Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Giải pháp Nhật Bản “làm mới” ngành du lịch sau đại dịch

04/01/2024 | 14:45

Năm 2023, ngành du lịch Nhật Bản đã có một năm khởi sắc sau khoảng thời gian trì trệ vì đại dịch Covid-19. Lượng khách tới “đất nước mặt trời mọc” liên tục tăng và vào tháng 10/2023, lần đầu tiên Nhật Bản đón lượng khách trong tháng vượt qua mức trước đại dịch Covid-19.

Nhiều động lực phục hồi du lịch Nhật Bản

Chỉ tính riêng 11 tháng, Nhật Bản đã đón khoảng 23 triệu khách du lịch quốc tế, riêng tháng 11 đón gần 2,5 triệu lượt người. Lượng khách đến chủ yếu từ Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước châu Âu… Số lượng du khách từ Việt Nam đến Nhật Bản từ tháng trong 11 tháng năm 2023 là gần 540.000 lượt người, đánh dấu con số cao nhất từ trước đến nay.

Cách Nhật Bản “làm mới” ngành du lịch sau đại dịch - Ảnh 1.

Mùa hoa anh đào bắt đầu từ giữa tháng 3 hàng năm thu hút khách du lịch.

Về nguyên nhân chính giúp ngành du lịch Nhật Bản phục hồi, đầu tiên là từ tháng 1/2023, tất cả các hoạt động đã trở lại bình thường như trước đại dịch Covid-19, các chuyến bay quốc tế đã hồi phục trên 80%. Thứ hai, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu đi du lịch Nhật Bản tăng mạnh từ cả thị trường Đông Nam Á, Bắc Mỹ, châu Âu và Australia… Thứ ba, đồng Yên Nhật Bản xuống giá khiến sự chênh lệch đồng USD và Yên Nhật Bản có sự chênh lệch lớn. Điều này khiến các sản phẩm và dịch vụ rẻ hơn đối với du khách quốc tế, kích thích họ chi tiêu mua sắm nhiều hơn.

Với đồng Yên "yếu", du khách Mỹ không phải là những người duy nhất được hưởng lợi. Tại Nhật Bản, theo thống kê mức chi tiêu tăng nhiều nhất từ các du khách Philippines - tăng 2,18 lần so với năm 2019. Du khách Hàn Quốc và Singapore cũng chi tiêu gấp đôi số tiền so với mức thông thường của họ trước đây.

Thứ tư, Nhật Bản tiếp tục đầu tư cho các sản phẩm du lịch một cách tốt nhất, quảng bá rộng rãi nhất. Chính những động lực trên đã khiến ngành công nghiệp du lịch của Nhật Bản đã có thu nhập vượt trội, đóng góp vào nền kinh tế vốn đang bị chịu ảnh hưởng lớn của nhiều yếu tố nội tại và khách quan. 

Giải quyết tình trạng quá tải

Cách Nhật Bản “làm mới” ngành du lịch sau đại dịch - Ảnh 2.

Lễ hội cũng là nơi du khách muốn chiêm nghiệm văn hóa Nhật Bản.

Tuy có những kết quả khả quan, luôn chú trọng tới mức độ hài lòng của khách du lịch, nhưng Nhật Bản vẫn chịu áp lực mức độ quá tải về du lịch như thiếu nguồn nhân lực, ùn ứ tại các điểm du lịch nổi tiếng…

Cùng với việc thiếu lao động trong tất cả các lĩnh vực thì nguồn nhân lực để vận hành cho các dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, danh lam thắng cảnh tại Nhật Bản đang thiếu trầm trọng. Tại các điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản như Kyoto, Tokyo, Nikko... du khách sẽ thấy đa phần những người trông giữ bãi xe là người già từ 60 tuổi trở lên. Nhân viên dọn phòng khách sạn cũng thường là người già… Nếu không có giải pháp, ngành du lịch Nhật Bản sẽ phải đối mặt với khó khăn mặc dù có nhiều di sản, danh thắng, nhưng lại thiếu người để thực hiện những công việc duy trì dịch vụ du lịch.

