Đừng để nghệ thuật Tuồng như ngọn đèn "leo lét" cháy
26/05/2019 | 17:25Chúng ta vẫn nói sân khấu Tuồng hiện nay không có khán giả. Thế nhưng, khi tổ chức Liên hoan, khán giả ở Thanh Hóa lại đến kín chỗ. Điều này đặt ra vấn đề, không phải nghệ thuật Tuồng không còn hấp dẫn khán giả mà bản thân các nghệ sĩ đã làm vở diễn hấp dẫn để kéo khán giả đến sân khấu hay chưa?
Để cắt nghĩa rõ hơn xem nghệ thuật Tuồng còn hấp dẫn khán giả hay không, vì sao? Chúng tôi xin trích phân tích của PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan sân khấu Tuồng 2019 nhằm làm rõ phần nào diện mạo và định hướng phát triển của sân khấu Tuồng hiện nay.
Khán giả vẫn khao khát vui buồn, đồng cảm cùng với từng nhân vật, từng vở diễn của sân khấu Tuồng
Trong 10 ngày, khán giả xứ Thanh đã được chứng kiến, đồng cảm, cùng vui, buồn với các nhân vật trong từng vở diễn. Hội đồng Nghệ thuật gồm các PGS, Tiến sĩ, NSND, NSƯT, nhà văn cũng đã thẩm định và trao đổi, đánh giá một cách công tâm, hiểu biết và thẩm thấu để đi tới sự thống nhất về định hướng chính thống và chất lượng nghệ thuật của các vở diễn, hàng trăm vai diễn chính-phụ và các thành phần sáng tạo. Các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công cũng đã thể hiện hết sức nghiêm túc, chân thành, hết mình trên sàn diễn của Liên hoan.
"Bằng tất cả thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần của một đời, các nghệ sĩ đã "đốt cháy" mình dưới ánh đèn sân khấu và đã thắp lên ánh sáng huyền diệu của hình tượng tuồng, hình tượng dân ca kịch dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng từ thể tài chính kịch tâm lý xã hội, chính kịch sinh hoạt tả thực, chính kịch anh hùng ca đến bi kịch và bi hài kịch. Khán giả quên sao được những hình tượng của các nhân vật: Thạch Sùng, Lê Văn Duyệt, Bà Muộn, Lê Đại Cang, Nguyễn Xí, Trần Khánh Dư, Thiếu úy công an Thu Thủy, ông Lộc, Trần Cảnh, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Trãi, Đặng Đại Độ… Những nghệ sĩ lão luyện với giọng ca và bản lĩnh sân khấu chuyên nghiệp, những nghệ sĩ trẻ hát dư hơi, sáng giọng, diễn say đắm như: Hoàng Hà, Mạnh Linh, Lộc Huyền, Hồng Chuyên, Kiều Oanh, Văn Quang, Thiên Huế, Ánh Dương, Nguyễn Thị Quyên, Thanh Long, Sơn Hà, Băng Châu, Xuân Quan, Linh Hiền… Những bàn tay "phù thủy" của các đạo diễn phần lớn là những ngôi sao có danh, có kinh nghiệm, có phong cách và có tâm huyết cao cả với nghiệp Tổ: NSND Lê Tiến Thọ, NSND Lê Hùng, NSND Hoài Huệ, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Đặng Bá Tài, NSƯT Triệu Trung Kiên, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, NSƯT La Thanh Hùng… Chính vì vậy, hầu hết các vở diễn đều được đồng nghiệp thừa nhận là sạch sẽ, suôn sẻ, chuyên nghiệp…"- PGS.TS Trần Trí Trắc nhìn nhận.
Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ những nhìn nhận hết sức khách quan: "Liên hoan cũng không nhiều tác phẩm có câu chuyện mới mẻ, độc đáo mà phần lớn chỉ là những câu chuyện quen thuộc đã nghe, đã biết, đã thấy ở lịch sử, ở truyền thanh, truyền hình hoặc đơn vị nào đó đã diễn, đã biểu hiện theo thể loại khác. Vẫn còn vở kết cấu thiếu chặt chẽ - logic, lớp thừa - lớp thiếu, lớp dài - lớp ngắn, lớp thiếu tinh tế; có vở thiếu thi pháp cơ bản của kịch hát dân tộc, nên đã tạo ra thực trạng "kịch nói cắm tuồng", "kịch nói cắm dân ca"; có vở lại dùng ngôn từ đương đại và đôi chỗ cục cằn thiếu thẩm mỹ... Về đạo diễn, đôi vở đã lạm dụng trang trí, làm sân khấu thừa vật cảnh, choán mất không gian hành động của diễn viên hoặc làm mất sự chú ý của khán giả đến diễn xuất của nghệ sĩ. Về nghệ sĩ biểu diễn, tại liên hoan lần này vẫn còn một số diễn viên tạo ra những "hạt sạn" như đôi khi hát bị phô, chênh, non, hụt hơi. Hoặc có lúc hát nhưng micro không mở, hay làm micro bị réo to, lạo xạo gây nhòe lời hát, thiếu sự chuyên nghiệp…".
Không phải khán giả không mặn mà với nghệ thuật truyền thống mà là những tác phẩm ấy, cách diễn ấy đã đủ sức "lay động" người hâm mộ để kéo họ tới rạp hay chưa
Tuy vậy, nhìn chung Liên hoan đã có được những ngày hội của nghề nghiệp trong gặp gỡ, giao lưu và quảng bá tới đồng nghiệp cùng người xem xứ Thanh. Đó là những kết quả của sáng tạo nghệ thuật và những nỗ lực vượt qua khó khăn của mỗi đơn vị nghệ thuật truyền thống trong giai đoạn vừa qua khi mà chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương vẫn còn đang tiếp tục được triển khai thực hiện gây sự xáo trộn không nhỏ tới tâm lý của các nghệ sĩ, diễn viên để đến với Liên hoan.
16 vở diễn tuy không nhiều nhưng đều đã hoàn thành được "sứ mệnh" chuyển tải của mình đối với đời sống xã hội thông qua nghệ thuật sân khấu đầy biểu cảm của thể tài tuồng và kịch dân ca. Giải thưởng của Liên hoan cũng đã phản ánh đúng với thực tế những gì đã thể hiện trên sân khấu. Cái khó của sân khấu nói chung và kịch hát dân tộc nói riêng đang vắng khán giả là có thật. Nhưng 10 ngày đêm tại sân khấu Nhà hát Lam Sơn vẫn chật kín người xem đã đặt ra câu hỏi cho các nhà quản lý, các đạo diễn, các nghệ sĩ, diễn viên vì sao khi đông khán giả, khi lại vắng người xem, đó là không phải khán giả không mặn mà với nghệ thuật truyền thống mà là những tác phẩm ấy, cách diễn ấy đã đủ sức "lay động" người hâm mộ để kéo họ tới rạp hay chưa?...