Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giữ tiếng cồng chiêng cho đời sau

04/05/2023 | 08:38

Sau nhiều năm tưởng như mai một, tiếng cồng tiếng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) được đánh thức nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, theo đó từng bước khôi phục văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cồng chiêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My không chỉ là nhạc cụ, mà còn là vật thiêng, là nơi thần linh ngự trị. Thanh âm mộc mạc phát ra từ những vật thể bằng đồng ấy làm nức lòng người bởi nó biểu hiện sức mạnh, khí thế cộng đồng…

Thể hiện bản sắc văn hóa và đời sống tâm linh

Với vốn kiến thức phong phú cùng niềm đam mê nhạc cụ truyền thống từ nhỏ, ông Hồ Văn Thọ (ở thôn 1, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My) được xem là nghệ nhân cồng chiêng của xã.

Ông Thọ đã có quãng thời gian dài để trau dồi, học hỏi nghệ thuật đánh cồng chiêng từ những người có thâm niên trong làng. Điều mà ông mong muốn nhất là có thêm nhiều người tâm huyết để có thể luôn đánh thức tiếng cồng chiêng.

"Từ lúc học lớp 5, lớp 6, tôi đã đi theo các bậc cao niên trong làng tới các hội, các làng để xem đánh cồng chiêng nên kiến thức tích lũy về cồng chiêng cũng kha khá. Bây giờ, lứa tuổi như tôi trở xuống có rất hiếm người am hiểu và chơi được cồng chiêng theo kiểu truyền thống của người Ca Dong ngày xưa", ông Thọ chia sẻ.

Giữ tiếng cồng chiêng cho đời sau  - Ảnh 1.

Cồng chiêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My không chỉ là nhạc cụ, mà còn là vật thiêng, là nơi thần linh ngự trị. Thanh âm mộc mạc phát ra từ những vật thể bằng đồng ấy làm nức lòng người bởi nó biểu hiện sức mạnh, khí thế cộng đồng…

Theo già làng Y Xia (thôn 1, xã Trà Dơn), mỗi năm cồng chiêng được đánh 2 lần vào dịp lúa mới và tỉa hạt, nhà có điều kiện hơn thì đánh tại rẫy quế để chào đón thần linh phù hộ mùa màng. Chiêng còn được mang ra để giao duyên, thể hiện tình cảm của các chàng trai đối với cô gái mà họ để ý. Nếu không có dịp gì đặc biệt, cồng chiêng chỉ được treo, thờ trong nhà.

Tại xã Trà Dơn, người Ca Dong chiếm 91,56% dân số toàn xã. Đối với người Ca Dong, cồng chiêng không chỉ là di sản phi vật thể quý báu, mà còn là tài sản giá trị, mang màu sắc văn hóa truyền thống độc đáo và thiêng liêng.

Trao truyền cho thế hệ trẻ

Sau thời gian dài sử dụng tạm bộ cồng chiêng cũ với những vết hoen ố và sức mẻ, nay đồng bào Ca Dong của hai xã Trà Dơn và Trà Don phấn khởi tiếp nhận bộ cồng chiêng mới do huyện Nam Trà My tặng.

Vội trở về từ buổi gặp mặt người có công ở huyện để chuẩn bị lễ cúng thần linh, già Y Xia không giấu niềm tự hào khi ra mắt thần linh bộ chiêng bóng loáng.

Trong lễ cúng, già Xia dõng dạc mời gọi thần linh, ma cỏ, đất trời và tụ họp dân làng; lời cúng bái hòa với tiếng chiêng, tiếng trống càng lúc càng nhanh, giòn dã. Vây quanh ông, những cô gái Ca Dong thể hiện "Pi ỏ dương ti tí" (điệu múa sum vầy) đầy sức sống. Những tiếng chiêng, điệu múa phấn khởi như niềm vui của đồng bào khi được sống dậy những ngày hội làng ngay giữa mùa nắng gắt.

"Có chiêng có cồng mới phải gọi Giàng đến chung vui, sau nuôi heo nuôi gà phát triển, cho dân làng no ấm. Tiếng cồng tiếng chiêng ma cỏ thích, đất trời cũng thích, ma cũng vui, dân làng cũng vui, trời đất cho nắng ít mưa nhiều, mùa màng xanh tốt", già Xia tâm sự.

Giữ tiếng cồng chiêng cho đời sau  - Ảnh 2.

Một buổi học đánh cồng chiêng tại xã Trà Dơn.

Năm 2022, huyện Nam Trà My cũng đã nghiệm thu, bàn giao 2 bộ cồng chiêng cho các xã Trà Linh và Trà Leng, với kinh phí gần 189 triệu đồng, trong đó xã Trà Linh 1 bộ gồm 12 nhạc cụ và Trà Leng 1 bộ gồm 9 nhạc cụ.

Theo Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 22/10/2021 của UBND huyện Nam Trà My về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng các dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, toàn bộ 10 xã có đội cồng chiêng; 100% các đơn vị trường học được phổ biến kiến thức về văn hóa cồng chiêng; tổ chức các liên hoan cồng chiêng cấp xã, huyện…

Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Dơn cho biết, xã đã triển khai quyết liệt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa của xã Trà Dơn cũng như dân tộc Ca Dong. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cũng thường xuyên quan tâm, nghiên cứu và hướng dẫn thực hiện việc bảo tồn cồng chiêng nói riêng và văn hóa nói chung.

"Công tác bảo tồn văn hóa nói chung và cồng chiêng nói riêng mặc dù được quan tâm nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do những người am hiểu đã khuất hoặc đã lớn tuổi, không bảo đảm sức khỏe truyền dạy. Do đó, việc huyện hỗ trợ cồng chiêng và mời nghệ nhân tập luyện cho bà con nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho xã có nguồn lực, cơ sở để duy trì nét văn hóa này", ông Lợi nói.

Theo ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể là việc làm thường xuyên của huyện bằng cách triển khai nhiều đề án về công tác bảo tồn.

"Chúng tôi tiếp tục cân đối ngân sách từ đầu năm để phân bổ cho các xã, đây là nỗ lực rất lớn của địa phương. Để làm được việc này đòi hỏi huyện phải đầu tư kinh phí, nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, bảo đảm cho nghệ nhân tập huấn, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học để thể hệ trẻ tiếp cận sớm, giữ tiếng cồng chiêng cho đời sau", ông Phước nhấn mạnh.

P.Thiện - H.An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×