Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa con người Yên Bái trên chặng đường mới

08/02/2022 | 14:10

Yên Bái là vùng đất được biết đến bởi những dấu ấn riêng biệt - đặc biệt về văn hóa. Đó cũng chính là nền tảng tinh thần, động lực để con người Yên Bái vươn tới giàu mạnh, văn minh, vững bước trên chặng đường mới.

Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa con người Yên Bái trên chặng đường mới - Ảnh 1.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật xòe Thái ở Yên Bái

Quan điểm của Đảng ta về văn hóa

Việt Nam là quốc gia có truyền thống văn hiến lâu đời. Quá trình dựng nước và giữ nước, các thế hệ cha ông đã lưu lại kho tàng di sản văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú. Văn hóa được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, tạo thành bốn vấn đề chủ yếu của cuộc sống và việc bảo tồn các di sản văn hóa rất được coi trọng nhằm thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển, tạo nền tảng tinh thần cho xã hội, sức mạnh đoàn kết toàn dân, niềm tự hào về truyền thống, sức mạnh của quốc gia. Do đó, qua các thời kỳ cách mạng Đảng ta tiếp tục phát triển, bổ sung hoàn thiện các quan điểm để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ngày thêm phong phú, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trở thành lực lượng lãnh đạo đất nước, trong các nghị quyết và cương lĩnh của Đảng đều nhất quán chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, từ tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Và cũng chính từ đó, Đảng không chỉ đổi mới tư duy trong kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà trong văn hóa cũng có sự đổi mới.

Quan điểm lớn bao trùm nhận thức mới của Đảng về văn hóa được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII khi xác định một trong 6 đặc trưng chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng là: “Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định đặc trưng nêu trên của Chủ nghĩa xã hội, đồng thời xác định phương hướng “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Phát triển, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật; khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ, phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, đấu tranh chống những biểu hiện phản văn hoá. Bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân. Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7-1998) đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khẳng định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Yên Bái phát huy bản sắc văn hóa con người trên chặng đường mới

Những quan điểm trên của Đảng về văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá, di tích lịch sử văn hóa, nhất là trong 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn là cơ sở để các cơ quan nhà nước ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý văn hóa và di sản văn hoá, có tác dụng to lớn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Không nằm ngoài quy luật đó, Yên Bái là vùng đất được biết đến bởi những dấu ấn riêng biệt - đặc biệt về văn hóa. 30 dân tộc trên mảnh đất Yên Bái anh hùng đều mang những bản sắc văn hóa riêng. Đó là vùng đồng bào Tày ở Yên Bình, Lục Yên; vùng đồng bào Dao ở Văn Yên; vùng đồng bào Thái ở khu vực cánh đồng Mường Lò - Nghĩa Lộ, Văn Chấn; vùng đồng bào Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải…

Hiểu được những giá trị của bản sắc văn hóa, đặc biệt là sức mạnh văn hóa trong quá trình phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu phát huy bản sắc văn hóa gắn với xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo sức mạnh nội sinh cho sự nghiệp đổi mới và phát triển. Như vậy, bản sắc con người Yên Bái không chỉ là mục tiêu mà còn là giải pháp để Yên Bái đổi mới, phát triển. Đảng bộ tỉnh đã đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố con người Yên Bái trong giai đoạn mới - là sự chuẩn bị tích cực và chủ động nhất nguồn nhân lực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Xây dựng hình ảnh con người Yên Bái với những phẩm chất tốt đẹp "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” cũng chính là làm cho người dân Yên Bái trở nên phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, đạo đức, thể chất, tâm hồn, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; làm cho người dân Yên Bái có hiểu biết sâu sắc, tự hào về truyền thống và văn hóa của các dân tộc trong tỉnh.

Yên Bái tự hào và vinh dự khi mới đây, Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Hội nghị trực tuyến Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO. Tại Kỳ họp, các thành viên Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đánh giá Hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái đáp ứng đủ những tiêu chí để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, múa Xòe là hoạt động nghệ thuật đặc trưng của người Thái thuộc các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Nghệ thuật Xòe Thái góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong việc bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác; khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến Di sản, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái và các địa phương có đông đồng bào người Thái sinh sống đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại.

Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa con người Yên Bái trên chặng đường mới - Ảnh 2.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - trao tặng Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải cho tỉnh Yên Bái.

Trong những ngày đầu năm mới 2022, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải” cho tỉnh Yên Bái, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và trao chứng nhận “Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và chứng nhận "Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái" là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có ý nghĩa quan trọng, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, góp phần tạo thuận lợi cho công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái; đồng thời, đặt ra trách nhiệm đối với tỉnh, với các cấp, các ngành và huyện Mù Cang Chải trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được gìn giữ, bồi đắp những giá trị mới, được thế giới biết đến và ghi nhận. Phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng của quê hương, được sự quan tâm của Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân Yên Bái đã tận dụng cơ hội, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, làm ngời sáng diện mạo quê hương. Nhiều khu đô thị cao tầng hiện đại, phố phường sầm uất. Những thôn, xóm, tổ dân phố nghèo nàn, lạc hậu nay đã trù phú, nhà cửa khang trang, đường nhựa, đường bê tông sạch đẹp, đời sống của người dân no ấm, hạnh phúc, vui tươi. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt, nhiều cách làm sáng tạo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt những thành tựu to lớn, nổi bật, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.

Với điểm tựa là truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương, trước những thời cơ mới đang mở ra, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người Yên Bái. Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tài nguyên văn hóa của Yên Bái sẽ được khai thác đúng hướng, hiệu quả. Qua đó, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, mà còn lan tỏa, quảng bá rộng rãi hình ảnh, những bản sắc độc đáo, riêng có của con người và vùng đất Yên Bái tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo Cổng TTĐT Yên Bái

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×