Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Gìn giữ nghệ thuật làm đàn Tính

03/12/2024 | 08:35

Cây đàn Tính (còn gọi là Tính tẩu) là loại nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái nói chung. Đàn được dùng trong đời sống tâm linh, trong lễ hội, hát xướng, giao duyên, kết bạn. Cây đàn Tính trong âm nhạc của người Tày giữ vị trí và vai trò quan trọng. Cùng với hát Then, tiếng đàn Tính đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là niềm tự hào của cộng đồng người Tày, Nùng, Thái.

Cây đàn chung thủy trước sau

Người Tày, Nùng, Thái lưu truyền sự tích về cây đàn Tính của dân tộc mình như sau. Ngày xưa, có một chàng trai côi cút, rất nghèo đến nỗi không một tấc đất cắm dùi. Một hôm trên đường đi ăn xin chàng gặp một ông cụ già tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào khỏe mạnh như một vị tiên giáng trần. Cụ mời chàng vào nhà, mời ở lại ăn cơm rồi thân mật hỏi chuyện về hoàn cảnh riêng tư của chàng. Chàng kể: cha mẹ mất sớm, không ruộng nương, nhà cửa, người thân, ngày ngày phải vào rừng đào củ mài, củ bình vôi để nuôi thân. Với tấm lòng nhân ái, ông cụ đem cho chàng một ống gạo, một cành lá dâu, năm hạt bầu và dặn: "Sau này anh sẽ có của ăn của để, nhưng anh phải làm theo mấy điều: Về nhà lấy năm hạt bầu này trồng, khi nào ra quả không được ăn non. Cành dâu anh trồng cho mọc, lá tỏa tán tứ phía anh không được chặt. Quả bầu khi về già để làm cái bầu đàn, còn gốc dâu thì đẽo làm cán. Lá để nuôi tằm, tơ để làm giống tạo thành một cây đàn Tính réo rắt tiếng tơ.

Gìn giữ nghệ thuật làm đàn Tính - Ảnh 1.

Cây đàn Tính gắn bó với tiếng hát Then không thể tách rời

Khi chàng trai làm xong chiếc đàn, cả làng say sưa kéo đến nghe chàng tập hát, tập đàn. Một cô gái sống cuộc đời tần tảo yêu anh, làng xóm vun đắp cho mối tình của hai người. Cây đàn Tính trước kia có năm dây tạo thành nhiều cung bậc trầm bổng, thánh thót, réo rắt quá làm cho nhiều người mê mẩn không thiết tha làm việc. Anh chàng đến gặp ông cụ già nhờ bỏ bớt hai dây đàn, giữ lại ba dây cho đến tận ngày nay. Ba dây đó gồm: dây tiền, dây hậu và dây trung. Tiền, hậu, trung có ý nghĩa là có trước, có sau và chung thủy, trung thành, không bội bạc.

Theo lịch sử, vào khoảng thế kỷ XV – XVI khi nhà Lê và Mạc tranh chấp, vua nhà Mạc thất thế lên chiếm cứ Cao Bằng, gây dựng triều đại phong kiến nhà Mạc. Do vùng đất này quá xa kinh đô sầm uất Thăng Long, cộng thêm tư tưởng chiến bại, vua quan nhà Mạc buồn bã, quân lính mệt mỏi nhớ nhà, vì thế họ cũng thấy có nhu cầu sinh hoạt văn hóa. Họ phát hiện vùng Cao Bằng từ xa xưa vốn đã có cây đàn Tính, đang được nhân dân sử dụng làm cho đời sống văn hóa thêm phong phú, người dân thêm lạc quan… Nhà vua cho tuyển những cây đàn với nam thanh nữ tú lên cung đình phục vụ. Nhà vua cắt cử trạng nguyên Bế Văn Phụng làm quản nhạc coi sóc các nhạc công, ca sĩ, kĩ nữ; cắt cử một danh sĩ tên Đạt họ Mã chuyên đặt lời cho đàn Tính gọi là hát Then. Từ đó, đàn Tính, hát Then như là một loại nhã nhạc cung đình của nhà Mạc.

Trải qua năm tháng lịch sử thăng trầm, nghệ thuật hát Then, đàn Tính được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 12/12/2019.

Đã nói đến hát Then thì không thể thiếu cây đàn Tính. Tiếng đàn vừa là dẫn dắt, vừa là đệm nhưng đồng thời cũng là một giọng hát thứ hai, bổ sung cho giọng hát của người nghệ sĩ diễn xướng.

Gìn giữ nghệ thuật làm đàn Tính - Ảnh 2.

Nghệ nhân Ma Doãn Khánh thực hành làm đàn Tính

Gìn giữ nghệ thuật làm đàn Tính

Tuy nhiên, mỗi dân tộc (Tày, Nùng, Thái) tại mỗi địa phương lại lưu truyền kỹ thuật làm đàn khác nhau. Làm đàn Tính phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp.

Nghệ nhân làm đàn tính Ma Doãn Khánh (dân tộc Tày) ở thôn Nà Chèn, xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là đời thứ 7 làm đàn Tính. Nghệ nhân chia sẻ, đàn Tính gồm các bộ phận chính là bầu đàn làm bằng già nửa quả bầu khô, cần đàn thường làm bằng gỗ thừng mực, dây đàn thì làm bằng tơ se. Làm đàn Tính khó nhất là tìm quả bầu. Phải chọn được quả bầu không quá to, cũng không quá nhỏ, miệng phải tròn, có chu vi từ 60 - 70 cm, phải là quả già, hình dáng bên ngoài tròn đẹp, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh, như thế đàn mới có âm sắc chuẩn.

"Trước kia các cụ dùi lỗ ở đáy đàn nên khi đánh, ôm vào người, tiếng không thoát ra được. Có 6 điểm đục lỗ, mỗi điểm 9 lỗ, xung quanh có 54 lỗ tất cả. Quả bé thì khoan lỗ bé, quả to khoan lỗ to để đàn có thể thoát âm. Khi nào đàn lên, nghe thấy âm nó đạt là được, nếu chưa được mình phải dùi thêm"- nghệ nhân Ma Doãn Khánh cho biết.

Gìn giữ nghệ thuật làm đàn Tính - Ảnh 3.

Nghệ nhân Ma Doãn Khánh thực hành làm đàn Tính

Công đoạn tiếp theo là làm nắp đàn. Nắp đàn là một tấm gỗ nhẹ, thường dùng gỗ cây hoa sữa (phần thân), có nơi làm bằng gỗ cây vông, vì gỗ mềm để tạo tiếng vang, dày khoảng 3 mm. Trước kia, chưa có keo dính, người Tày phải vào rừng để kiếm nhựa cây hồng. Việc lấy nhựa cây không phải mùa nào cũng có bởi một năm chỉ có một mùa.

Theo nghệ nhân Ma Doãn Khánh, đối với đàn Tính, âm chuẩn hay không phải dựa trên kinh nghiệm và cái tai biết thẩm thấu của người thợ đàn. Do đó, muốn có được cây đàn tốt, thanh âm chuẩn thì người thợ còn phải là người biết hát các điệu Then, những quãng âm, nhạc lý cơ bản. Với nghệ nhân Ma Doãn Khánh, vừa biết hát điệu Then, vừa biết đánh đàn Tính, nên việc chỉnh dây đàn thường không mất nhiều thời gian. Sau khi hoàn thiện cây đàn Tính, ông lại gẩy một điệu Then để kiểm tra chất lượng âm thanh của đàn.

Gìn giữ nghệ thuật làm đàn Tính - Ảnh 4.

Du khách thích thú với đàn Tính

So với trước đây, nghệ nhân Ma Doãn Khánh chỉ thấy tiếc là dây đàn không còn được làm sợi tơ tằm nữa nên phải dùng dây cước. "Dây tơ có âm thanh trong trẻo, cổ xưa. Nhưng bây giờ dây tơ không kiếm được nữa"- nghệ nhân Ma Doãn Khánh tiếc nuối.

Cũng theo nghệ nhân Ma Doãn Khánh, điều suy tư nữa là việc truyền nghề cho thế hệ đời thứ 8 của gia đình làm đàn Tính. Hiện nghệ nhân Khánh có 4 người con nhưng hiện nay chưa truyền nghề cho ai do các con đều đi làm ở các khu công nghiệp. Làm sao để truyền lại nghề của tổ tiên cho con cháu, để gìn giữ tiếng đàn Tính là một suy tư của nghệ nhân Ma Doãn Khánh. Tuy nhiên, nghệ nhân Ma Doãn Khánh tin tưởng, với sự quan tâm của các cấp trung ương và địa phương, việc hát Then, đàn Tính ngày càng được phát triển, lan tỏa rộng rãi, cùng với đam mê của bản thân mình, sẽ truyền được nghề của tổ tiên cho con, cháu, góp phần gìn giữ, lan tỏa nghệ thuật hát Then, đàn Tính./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×