Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giáo dục lý tưởng cho thanh niên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

15/09/2023 | 14:40

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta một văn kiện lịch sử vô giá, đó là bản Di chúc lịch sử. “Bản Di chúc tuy rất ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động của Hồ Chí Minh” (1). Một nội dung quan trọng được đề cập đến trong Di chúc...

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì phấn đấu để thực hiện mục tiêu lý tưởng của mình là: Tổ quốc được độc lập thống nhất, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó” (2); hay “Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ” (3). Trong Di chúc, Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” (4).

Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, là lớp người gánh vác vận mệnh của đất nước, tiền đồ của dân tộc. Bởi vậy, đối với thanh niên, việc xác định lý tưởng đúng đắn là vấn đề rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?” (5). Thanh niên chúng ta sống phải có lý tưởng cao thượng, mà muốn có lý tưởng cao thượng thì phải có lập trường dứt khoát, rõ ràng về cái sống và cái chết, về cống hiến và hưởng thụ. Bác chỉ rõ: “Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta” (6). Nếu không giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên thì sẽ không có người gánh vác công việc của cách mạng. Vì vậy, trong Di chúc, Người căn dặn: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (7). Trong nội dung giáo dục bồi dưỡng về đạo đức cách mạng cho thanh niên, có giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng.

Giáo dục lý tưởng cho thanh niên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc. Lòng yêu nước đó là sự kết tinh của tinh thần giác ngộ cách mạng, giác ngộ về quyền lợi dân tộc và quyền lợi giai cấp vô sản, là sự kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Bác nhấn mạnh: Người có lòng yêu nước nồng nàn phải có sự nhất trí cao trong việc giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa dân tộc - giai cấp - gia đình, khi cần thiết dám hy sinh lợi ích của riêng mình vì lợi ích của dân tộc, của giai cấp; phải có tình yêu lớn - yêu nước, yêu nhân dân, yêu giai cấp; phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tất cả những cái đó không tách rời nhau, mà kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành tinh thần yêu nước sâu sắc và cao đẹp của con người.

Thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có dũng khí chiến đấu, kiên cường bất khuất, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, dám xả thân vì cách mạng, vì nhân dân, vì nghĩa lớn. Từ kinh nghiệm của bản thân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những đức tính đầu tiên của người cộng sản, đó là sự tận tụy và lòng trung thành. Chỉ có sự tận tụy thì mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng trong chiến đấu cũng như trong sản xuất hay bất cứ công tác cách mạng nào. Tận tụy gắn liền với lòng trung thành đối với lý tưởng. Đó là lòng trung thành đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với Đảng, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Lòng trung thành còn phải được nâng lên thành đức hy sinh, xả thân vì cách mạng. Không có đức tính hy sinh, không phải là người cách mạng chân chính. Muốn thực hiện lý tưởng mà không dám hy sinh thì chỉ là nói suông. Khi thanh niên đã biết quên mình vì lý tưởng thì họ có nghị lực, có sức mạnh phi thường. Biết bao lớp thanh niên đi trước đã ngã xuống như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Cù Chính Lan, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi,... Có sự hy sinh của lớp người đi trước, mới có thành quả cách mạng ngày nay.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cách mạng phải có tổ chức, có tổ chức mới có sức mạnh. Có tổ chức chặt chẽ thì một trăm người có sức mạnh bằng ba, bốn trăm người. Hồ Chí Minh nêu rõ, một trong những yêu cầu không thể thiếu được của người cách mạng là phải có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Ý thức tổ chức kỷ luật bao giờ cũng gắn liền với tinh thần tập thể. Mỗi cán bộ, đảng viên không được đứng ra ngoài tập thể, đứng trên tập thể mà phải ở trong lòng tập thể. Người có tinh thần kỷ luật tự giác cao bao giờ cũng là người có tinh thần tập thể cao.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, người cán bộ cách mạng có tình cảm cách mạng, có dũng khí chiến đấu, có đức hy sinh, có ý thức tổ chức kỷ luật chưa đủ, mà còn phải quyết tâm học tập để hiểu biết về cách mạng, nắm vững những tri thức khoa học cách mạng. Tri thức cách mạng tức là trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Nắm vững tri thức cách mạng tức là phải hiểu và nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chính sách của Đảng, am hiểu tình hình thực tiễn, có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Do ít hiểu biết tình hình trong và ngoài nước, ít nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho nên gặp thuận lợi thì dễ lạc quan tếu, gặp khó khăn thì dễ dao động, bi quan, lập trường cách mạng không vững vàng, thiếu tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo” (8). Sáng tạo là biểu hiện của tinh thần độc lập, tự chủ, của tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng cao. Bác yêu cầu: Thanh niên phải ra sức học tập khoa học, kỹ thuật hiện đại của thế giới để nhanh chóng xây dựng đất nước thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

Trải qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của tình hình thế giới và trong nước, một bộ phận cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lý tưởng, niềm tin không rõ ràng, mất phương hướng. Kinh tế thị trường và việc mở rộng quan hệ, giao lưu quốc tế đã thúc đẩy sự phân hóa về lối sống và nảy sinh một số tiêu cực, như mơ hồ về chính trị, sống thực dụng, đơn thuần chạy theo lợi ích vật chất, phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức và lối sống, tâm lý sùng ngoại, coi thường truyền thống, coi thường bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nhất là đối với một bộ phận thanh niên, sống bàng quan, vô trách nhiệm đối với xã hội, lười lao động, thích ăn chơi, cờ bạc, nghiện hút. Một số thanh niên khác thì lao vào kiếm tiền với bất cứ giá nào, bất chấp đạo lý làm người, sống ích kỷ, coi thường truyền thống, coi thường giá trị nhân văn. Không ít thanh niên trở nên hung bạo, dễ gây tội ác. Ý thức phấn đấu chính trị của một bộ phận thanh niên giảm sút, không thiết tha phấn đấu vào Đảng. Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản cho cán bộ, đảng viên nói chung, cho thanh niên nói riêng.

Mục đích giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên để thế hệ tương lai của nước nhà có nhận thức đúng đắn về con đường cách mạng Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Mặt khác, định hướng cho thanh niên trong hành động, nâng cao ý chí, nghị lực, quyết tâm thực hiện mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, không sợ khó khăn gian khổ, hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, đi đầu trong mọi việc để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để thanh niên thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng xã hội mới, cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và cần phải trau dồi đạo đức cách mạng. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức chính là cái gốc, cái nền cơ bản của người cách mạng, không có cái gốc, cái nền đó không thể trở thành người cách mạng chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

Giáo dục lý tưởng cho thanh niên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Giáo dục lý tưởng cộng sản cho thanh niên là nội dung quan trọng trong trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL.

Để tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thanh niên cần hướng vào việc tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên; xây dựng chuẩn mực đạo đức và định hướng giá trị mới cho thanh niên theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, cần đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng, tiếp thu những kiến thức về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội, làm chủ khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiến tới chủ động và sáng tạo vươn lên tiếp cận và làm chủ cái mới trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện. Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống của người Việt Nam.

Chú trọng xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đội dự bị tin cậy của Đảng. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để giải quyết được nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, lấy thanh niên là chủ thể sáng tạo các hoạt động, tổ chức các hoạt động luôn vì lợi ích chính đáng của thanh niên.

Đồng thời, thường xuyên khơi dậy, phát huy sự nỗ lực phấn đấu của mỗi thanh niên trong học tập, lao động và cuộc sống; không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân hữu ích, thành viên tốt trong gia đình, tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Văn Đồng, “Bản Di chúc bất hủ sáng ngời tính thời sự”, Báo Nhân dân, ngày 19/5/1997.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 272.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 201.

4, 7. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 623, 622.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 265.

6, 8. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 467, 29 - 30.

Theo dangcongsan.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×