt nhân sự mà chỉ cần mang hộ chiếu đến cửa khẩu, đóng tiền tại cửa khẩu và được nhận luôn để vào nước đó.
Còn Việt Nam thì phải xin phê duyệt nhân sự trước mà muốn được phê duyệt nhân sự thì phải có một đơn vị mời họ vào. "Như thế thì không phải là thị thực tại cửa khẩu. Khái niệm này không tương đồng với quốc tế và các nước ASEAN. Hiện nay các nước ASEAN họ đang làm tốt điều này nên được xếp hạng khá cao trong khả năng cạnh tranh về thị thực".
Đặc biệt, theo Trưởng ban Thư ký TAB Hoàng Nhân Chính, hiện những người trong ngành du lịch đang lo lắng trước thông tin về việc đến ngày 31/12/2019 sẽ hết hạn miễn thị thực cho du khách từ một số thị trường. Trong đó có 3 thị trường quan trọng đến du lịch Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên bang Nga.
Nếu Chính phủ không có động thái gia hạn thị thực ngay từ bây giờ để du khách các nước này yên tâm với chính sách miễn thị thực trong 15 ngày thì số lượng khách từ các thị trường kể trên đến Việt Nam dự đoán sẽ giảm từ 30-50%, khi bị tác động bởi sự phiền phức của chính sách thị thực - ông Hoàng Nhân Chính cho biết./.
Đầu tháng 12 tới, tại Hà Nội sẽ diễn ra Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần thứ 2 năm 2019 với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh," . Trong khuôn khổ sự kiện này, các đại biểu, chuyên gia sẽ cũng thảo luận về vấn đề tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh..