Du lịch Việt Nam tận dụng lợi thế kiểm soát thành công dịch Covid -19, tiếp tục đẩy mạnh thị trường trong nước
08/07/2020 | 07:54Chiều 7/7, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Tổng cục Du lịch. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, với kết quả đạt được của du lịch năm 2019, tháng 1/2020 du lịch Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục gần 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách du lịch nội địa trong tháng 1/2020 đạt 7,3 triệu lượt, tăng 11%.
Về hệ thống doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên, trong 6 tháng đầu năm, đã thẩm định 402 hồ sơ cấp, đổi, cấp lại, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; Tiếp nhận 36 hồ sơ đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch 4 sao và 5 sao. Hiện cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19, nhìn chung các chỉ tiêu du lịch đều giảm mạnh. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 56,5% so với cùng kỳ năm 2019. Khách du lịch nội địa đạt 23 triệu lượt, giảm gần 50%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176.800 tỷ đồng, giảm gần 48% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động. Có 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép. Số doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế giảm 48% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%.
Tận dụng lợi thế là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid -19 trong cộng đồng sớm nhất, được thế giới đánh giá cao, đồng thời sớm phục hồi hoạt động du lịch trong nước, Bộ VHTTDL đã phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nhằm kích cầu du lịch nội địa. Chương trình đã tạo hiệu ứng lan tỏa trên cả nước, góp phần đẩy mạnh các hoạt động kinh tế của đất nước.
Hội nghị cũng ghi nhận những tham luận, ý kiến phát biểu, chia sẻ về những khó khăn và các giải pháp phục hồi du lịch trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đồng tình với những ý kiến, báo cáo tại Hội nghị. Thứ trưởng cho rằng đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. "Do vậy, công tác dự báo là rất quan trọng, bởi mọi sự bất ngờ đều có thể xảy ra mà du lịch là ngành kinh tế tổng hợp dễ bị tổn thương. Chú trọng công tác dự báo để chủ động trong các tình huống" – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng ghi nhận sự chủ động trong việc phối hợp tốt với các địa phương, doanh nghiệp của Tổng cục Du lịch. Tuy nhiên Thứ trưởng cho rằng cần phải chủ động hơn nữa nhằm đưa ra các giải pháp, đồng thời làm tốt hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch.
Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch tiếp tục chú trọng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cơ cấu lại thị trường, sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa du lịch nội địa để tháng nào cũng là tháng du lịch cao điểm. Xây dựng quy hoạch du lịch quốc gia, tạo ra cơ cấu du lịch bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao những ý kiến đóng góp trong Hội nghị. Bộ trưởng cho rằng ngành du lịch dù còn gặp khó khăn nhưng việc khống chế thành công dịch Covid -19 và khôi phục thị trường nội địa của Việt Nam đã là điều hạnh phúc so với nhiều nước trên thế giới. Bởi nhiều nước hiện vẫn còn những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Việc kích cầu du lịch trong nước trong tháng 5 và 6 chúng ta đã làm khá tốt. Tuy nhiên cần phải đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa trong thời gian tới với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tạo thành xu hướng người Việt Nam thích đi du lịch trong nước.
Bộ trưởng cũng đánh giá khủng hoảng của du lịch trong đại dịch Covid -19 là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên Tổng cục Du lịch cũng phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản khi đại dịch được khống chế, thị trường du lịch quốc tế được mở cửa trở lại. Bởi khi mở cửa trở lại thị trường quốc tế sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt chứ không tiếp đà tăng trưởng 2019 mà chúng ta đã đạt được.
Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch chủ động xây dựng lên phương án với các giải pháp đồng bộ, thiết thực, cụ thể và mang lại hiệu quả./.