Mặt khác, tình trạng khách du lịch dồn ứ vào cùng thời điểm như mùa hoa anh đào, mùa thu tại một số điểm nổi tiếng cũng là bài toán nan giải. Khách du lịch đôi khi phải đợi hàng giờ để đi bộ đến điểm du lịch. Hiện tại, các chính sách được đề xuất tại Nhật Bản bao gồm: tăng cường dịch vụ đi chung xe; thay đổi linh hoạt lịch trình vận chuyển và mở một số tuyến mới tới các điểm du lịch nổi tiếng…

Cách Nhật Bản “làm mới” ngành du lịch sau đại dịch - Ảnh 3.

Những cung đường mùa thu thu hút khách du lịch tại Nhật Bản

Một số điểm đến du lịch cũng đang giới thiệu các biện pháp kiểm soát đám đông. Ví dụ như tại tỉnh Yamanashi, các cơ quan chức năng giám sát du lịch núi Phú Sĩ đang xem xét những biện pháp để có thể thực hiện mùa leo núi ngoài mùa cao điểm về lượng khách.

Với tình trạng quá tải như vậy, mặc dù Nhật Bản rất coi trọng sự hoàn hảo, nhưng cũng không thể tránh khỏi những sai sót. Trong năm 2024, Nhật Bản sẽ tiếp nhận nhân lực người nước ngoài làm việc tại khách sạn, nhà hàng, khu du lịch nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu du lịch trong và ngoài nước. 

Ứng dụng công nghệ vào du lịch

Trong lịch sử ngành du lịch Nhật Bản, năm 2019 nước này đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục với 32 triệu lượt người. Trung bình mỗi năm du lịch góp khoảng 6-7% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhật Bản đang hy vọng mỗi năm du lịch đóng góp khoảng 35 tỷ USD. Chính vì vậy, Nhật Bản rất quan tâm đến việc quảng bá, làm mới các dịch vụ du lịch.

Theo đó, Nhật Bản rất quan tâm tới việc phát triển hạ tầng giao thông tốt nhất, kết nối các điểm du lịch bằng hệ thống đường cao tốc; đầu tư và cải tạo các cơ sở lưu trú; khôi phục và phát triển các ngành du lịch truyền thống của địa phương; kích cầu du lịch trong nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển du lịch…

Cách Nhật Bản “làm mới” ngành du lịch sau đại dịch - Ảnh 4.

Các đền thờ Nhật Bản là nơi thu hút khách châu Á đến tham quan và nghiên cứu.

Trong việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển du lịch, Nhật Bản đã áp dụng công nghệ để hỗ trợ cho quá trình tiếp nhận hồ sơ và cấp visa, thực hiện chính sách miễn visa cho 68 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, Nhật Bản xây dựng hành lang du lịch mới, cho phép du khách có thể đi đến mọi miền đất nước của Nhật Bản. Để hỗ trợ cho chính sách trên, công ty đường sắt Nhật Bản (JR) đã phát hành loại vé "Japan Railway Pass" nhằm giúp cho các du khách nước ngoài được dễ dàng và thuận tiện hơn khi du lịch tại Nhật Bản. Đây là loại vé đặc biệt, có thể lên xuống thoải mái các tuyến tàu, xe buýt trên toàn quốc do công ty JR vận hành, kể cả Shinkansen với chi phí tiết kiệm nhất.

Nhưng có một yếu tố quan trọng nhất trong ngành du lịch chính là con người. Người Nhật Bản đã nổi tiếng trên thế giới về thái độ phục vụ và phong cách phục vụ. Nhiều du khách đến Nhật Bản cảm thấy rằng chỉ có ở Nhật Bản thì hạnh phúc mới thực sự bắt đầu./.


Theo VOV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×