Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng: Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh
27/02/2023 | 11:25Sáng 27/2, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 80 năm ngày ra đời bản Đề cương về văn hoá Việt Nam, Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển".
Chủ trì Hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn.
Tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa
Phát biểu khai mạc, chỉ đạo và đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã hun đúc, hình thành nên một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, mang đậm truyền thống quý báu của dân tộc ta, thể hiện nổi bật phẩm chất, lương tri, trí tuệ, bản lĩnh và khí phách của con người Việt Nam.
Từ trong cội nguồn sâu thẳm, văn hóa đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, dệt kết nên sức mạnh vĩ đại và trường tồn của sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cùng với lập trường, lý luận khoa học mác-xít mới mẻ về văn hóa, bản Đề cương còn là sự kế thừa và bổ sung hết sức quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh, Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, những chủ trương, đường lối và sự tổng kết thực tiễn lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa của Đảng ta qua các cao trào đấu tranh cách mạng kể từ sau khi thành lập.
Mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đẩy mạnh cao trào phản đế, phản phong, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, bản Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, bản Đề cương có cách đặt vấn đề ngắn gọn nhưng đã trình bày rất nổi bật quan điểm lý luận, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của một đảng cách mạng về văn hóa khi đảng mới chỉ hơn 13 năm tuổi; khẳng định văn hóa luôn sinh tồn và phát triển trong mối quan hệ biện chứng với kinh tế và chính trị như một quy luật khách quan của mọi thời đại. Quan điểm "văn hóa là một mặt trận" từ bản Đề cương nêu ra đã xác lập vị thế đặc biệt của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa và nhiệm vụ cần kíp "chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân" trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc, phát xít, thực dân và phong kiến tay sai bán nước.
Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hóa mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: "nền văn hóa xã hội chủ nghĩa".
Bản Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh.
Ra đời trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử, bản Đề cương đã khơi dậy tinh thần yêu nước, thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dù khó khăn, gian khổ đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", vùng đứng lên, đập tan xiềng xích nô lệ, làm nên thắng lợi huy hoàng của cuộc Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Với chủ trương "Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Văn nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy", Đảng ta đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước, nhiều người đã từ bỏ con đường "vinh thân, phì gia" sát cánh cùng mọi tầng lớp nhân dân dấn thân đi theo cách mạng, cống hiến tâm huyết, tài năng và sức lực của mình cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, bản Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt, như: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", đúng như đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất", xây dựng một nền văn hóa mới "lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở", "phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân", v.v. trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc sau ngày hòa bình, thống nhất.
"Năm 1943, khi bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, dân tộc ta vẫn chưa giành được độc lập, đất nước ta vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới. Trải qua 80 năm kiên cường đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Trong đó, phải thấy rõ rằng, bất cứ một giai đoạn, một thời điểm lịch sử nào, Đảng ta đều luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, luôn kế thừa, phát huy những luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của bản Ðề cương, không ngừng đổi mới tư duy nhận thức, bổ sung lý luận, hoàn thiện các chủ trương, đường lối về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam", ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương, ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
Khởi nguồn từ tư tưởng "nghệ thuật vị nhân sinh" của bản Đề cương, ngày nay, Đảng ta đã hình thành quan điểm: phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa ấy. Một mặt, văn hóa phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân; mặt khác, cần phải vun đắp cho những tài năng văn hóa nghệ thuật, để có những tác giả với những tác phẩm mang giá trị "đỉnh cao"; kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng về văn hoá, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương
Với sự khởi nguồn từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam về xây dựng một nền văn hóa mới và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn một số vấn đề.
Trong đó, khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, cả phương diện lý luận và thực tiễn, cần tập trung luận giải về nội dung, cách thức để kế thừa và phát huy giá trị của Đề cương trong sự nghiệp xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam trên tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kiên định về mục tiêu, nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về giải pháp, cách làm.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển. Hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người.
Chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển.
"Với ý thức trách nhiệm cao và niềm tin chắc chắn vào thành công của sự nghiệp chấn hưng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tôi tin tưởng rằng các nhà khoa học, các quý vị đại biểu sẽ có những tham luận, thảo luận làm sâu sắc hơn, lan tỏa và phát huy giá trị của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh của Đảng về văn hóa trong giai đoạn phát triển mới của đất nước", ông Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ.