Gặp TikToker "Cụt Yêu Đời": Bị mất đôi tay năm 16 tuổi và hành trình đến giảng đường đại học
19/01/2024 | 20:57Nghỉ học từ năm lớp 9 để kiếm tiền phụ giúp gia đình, Nguyễn Ngọc Nhứt không may bị tai nạn lao động và mất đi đôi tay khi mới 16 tuổi. Vực dậy từ vũng lầy của biến cố, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, Nhứt chọn quay trở lại trường học để viết tiếp ước mơ của mình.
TikToker “Cụt Yêu Đời”: Bị mất đôi tay năm 16 tuổi và hành trình đến giảng đường đại học
Đi lên từ nỗi đau từ đôi tay không lành lặn
Trong căn trọ chưa đầy 20m2, Nguyễn Ngọc Nhứt (SN 1998, quê Cần Thơ) loay hoay đặt chiếc điện thoại lên bàn rồi gọi điện thoại về cho mẹ. Ở đầu dây bên kia, nhìn thấy con trai, cô Võ Thị Vân nở nụ cười hiền hậu, hỏi thăm:
- Ủa con đi học về rồi ấy à, có mệt lắm không?
- Dạ không mẹ, mẹ đi làm xong rồi ạ.
Nụ cười hạnh phúc của Nhứt khi nói chuyện với mẹ
Cuộc nói chuyện cứ thế diễn ra trong tiếng cười đùa, chốc chốc Nhứt lại đưa đôi tay đã bị cưa đến cùi chỏ của mình lên thể hiện tình cảm với mẹ. Để có được "Cụt Yêu Đời" như hiện tại, Nhứt đã trải qua chuỗi ngày chìm trong bế tắc khi đột ngột mất đi đôi tay của mình.
"Lúc đó mình đang lợp mái nhà cho người ta thì bị phóng điện, té xuống đất. Sau biến cố đó, 2 tay của mình không giữ được…", Nhứt nghẹn lời.
Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), năm 2014 khi chưa học xong lớp 9, Nhứt quyết định bỏ học để đi kiếm tiền phụ cha mẹ bằng công việc hàn cửa sắt. Dù được gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi từ bệnh viện địa phương đến Chợ Rẫy, đôi tay của Nhứt vẫn không giữ được, năm đó Nhứt chỉ mới tròn 16 tuổi.
"Thật sự lúc đó nó khó diễn tả bằng lời, mình đang ở độ tuổi rất đẹp, đang có công việc ổn định và có nhiều ước mơ thì bỗng nhiên đùng một phát, mình rơi vào tuyệt vọng với chính bản thân.
Điều trị hơn 2 tháng ở 3 bệnh viện, lúc bác sĩ cắt đi 1 tay đầu tiên ở Cần Thơ, mình vẫn hi vọng níu kéo cánh tay còn lại. Nhưng sau đó vẫn không giữ lại được, sự thất vọng nó nhân đôi. Mình đã rất tiêu cực, mình sống như một cây lục bình trôi, cứ buông thả bản thân, không có mục tiêu rồi cho mình cái quyền sống dựa dẫm vào người khác mà không có sự cố gắng…", Nhứt chia sẻ.
Vì kinh tế gia đình gặp khó khăn nên để có tiền vừa lo chữa trị cho Nhứt, vừa chăm sóc được cho con trai nên vợ chồng cô Vân buộc phải đưa Nhứt theo trong lúc đi làm. Nhìn cảnh cha mẹ lao động vất vả, chạy ngược chạy xuôi để kiếm từng đồng mà bản thân không thể phụ giúp gì được, Nhứt nhìn lại đôi tay không toàn vẹn của mình rồi quyết tâm thay đổi.
Nhứt tự học lại mọi thứ, làm quen và chấp nhận với đôi tay không lành lặn của mình
"Lúc đó mình chỉ biết đứng nhìn cha mẹ một cách bất lực, mình mới bắt đầu có ý thức phải thay đổi bản thân, không dựa dẫm vào cha mẹ nữa.
Khi tự làm tất cả mọi thứ, thời gian đầu nó vô cùng khó khăn, mình giống như một đứa trẻ học lại mọi thứ từ 2 cánh tay cụt. Trong đầu mình luôn nghĩ cần phải làm được 2 điều, 1 là tự chăm lo cho bản thân mình, 2 là phải tự lập về kinh tế, vì mình biết cha mẹ chẳng thể nào ở bên cạnh để hỗ trợ mình mãi được", Nhứt tâm sự.
Dám đối diện, dám "lì" để đi đến ước mơ
Để bắt đầu hành trình tự thay đổi của bản thân, bên cạnh việc tập làm quen với việc sinh hoạt một mình, sau khi được kết nối với một số anh chị em, trong đầu Nhứt lóe lên suy nghĩ: "Hay mình đi học lại ta…".
"Mình bắt đầu tìm kiếm lại các lớp học bổ túc để học hết cấp 2, sau đó xin vào Trung tâm giáo dục thường xuyên để học cấp 3, rồi thi lên đại học. Và giờ mình đã là sinh viên năm cuối chuyên ngành Marketing của Trường Đại học Hutech TP.HCM, tất cả như một giấc mơ…", Nhứt cười vui vẻ rồi nói tiếp.
"Hồi quyết định nghỉ học để đi làm, mình luôn tự nói với bản thân sẽ không bao giờ quay trở lại trường học. Nhưng mà sau đó (cười), mình mới nhận ra cuộc đời có những ngã rẽ bất ngờ.
Hạnh phúc lớn nhất khi quyết định đi học lại là mình có thể chiến thắng được chính mình,chiến thắng được cái nỗi sợ khi mà phải đối mặt với rất nhiều người xung quanh, chiến thắng được nỗi sợ tên không làm được, rất nhiều thứ… ", Nhứt trải lòng.
Trong quá trình thay đổi bản thân, Nhứt thường ghi lại những video sinh hoạt của mình để chia sẻ lên mạng xã hội. Không ngờ chính những clip ấy lại trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều người, kênh TikTok "Cụt Yêu Đời" đã giúp Nhứt có thêm động lực để tiếp tục vững bước đi đến ước mơ của mình.
"Mình không ngờ mọi người lại đón nhận những clip của mình nhiều đến vậy. Có nhiều anh chị khuyết tật thông qua clip của mình đã trở nên lạc quan, yêu đời hơn, đó là niềm hạnh phúc to lớn đối với bản thân mình.
Ở thời điểm hiện tại, mình không nghĩ những biến cố xảy đến với mình là đau khổ nữa mà nó là một điều gì đó mà "vũ trụ" gửi đến mình, biến cố giúp mình thay đổi, thích nghi và sống tốt hơn. Đôi khi mình tự hỏi nếu không có tai nạn năm 16 tuổi, mình có quay lại trường học hay không?", Nhứt nói.
Ngoài công việc đi học ở trường, livestreams bán hàng trên mạng, thời gian rảnh Nhứt còn tham gia các hoạt động thiện nguyện, trở thành một tình nguyện viên năng động của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD). Được gặp gỡ, tiếp xúc với các anh chị em ở nhiều dạng khiếm khuyết khác nhau, bản thân Nhứt cũng hiểu thêm về những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt, từ đó nhìn nhận lại bản thân và cố gắng hơn với những dự định của mình.
Qua những hoạt động thiện nguyện, Nhứt lại có thêm những người bạn, những người anh chị em mới
"Mình nghĩ dù khuyết tật hay không, trước mắt mỗi người phải hiểu được giá trị của bản thân, phải sống tốt trước đã. Mỗi người trong cuộc đời có một giá trị riêng, có thể mục tiêu của mình và 1 bạn ngoài kia giống nhau nhưng con đường của cả 2 sẽ khác nhau. Có thể mình sẽ đi đường vòng hơn, lâu hơn nhưng nếu mình cố gắng không từ bỏ, đích đến đó mình cũng sẽ đạt được.
Bản thân mình không thông minh về việc học, nhưng mình tự nhận là mình "lì", những cái mà người khác cho là mình không thể làm được thì mình càng phải làm cho bằng được, phải lì lợm trong suy nghĩ và quyết tâm của mình", Nhứt cười vui vẻ.
Nói về những dự định tương lai, Nhứt cho biết mong muốn sẽ đi xa hơn trong con đường học vấn, hi vọng sẽ được thử thách bản thân ở nước ngoài để có những kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm về chuyên ngành marketing để quay về giảng dạy.
"Trước đây mình rất tự tin, chỉ cần bước ra khỏi cửa, điều đầu tiên không phải là cái chân mà là cái đầu, con mắt khi phải nhìn mọi người. Mình sợ đối diện với người khác, vô cùng sợ khi người ta hỏi về những khiếm khuyết của mình. Nhưng rồi mình nhận ra bản thân tự suy diễn thôi chứ không có ai nhìn mình ác ý cả, ngược lại mình còn nhận được tình yêu thương của rất nhiều người.
Việc giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật nó không phải là nghĩa vụ của mọi người mà nó xuất phát từ tình yêu thương, sự sẻ chia dành cho nhau, giống như truyền thống "lá lành đùm lá rách" vậy. Nhưng giúp đỡ như thế nào, mức độ ra sao, trong hoàn cảnh nào... cũng cần cân nhắc vì có những việc người khuyết tật có thể làm được, làm tốt nhưng lại nhận được sự giúp đỡ của mọi người, đôi khi lại tạo cảm giác thiếu tự tin, e ngại cho người khuyết tật.
Đối với mình, việc khiếm khuyết đôi tay đã giúp mình tôi luyện khả năng kiên cường hơn, miễn là bản thân chịu cố gắng, sẽ tìm thấy đích đến trong cuộc đời của mình", Nguyễn Ngọc Nhứt chia sẻ.