Gia Lai: Kết hợp du lịch, nâng tầm giá trị nông thôn
14/10/2024 | 11:10Với việc kết hợp du lịch, nhiều khu vực nông thôn ở Gia Lai dần được nâng tầm, từ đó thay đổi bộ mặt nhiều điểm vùng sâu, vùng xa, góp phần kích thích, khai thác tiềm năng du lịch địa phương.
Tận dụng thế mạnh của tỉnh chủ yếu phát triển về nông nghiệp, Gia Lai đang triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, hướng đến đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Những năm gần đây, nhiều mô hình nông nghiệp độc đáo kết hợp với du lịch trở thành điểm nhấn ấn tượng ở các vùng nông thôn. Trong số đó, vườn sầu riêng của anh Nguyễn Chất Sâm Chủ Farmstay Sâm Phát Ia Ly, huyện Chư Păh là người đầu tiên trồng thử nghiệm giống sầu riêng Musang King - được mệnh danh là sầu riêng ngon nhất thế giới. Đang trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm độc đáo của các đoàn du khách đến Gia Lai. Ở đây, du khách được trải nghiệm hái sầu riêng chín mọng, thưởng thức tại chỗ, nghe anh Sâm chia sẻ về cách anh đã trồng, chăm sóc và thu hoạch…Ngoài ra, Gia Lai còn có những vườn nho, cam, mắc ca, ổi vô cùng ấn tượng.
Theo kế hoạch của tỉnh Gia Lai, mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hoá, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 40% điểm du lịch nông thôn được công nhận, và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch; dulichpleiku.gialai.gov.vn, về các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, trong hoạt động du lịch.
Ngoài ra, phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù trên địa bàn huyện; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh; ít nhất 60% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch...
Những mục tiêu này đang dần thành hiện thực. Đặc biệt, nếu người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý tận dụng và phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng, lợi thế hiện hữu cùng tư duy thay đổi sẽ càng có thêm nhiều điểm đến ấn tượng và bền vững hơn trong tương lai.