Giao lưu văn hóa qua tác phẩm văn học là hiệu quả nhất
06/12/2019 | 20:45Sáng 06/12, tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Văn học (Việt Nam) và Viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế "Việt Nam - Liên bang Nga: giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa".
Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hữu nghị lâu đời, hợp tác toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội. Năm 2019 là năm kỷ niệm 220 năm ngày sinh Đại thi hào A.S. Pushkin, năm tôn vinh "Việt Nam trong lòng nước Nga và nước Nga trong lòng Việt Nam".
Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm, Hội thảo được tổ chức là sự tiếp nối thành công của Hội thảo Việt Nam, châu Âu giao lưu văn hóa, văn học đã tổ chức tại Nga hồi tháng 6/2019.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp- Viện trưởng Viện Văn học, cho biết, thời gian gần đây giao lưu văn hóa - văn học giữa hai nước đã được thực hiện hiệu quả, với sự ra đời của Quỹ hỗ trợ và quảng bá văn học Việt Nam và văn học Nga, cùng đó là sự góp mặt của nhiều dịch giả, các nhà nghiên cứu đến từ Liên bang Nga và Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng của mối quan hệ văn hóa qua văn học, mang đến niềm hy vọng mới về một tương lai tốt đẹp hơn của văn hóa Việt Nam và văn hóa Nga.
Nhân dịp này, bà Natalia Shafinskaya- Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, một lần nữa khẳng định vai trò của các dịch giả cũng như các nhà xuất bản… đã góp phần vào việc phổ biến tác phẩm văn học Nga vào Việt Nam. Những ý kiến tại Hội thảo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa hai nước cũng như văn hóa qua các tác phẩm văn học. Bà chia sẻ, hiện tại Nga có nhiều tác phẩm văn học mới, phản ánh được cuộc sống đương đại nên bà đề xuất dịch các tác phẩm văn học này sang tiếng Việt.
Qua Hội thảo, bà Natalia Shafinskaya bày tỏ mong muốn Viện Văn học sẽ đề xuất với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nghiên cứu nhiều hơn về văn học đương đại, qua đó cung cấp thông tin cho độc giả Việt Nam. Cùng với Đại sứ quán Nga, Trung tâm Văn hóa Nga tại Việt Nam, phổ biến văn học Nga tại Việt Nam và văn học Việt Nam tại Nga. Thế hệ trẻ Nga cũng như thế hệ trẻ Việt Nam hiện rất thiếu thông tin về cuộc sống đương đại, mà để tiếp cận với những thông tin đó không gì hiệu quả bằng thông qua tác phẩm văn học.
Hơn 50 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài tập trung thảo luận xung quanh các chủ đề chính như Việt Nam học và Nga học qua các chặng đường lịch sử; Tiếp nhận sáng tác và lí luận phê bình văn học Nga ở Việt Nam; Văn học Việt Nam ở Liên bang Nga…
Tại Hội thảo, PGS.TS La Khắc Hòa đã nói rõ về sự tiếp nhận các lý thuyết văn nghệ Nga-Xô Viết từ năm 1986 đến nay tại Việt Nam, GS. Hà Minh Đức chia sẻ về những kỷ niệm trong hai cuộc hội thảo được tổ chức tại Liên Xô (1988) và Nga (2002), cùng đó là phần nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn về nhà văn, nhà nghiên cứu Niculin Nicolai Ivanovich- người dành nhiều tình cảm cho đất nước Việt Nam với nửa thế kỷ nghiên cứu văn hóa - văn học Việt Nam, GS.TS Trần Đình Sử với tiếp nhận thi pháp học Nga ở Việt Nam, dịch giả Thúy Toàn với ý kiến về Văn hóa Việt Nam được dịch và quảng bá tại Nga…
Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam - Liên bang Nga: giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa là diễn đàn đánh giá, tổng kết những thành tựu đã đạt được trong giao lưu, hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Nga đồng thời tập trung chỉ ra triển vọng hợp tác, trao đổi khoa học, đào tạo giữa Viện Văn học và Viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki.