Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đường lối văn nghệ của Đảng trong cách mạng tư tưởng và văn hóa từ sau 1943

23/02/2023 | 08:55

Văn kiện đầu tiên của Đảng chuyên về văn hóa, trong đó có văn học - nghệ thuật, đó là Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943. Một Đề cương về văn hóa sau một Cương lĩnh chính trị đã xuất hiện trong bí mật vào năm 1930.

Đường lối văn nghệ của Đảng trong cách mạng tư tưởng và văn hóa từ sau 1943 - Ảnh 1.

Đồng chí Trường Chinh nói chuyện với cán bộ, nghệ sĩ tại Triển lãm Điêu khắc (1974). Ảnh: TƯ LIỆU

Với Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn hóa là một khái niệm có nội hàm rộng, bao gồm ba lĩnh vực: Tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Bây giờ ta có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Ở thời điểm 1943, hiểu văn hóa ở ba phương diện: Tư tưởng, học thuật, nghệ thuật tất nhiên là chưa đủ chiều rộng; nhưng lại có được một đường biên cụ thể cho sự hình dung. Đó là sự bao quát phạm vi hoạt động của người trí thức, của giới trí thức trên hai lĩnh vực cơ bản là khoa học và nghệ thuật.

1. Và, dẫu quan niệm về văn hóa là rộng hoặc hẹp thì định hướng xuyên suốt của Đề cương vẫn là ở “ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới”. Ba nguyên tắc xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng rất kịp thời cho các nhu cầu bức thiết của thực tiễn. Ở đây, Dân tộc hóa là nguyên tắc được đặt ở vị trí số 1 trong Đề cương. Với nguyên tắc này, sự tiếp nhận của quần chúng, trước hết là các tầng lớp trí thức sẽ có ý nghĩa định hướng cho họ ở cả hai tư cách: Tư cách người công dân, và tư cách người trí thức - nhà khoa học hoặc nghệ sĩ, trước một thời cuộc đang chuyển vào đêm trước cách mạng. Ở cả hai tư cách, người trí thức chỉ có thể chọn một con đường - con đường hướng về cách mạng, và tham gia cách mạng để cứu nước, trong đó có bản thân mình, và nghề nghiệp của mình. Trong tình thế khốn cùng của đất nước vào nửa đầu thập niên 1940 đang tiến tới cao trào Tổng khởi nghĩa, đồng thời là thảm cảnh hai triệu người chết đói, các tầng lớp trí thức cũng bị dồn đến thế cùng. Qua Đề cương về văn hóa Việt Nam, và với sự ra đời của Hội văn hóa cứu quốc, gần như tuyệt đại bộ phận đội ngũ trí thức khoa học và nghệ thuật của dân tộc đều hướng về cách mạng.

Đại chúng hóa ở vị trí số 2. Và dẫu ở vị trí số 2 nó vẫn là nguyên tắc được đón nhận dễ dàng và có tác động sâu rộng đối với đời sống văn hóa, tinh thần nói chung và văn học - nghệ thuật nói riêng. Chính nhờ vào các kết quả của Đại chúng hóa mà ngay sau 1945, nền văn học - nghệ thuật dân tộc đã tạo được một chuyển đổi nhanh chóng để sớm có một gương mặt mới, một giọng điệu mới, thậm chí đến cả một thi pháp mới, trong sáng tác và tiếp nhận thơ, văn, nhạc, họa… sau những đỉnh cao đã đạt được trong văn chương, nghệ thuật, học thuật trước 1945. Nhưng khi trình độ mọi mặt của quần chúng được nâng cao, trong và sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khi nhu cầu giao lưu với thế giới đã được mở rộng thì nhận thức về đại chúng và yêu cầu đại chúng hóa phải được thay đổi.

Nguyên tắc Khoa học hóa là kết quả sự vận dụng chủ nghĩa Mác để phân tích lịch sử văn hóa dân tộc, và thực trạng văn hóa hiện thời. Từ đó đề ra phương hướng phát triển văn hóa “tân dân chủ”. Nó muốn là công cụ cho nhận thức và hành động của các giới trí thức - để dứt khoát với quá khứ; để từ bỏ mọi tìm kiếm về tông phái mà hướng về tả thực và tả thực xã hội chủ nghĩa như là mục tiêu cao nhất, và duy nhất của văn hóa mới; để loại trừ các di hại của chế độ phong kiến, thuộc địa...

2. Năm 1960 ghi một dấu mốc quan trọng trong hành trình dân tộc. Đó là năm ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, đưa cuộc chiến đấu chống Mỹ lên một cục diện mới – cục diện cả nước chống Mỹ. Đồng thời, đó là năm Đảng Lao động Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ III công bố Cương lĩnh xây dựng Chủ nghĩa xã hội, và Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).

Trong Cương lĩnh xây dựng Chủ nghĩa xã hội Đảng, chủ trương tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất; Cách mạng khoa học - kỹ thuật; Cách mạng tư tưởng - văn hóa. Như vậy, ba cuộc cách mạng ở đây cũng là nhằm bao quát ba lĩnh vực chính trị - kinh tế - và văn hóa như đã được đặt ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam - 1943. Từ yêu cầu của Cách mạng tư tưởng - văn hóa mà có Đường lối văn nghệ. Đường lối này được đồng chí Trường Chinh trình bày trong bài phát biểu, thay mặt Đảng, trước Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ IV tháng 12.1968, có tên Văn nghệ phải góp phần giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới thống nhất nước nhà, trong đó tác giả tổng kết và nêu lên 8 mục, được xem là “8 quan điểm cơ bản”, “những quan điểm làm cơ sở cho đường lối văn nghệ của Đảng”, chiếm toàn bộ Phần I của bài phát biểu… Vậy là ở đây, qua 8 mục, bản báo cáo đã bao quát gần như đầy đủ những phạm vi cần quan tâm của lý luận văn nghệ (mácxít - lêninnít) gồm: Chức năng và vai trò, đặc trưng và tính chất, mục đích và nhiệm vụ, phương pháp sáng tác, và mục tiêu xa của văn nghệ. Bây giờ đọc lại, dễ nhận thấy ở đây có những mục vẫn đúng nhưng quá rộng hoặc quá hẹp; có những mục không còn thích hợp, cần phải bổ sung hoặc thay đổi.

Tôi chọn mốc 1968 để thấy sự tổng kết trên 8 mục như một cấu thành hoàn chỉnh Đường lối văn nghệ của Đảng mà tác giả Trường Chinh có trách nhiệm khởi thảo và phát biểu. Bởi từ sau 1968 cho đến khi ông qua đời, năm 1988, những bài nói và viết của Trường Chinh không còn mang tính chất tổng kết và vạch đường lối cho văn nghệ nói chung. Dường như, theo quan điểm của Trường Chinh, và cũng là theo sự tiếp thu của giới lý luận lúc ấy, một tổng kết gồm 8 mục như trong bài phát biểu năm 1968 là đầy đủ và không cần phải nói gì thêm. Một tổng kết như là một sự hoàn thiện cả một quá trình nhận thức, theo đuổi về các vấn đề văn hoá, văn nghệ cách mạng, theo quan điểm của Đảng, có khởi đầu từ Đề cương về văn hóa Việt Nam, ở một người trong gần nửa thế kỷ có trách nhiệm cao nhất thay mặt Đảng lãnh đạo, chỉ đạo văn học nghệ thuật.

3. Bộ tuyển của Trường Chinh: Bàn về văn hóa - nghệ thuật gồm 2 tập, NXB. Văn học ấn hành năm 1986, tập hợp gần như tất cả những bài viết, bài nói quan trọng nhất của tác giả, từ 1938 đến 1984, với rất ít sửa chữa, chứng tỏ tác giả đã rất nhất quán và kiên định với các chủ kiến và ý kiến của mình. Vậy là, sau 1945, và nhất là sau 1954, trong hoàn cảnh mới của cách mạng, việc xác định một Đường lối văn nghệ của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đưa văn nghệ vào quỹ đạo chung của cách mạng. Với Đường lối này, lý luận văn học phải bao quát một phạm vi rất rộng các vấn đề, trong đó có vấn đề tự do trong sáng tạo văn học - nghệ thuật, là khu vực trực tiếp nhận sự lãnh đạo của Đảng. Bởi nó gắn với yêu cầu giảng dạy văn học trong nhà trường và yêu cầu trang bị về lập trường, quan điểm cho đội ngũ công tác tuyên huấn và lý luận. Cùng với phê bình, theo Trường Chinh nó phải là “một phương thức chỉ đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ”. Không kể nó nhằm phổ cập tri thức cho công chúng đông đảo, một công chúng lúc nào cũng cần được giáo dục, động viên để vươn lên đứng ở tuyến đầu các cao trào cách mạng. Nền lý luận văn học đó, một mặt phải xuất phát từ Chủ nghĩa Mác - Lênin, vốn đã được đúc kết và diễn giải trong các bộ sách giáo khoa về triết học, về mỹ học và lý luận văn học nghệ thuật, bởi các học giả mácxít chủ yếu ở Liên Xô; một mặt là Đường lối văn nghệ của Đảng, được xem là sự vận dụng cụ thể và sáng tạo các nguyên lý kinh điển Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam được thể hiện và đúc kết trong các văn kiện của Đảng và các bài nói, bài viết của những người thay mặt Đảng.

Lý luận văn học, trong đó có vấn đề tự do trong sáng tạo văn học - nghệ thuật, được hiểu như thế nên có vai trò rất quan trọng, thậm chí rất thiêng liêng. Là “một phương thức chỉ đạo của Đảng” nên nó không được phép sai. Nhất là sai về đường lối. Nếu đường lối cách mạng là mục tiêu toàn Đảng, toàn dân phải nhất tâm thực hiện, thì đường lối văn nghệ phải là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của các giới văn hóa, văn học - nghệ thuật. Do vậy mà một vi phạm dẫu nhỏ vào những nguyên tắc đó là không được phép. Chẳng hạn, Đảng chủ trương hướng về “cuộc sống mới, con người mới” thì bất kể ai (giới lý luận hoặc sáng tác) không thể đặt vấn đề: “Con người bình thường, cuộc sống bình thường”. Cái đời thường mà bây giờ ta quen nói, có một thời dài rất ít được nói, hoặc không được phép nói, mà phải là “đến với những nơi tiên tiến, sống với những con người tiên tiến”... Đảng yêu cầu phản ánh trung thành hiện thực cách mạng thì không thể kêu gọi “phá vỡ lôgích cuộc sống” để xen vào một “lô gích nghệ thuật” viển vông nào đó. Hiện thực cách mạng là anh hùng và cao đẹp thì không thể nhấn mạnh cái bi, hoặc quá đi sâu vào những hiện tượng phân thân, “đối mặt” ở con người…

4. Tình thế rồi sẽ thay đổi, từ Đại hội VI của Đảng tháng 12.1986 với hai khẩu hiệu: “Lấy dân làm gốc”, và “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đây là một cuộc “Sửa sai” lớn, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, văn học - nghệ thuật; dĩ nhiên yêu cầu tự do sáng tạo soi vào đấy sẽ phải nhận thức lại nhiều điều. “Cởi trói” trở thành một nhu cầu tự thân. Mà nói “cởi trói” tức là nói trước đây đã có nhiều buộc trói. Để có tự do hãy tự cứu mình trước khi Trời cứu (lời Nguyễn Văn Linh). Nhờ vậy yêu cầu tự do và phạm vi tự do mới được nới dần ra, để thoát ra khỏi các trói buộc, gần như lúc nào cũng bị xiết chặt, suốt hơn 30 năm. Một mùa gặt mở ra – mùa “tiền Đổi mới” trong mở đầu thập niên 1980, trổ ra được những khoảng trời, những cánh cửa cho những bức xúc của nhân dân và không khí thời đại tràn vào…

Từ Đổi mới (1986) chuyển sang Hội nhập (1995), cho đến cuối thập niên 1990 trở đi, văn học - nghệ thuật chuyển sang một thời kỳ mới với rất nhiều thay đổi trong đề tài - chủ đề, trong cảm hứng sáng tạo, trong thi pháp - bút pháp, trong cấu trúc nghệ thuật, trong văn bản ngôn từ... Đồng thời là sự nhận thức lại, đánh giá lại diện mạo lịch sử sau hơn một thế kỷ hiện đại hóa.

Tự do sáng tạo vẫn còn những khía cạnh cần bàn, nhưng là bàn trên một bình diện mới. Đó là sự chấp nhận, hoặc tôn trọng mọi tìm tòi để có thể vừa đến được với cái riêng, cái khác, vốn là mục tiêu săn tìm ráo riết của một thế hệ trẻ, kể từ 8X, 9X trở đi, thế hệ không phải sống trong bối cảnh chiến tranh và tình thế bao cấp, vừa vẫn có thể đồng hành cùng nhau trước những mục tiêu chung...


Theo GS PHONG LÊ/Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×