Du lịch Việt Nam và mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế (Bài 2): Phát huy các lợi thế tiềm năng
15/03/2024 | 08:59Việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng của Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực trạnh tranh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước cũng như tăng tỉ lệ khách quay lại.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa. Đây được coi là mục tiêu "nhiều tham vọng" với du lịch Việt Nam, tuy vậy những dấu hiệu khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024 cho thấy, du lịch Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu này.
Tạo kết nối để các địa phương hỗ trợ chứ không cạnh tranh nhau
Để thu hút nhiều khách quốc tế đến Việt Nam hơn nữa, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, trước mắt cần tập trung khai thác tốt chính sách thị thực mới mà Chính phủ đã ban hành; tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp.
Muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, muốn vậy phải có chính sách thích hợp, việc triển khai chính sách chậm và khó sẽ khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia, các tỉnh thành dành kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược đó thu hút được khách vào.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp, những người trực tiếp triển khai các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch cần nghiên cứu và có những đề xuất rất cụ thể đối với cơ quan quản lý.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, để đón nhiều khách du lịch nhiều, trước hết cần có sự chuyển biến về nhận thức. Từ nhận thức sẽ đưa ra mục tiêu định hướng, kế hoạch, giải pháp và nhiệm vụ.
Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, một trong những hạn chế, tồn tại hiện nay là cơ chế thay đổi chậm, thiếu đồng bộ. Vấn đề quy hoạch hiện nay cũng khá mơ hồ trong khi thực tế, nếu không có quy hoạch thì không thể làm kế hoạch được. Do đó, phải làm rõ vấn đề quy hoạch cho từng thị trường, từng khu vực. Xác định mục tiêu từ nay đến 2030 đón bao nhiêu khách ở mỗi thị trường.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, chúng ta cũng nói nhiều về môi trường sống, kinh doanh, du lịch. Tuy nhiên, cần định vị lại môi trường du lịch là môi trường gì? như thế nào? Những năm gần đây, an ninh tại TP HCM, Hà Nội rất tốt nhưng chúng ta không chỉ cần có an ninh mà phải sạch, xanh, đồng bộ hóa, giảm phát thải và thân thiện với môi trường để thu hút du khách.
"Môi trường đóng vai trò rất quan trọng. Chúng cần quy hoạch "vùng nan hoa", từ đó tạo kết nối, quy hoạch lại sản phẩm du lịch của các địa phương để hỗ trợ chứ không cạnh tranh nhau", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
Trong khi đó, để tăng lượng khách đến Việt Nam và tăng tỷ lệ khách quay trở lại, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng, chính sách visa, dù đã thông thoáng hơn rất nhiều so với 2 năm nhưng cần hấp dẫn hơn nữa. Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc, vì vậy chúng ta cũng có thể miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.
Đại diện Saigontourist cũng bày tỏ mong có văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc,... Ngoài ra, cần đầu tư hơn nữa nhân lực trẻ, giỏi cho công tác xúc tiến thương mại du lịch.
7 giải pháp trọng tâm năm 2024
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, thời gian qua, ngành du lịch nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn bao giờ hết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với việc ban hành các văn bản, nghị quyết, chỉ thị để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa trong năm 2024, thời gian tới Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
Thứ nhất, tham mưu các cấp ban hành Kế hoạch triển khai có hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch được ban hành sẽ giúp các địa phương, điểm đến, các doanh nghiệp xác định được các trọng tâm, trọng điểm phát triển du lịch trong thời gian tới, thúc đẩy phát triển du lịch nhanh, bền vững.
Thứ hai, tăng cường hoạt động liên kết trong phát triển du lịch, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động liên kết, phát triển điểm đến xanh - bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm; đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch.
Thứ ba, tham mưu triển khai đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung khai thác các phân khúc thị trường khách, các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch MICE, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh du lịch bằng đường sắt; đề xuất thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là mở văn phòng tại Viêng Chăn (Lào).
Thứ tư, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng của Việt Nam để nâng cao năng lực trạnh tranh thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỉ lệ khách quay lại. Quan trọng nhất là sản phẩm phải hấp dẫn, phù hợp để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế, cơ sở hạ tầng để du lịch phát triển đồng bộ, toàn diện.
Thứ sáu, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.
Thứ bảy, tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu về du lịch trên các nền tảng số dùng chung; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong du lịch gắn với chuyển đổi số.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
>> Du lịch Việt Nam và mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế (Bài 3): Thêm nhiều sản phẩm mới để tăng sức cạnh tranh