Giá trị văn hóa Huế là nền tảng quan trọng cho đô thị di sản
26/04/2024 | 10:24Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhằm khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được nâng lên; xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện; môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động văn hóa ngày càng chất lượng, hiệu quả.
Trong đó, công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử được các cấp, các ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, ủng hộ tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được tập trung triển khai hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.104/1.106 khu dân cư đăng ký xây dựng đời sống văn hóa, đạt tỷ lệ 99,8%; Có 298.732/314.440 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 95%.
Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội. Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích, địa điểm được kiểm kê, lập hồ sơ. 7 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh và 163 di tích được xếp hạng (trong đó có 87 di tích cấp quốc gia, 76 di tích cấp tỉnh).
Về nguồn vốn cho tu bổ hệ thống di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, từ năm 2011-2020 là 2.300 tỉ đồng để thực hiện bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng cộng hơn 171 công trình. Từ năm 2021 đến nay được bố trí trong giai đoạn này là gần 547 tỉ đồng để triển khai thực hiện 9 dự án và dự kiến hoàn thành trước năm 2025.
Hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra quy mô, mang đậm giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế thu hút khách du lịch. Tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 500 lễ hội các loại, trong đó có 65 lễ hội tiêu biểu được đưa vào danh mục kiểm kê của Bộ VHTTDL, 25 lễ hội được đưa vào danh mục xúc tiến quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá. Để xứng đáng là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, Thừa Thiên Huế tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, các tour du lịch làng quê, làng nghề. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có số lượng, chất lượng phù hợp.
Trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh trao đổi thông tin, làm rõ hơn các vấn đề Đoàn công tác quan tâm đó là những khó khăn, bất cập hiện nay cũng như việc kiểm tra, giám sát khi thực hiện Nghị quyết 33; sự tác động, sức lan tỏa của Nghị quyết 33 đến với đời sống người dân. Các cơ chế chính sách để trọng dụng, phát huy nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; việc phát huy chủ thể sáng tạo và chủ thể trao truyền văn hóa; những đóng góp văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội; việc lan tỏa những nét đẹp về văn hóa…
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có các kiến nghị về chuyển đổi số trong phát huy giá trị văn hóa; phân bổ các dự án, chương trình để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Huế; kết cấu hạ tầng và thiết chế văn hóa; chỉnh trang, duy tu hệ thống trưng bày kho lưu giữ hiện vật văn hóa; phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số…
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, cho biết: xây dựng và phát triển văn hóa Huế, con người Huế nói riêng và Việt Nam nói chung luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn, nâng tầm thành thương hiệu, thành giá trị sinh kế của người dân như: Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo dài… Những giá trị văn hóa Huế, con người Huế trở thành nền tảng quan trọng, là tiêu chí để hướng tới đô thị di sản tương lai.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông tin những khó khăn của văn hóa cơ sở, nhất là khó khăn về con người và đề nghị Đoàn khảo sát quan tâm, có quyết sách tham mưu Ban Bí thư để đào tạo bồi dưỡng, có vị trí việc làm phù hợp. Đồng thời, điều chỉnh những quy định quản lý chung các thiết chế văn hóa cơ sở; quan tâm đầu tư cho công nghiệp văn hóa; ưu tiên xem xét công nhận các giá trị di sản quốc gia… Mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTTDL tiếp tục quan tâm tạo nhiều cơ chế đặc thù về văn hóa cho Thừa Thiên Huế.
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhất là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác phát triển văn hoá trên địa bàn tỉnh.
“Đảng bộ, Chính quyền Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến văn hóa, nhận thức được vấn đề trọng yếu văn hóa Huế, con người Huế không chỉ của riêng Huế mà là tầm quốc gia Việt Nam. Với 2 Nghị quyết đặc thù của tỉnh để triển khai Nghị quyết 33; việc triển khai thực hiện kiên trì, bám sát Nghị quyết, phát triển văn hóa - giữ nguyên được giá trị hài hòa, đặc sắc, văn hóa không bị phá vỡ khi phát triển kinh tế”- ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.
Tỉnh cũng làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Huế, con người Huế. Cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp góp phần phát triển văn hóa xã hội, đáp ứng yêu cầu là trung tâm văn hóa lớn của quốc gia, khu vực. Những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong 10 năm qua, tin tưởng rằng việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế trong thời gian tới sẽ có bước chuyển biến mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh, xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54.
Với các đề xuất kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến tham gia để xây dựng Đề án xây dựng đề án trình Ban Bí thư hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33.